Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc

Chương 196: Chương 196




Hiểu Linh với lỉnh kỉnh đồ leo lên thư viện Lam Kinh. Cô mang tới cho Phan viện trưởng quà Tết phần lớn là đồ khô: măng, miến, mộc nhĩ. Hôm trước chợ phiên, cô còn mua được ít lạp xưởng trên mạn Cẩm Thủy mang xuống bán. Cô mua ăn thử thì thật may nó là dạng cô yêu thích với gia vị đặc trưng của vùng núi: hạt dổi, mắc khén. Cách làm lạp xưởng cũng nhiều nhưng theo Hiểu Linh biết thì có hai vị chính là lạp xưởng mặn và lạp xưởng ngọt. Cô thì yêu thích vị lạp xưởng mặn trên miền thượng hơn. Giá thứ này cũng không hề rẻ mà lại không nhiều. Có điều chẳng mấy khi vào Tết, nhiều người cũng sẵn sàng bỏ tiển để người nhà thay đổi khẩu vị một hai. Mà Hiểu Linh lại không phải ngoại lệ.

Vừa đến cửa tiểu viện, Hiểu Linh nghe thấy rất nhiều tiếng người lao xao bên trong. Nén lại sự tò mò, cô đứng bên ngoài chờ đợi, hẳn là Phan viện có khách. Đợt này gần Tết, những người học trò của bà chắc chắn sẽ phải tới thăm nom thầy của mình. Nhỡ đâu bên trong là mấy vị quan lớn, cô đi vào lại phiền lắm.

Rốt cuộc tiếng cáo từ ra về cũng vang lên. Đoàn người lần lượt rời đi. Hiểu Linh nhìn qua… bọn họ có phần đứng tuổi hết rồi, chắc không phải học trò của Khương viện.

Phan Sư Khương tiễn đoàn người ra về thì nhìn thấy Hiểu Linh đứng ngoài cửa. Bà cười hỏi;

- Sao tới rồi không vào còn đứng ngoài đây?. Ngôn Tình Sắc

Hiểu Linh vái chào bà rồi đáp:

- Dạ thưa, ta thấy ngài đang có khách, sợ là các quý nhân nên không dám làm phiền.

Phan viện vẫy tay, nhường đường cho Hiểu Linh đáp:

- Không phải.. là mấy vị học giả tới từ biệt để về nhà ăn Tết. Hôm nay cũng mười lăm còn gì. Học trò của ta thì phải sau mười lăm mới dần tới.

Hiểu Linh đi vào nhà, hạ xuống phần lễ vật đặt lên bàn đáp:

- Ta mang biếu viện trưởng chút quà quê. Toàn là đồ ăn khô để được nên ngài yên tâm. Tết rồi con cái ngài có về ăn Tết cùng ngài không?

Phan viện tráng đi những chén nước chè ban nãy tiếp khách rồi rót cho Hiểu Linh. Bà đáp:

- Thường thì một vài đứa cháu sẽ về ăn Tết cùng, mùng hai con trai, con dâu và các cháu chắt cũng về nên đông vui lắm. Đứa lớn làm quan trong triều, lễ Tết còn phải diện thánh rồi đủ thứ phải làm, đứa nhỏ thì đóng quân ngoài quan ải đều không thể về.

Rồi bà nhìn Hiểu Linh hỏi:

- Thế lần này trò tới có định ở lại vài ngày chép sách không hay về luôn?

Hiểu Linh đáp:

- Học trò tính ở lại chép sách ba ngày rồi về. Tính toán khoảng 20 tháng Chạp ở nhà để chuẩn bị cho 23 làm lễ ông Công ông Táo.

Phan viện đột nhiên mỉm cười gật đầu:

- Tốt… vậy ở lại vài ngày đi.

Hiểu Linh bắt gặp ánh mắt thoáng buồn của vị viện trưởng già. Nhưng cô không thân thiết với bà ấy đến mức có thể hỏi quan tâm. Thôi thì làm một bữa mồi ngon với rượu đi, cần thiết thì Phan viện sẽ kể, mà cô cũng sẵn lòng lắng nghe.

