Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc

Chương 193: Chương 193




Đám cưới Tiểu Minh vừa qua mấy ngày liền bắt đầu tháng Chạp, chẳng mấy chốc mà Tết. Dân chúng cả năm trời nuôi được con lợn, con gà cũng đến lúc bán đi lấy tiền sắm sửa cái Tết cho chu toàn. Nhà ai nghèo lắm cũng phải gắng gom tiền, ít nhất mua được chút gạo nếp, đỗ xanh để làm cái bánh chưng trước là cúng tổ tiên, sau là cho con cái vui mừng. Nhà Hiểu Linh gà vịt và cả đàn lợn cũng lớn có thể bán được rồi.

Đêm nay gió bấc thổi mạnh, trời lạnh hơn nhiều lắm. Cả nhà ăn cơm xong cũng chưa chia nhau về phòng mà tập trung trên nhà lớn đốt lửa than sưởi ấm và cùng ngâm chân nước muối gừng. Từ lúc trời bắt đầu lạnh, Hiểu Linh liền sai Phan Nhan mỗi lần nấu cơm xong thì để sẵn một ấm nước nóng. Cô kiên trì để người nhà ngâm chân vì như vậy vừa thư giãn lại dễ ngủ hơn vào mùa đông. Chân tay cũng không vì cái giá lạnh mà bị cước hay sưng tấy. Hiểu Linh không có điều kiêng kị nhưng cô vẫn phải một mình ngâm một chậu còn lại mấy nam nhân cùng ngâm chân chậu khác. Haizz. nhìn họ trêu chọc nhau thật vui vẻ. Hiểu Linh ngẫm nghĩ chuyện trong nhà rồi hỏi:

- Ta nghe thương lái hai hôm nữa sẽ qua làng ta thu mua lợn và nông sản. Nhà mình có ba con cũng bán được rồi thì nên bán đi hết hay giữ lại?

Cô vừa hỏi vừa nhìn Tiểu Đông. Hắn vẫn có chút mất tự nhiên khi thê chủ hỏi ý kiến mình như vậy. Ngẫm nghĩ một chút, Tiểu Đông ngập ngừng nói:

- Thê chủ.. theo ta thấy nhà mình bán cho thương lái một con lợn cái, giữ lại một con đến gần tết bán cho đồ tể trong làng với giá rẻ chút nhưng chúng ta có thể giữ lại các phần thịt mong muốn. Nhà mình ít người, mổ lợn ăn Tết thì quá nhiều mà đi mua thì thật sự rất đắt. Còn con lợn đực kia có thể giữ lại sang xuân hay có người đi phối lợn dạo, chúng ta phối lợn, tự nuôi lợn con. Thê chủ thấy sao?

Hiểu Linh mỉm cười hỏi tiếp:

- Vậy còn gà vịt thì sao?

Tiểu Đông đáp:

- Gà vịt cũng chỉ để lại một con mái to nhất làm giống, số gà mái, vịt mái còn lại bán hết cũng được một khoản kha khá.

Hiểu Linh lại hỏi:

- Chỉ bán đi một con lợn, liệu thương lái có thu mua không?

Tiểu Đông lúc này mỉm cười đáp:

- Thê chủ… nhà có lợn để bán như nhà ta trong làng cũng không nhiều. Hơn nữa lợn nhà ta rất mập, có khi to gấp rưỡi đám lợn nuôi một năm nên chắc chắn được giá. Thương lái vào làng ta thu mua được hai mươi đầu lợn đã là rất nhiều. Năm nay vụ mùa bội thu, hẳn là được trên dưới hai mươi đầu.

Hiểu Linh gật gù:

- Vậy còn chuyện bán cho đồ tể là thế nào?

Tiểu Đông giảng giải:

- Gần Tết mọi người mới bắt đầu mua thịt nấu vì dù sao thời gian để cũng không được lâu lắm nếu không muối lên. Nên đồ tể trong làng thường sẽ mua sẵn vài con để trong nhà rồi thịt dần bán. Nhà ta nếu bán cho họ thì tuy giá có thấp hơn so với thương lái nhưng được ưu đãi chọn các phần thịt mình muốn trước khi họ bán ra ngoài cho người làng.

Hiểu Linh ồ lên một tiếng rồi đáp:

- Vậy chuyện đàn lợn cứ quyết theo ý của huynh đi. Còn gà vịt thì mỗi loại giữ lại ba con để nhà ăn Tết và một con ta biếu Chu thầy đồ rồi huynh hãy bán.

Nghĩ tới Chu thầy đồ, Hiểu Linh đột nhiên nhớ tới Khương viện trưởng, cô nên tặng quà Tết gì cho hai thầy trò họ đây. Lần này đi tới đó cũng nên tặng quà Tết rồi. Cô lại hỏi:

- À còn măng khô và mộc nhĩ khô thì huynh tính bán đi cho thương lái luôn không? Nếu bán nhớ để lại mỗi thứ hai phần. Ta tính biếu nhà Vân Sương huynh và Khương