Vừa lúc này đứa nhỏ Tường Minh cũng từ đâu chạy về, vừa nhìn thấy Hiểu Linh, ánh mắt nàng rực sáng:

- Linh tỷ đến rồi. Lần này tỷ ở lại lâu lâu chứ?

Hiểu Linh cười:

- Sao có thể.. sắp tết rồi, ta chỉ ở lại ba ngày rồi về. Mấy ngày nay chuẩn bị tinh thần học thêm món ăn mới đi nhé. Những món lần trước ta dạy muội thế nào rồi?

Tường Minh ưỡn ngực kiêu hãnh:

- Ta đã làm rất tốt những món đó rồi. Sư phụ ăn còn phải khen ngợi. Đến cả Hàn thúc cũng phải hỏi ta món đó nấu thế nào nha.

Hiểu Linh gật đầu:

- Tốt lắm. Như vậy thì ta sẽ có thể dạy muội những món phức tạp hơn rồi. Các món ăn cần phối hợp nhiều loại gia vị nhưng nộm, thịt kho, cá kho, canh chua.

Tường Minh vui vẻ khẳng định:

- Ta sẽ học thật tốt. Tỷ yên tâm.

Hiểu Linh cười:

- Vậy để lát nữa ta xem Hàn thúc mua đồ ăn gì cho hai người để nấu cho phù hợp. Nếu không có gì thì có thể ăn thử lạp xưởng ta mang tới. Hôm nay ăn ngon chút nhé.

***

Tối. Bữa cơm được dọn ra với lạp xưởng xào tỏi, xương ninh khoai và một đĩa rau bắp cải xào lớn. Nhìn thấy mâm cơm ngon lành với đĩa lạp xưởng xào béo ngậy, Phan viện hứng trí lấy rượu ra rồi nói:

- Hiểu Linh uống với ta vài chén chứ?

Hiểu Linh cười đáp:

- Dạ vâng. Học trò xin được phép bồi thầy.

Vài tuần rượu đi qua, Phan viện thở dài:

- Ta già rồi. Không biết sau này Lam Kinh thư viện sẽ đi về đâu. Nhìn nó ngày một xuống dốc mà ta lại bất lực không biết nên làm gì để xoay chuyển. Cốt của nó vẫn thế… tại sao dần dà cả học sinh lẫn các vị học giả đề từ giã rời đi.

Hiểu Linh lờ mờ nhận ra câu chuyện chắc hẳn bắt nguồn từ buổi chiều mấy vị học giả đến chào. Cô chậm rãi châm thêm rượu cho Phan viện. Bà lại uống cạn một hơi:

- Nơi này… hai đứa kia không ai muốn tiếp nhận. Mấy đứa cháu nhỏ cũng chẳng mấy mặn mà. Ta mà rời đi nữa, chỉ sợ nó sập xuống trong sớm tối. Đó cũng là lý do sao ta không chịu tới ở cùng bọn nó. Hiểu Linh, ngươi nói xem có cách nào không?

Hiểu Linh nhấm một ngụm rượu, cân nhắc lời nói rồi đáp:

- Nơi này, dưới góc nhìn của học trò thì không đủ tốt để ở lại học tập. Đó là sự thật. Nhưng ta thích nơi này. Viện trưởng, ngài nghĩ sao nếu ta đổ tiền vào Lam Kinh thư viện và cải tạo lại nó?

Phan viện trưởng có chút ngẩn người nghĩ mình say nên nghe nhầm, hỏi lại:

- Đổ tiền? cải tạo?

Hiểu Linh gật đầu:

- Đúng vậy. Trước hết ta muốn cải tạo lại nơi ăn chốn ở, chỗ vệ sinh chung cho học trò và các vị sư phụ. Ta từng đi qua những nơi đó, thật sự có chút không chấp nhận nổi. Sau đó, ta còn muốn thay đổi phương cách dạy và học nơi này. Phương án chi tiết ta chưa có. Nếu viện trưởng muốn nghe, ra tết ta sẽ gửi ngài bản kế hoạch chi tiết. Phan viện đọc và nghiên cứu, đồng ý hay từ chối đều ở ngài.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.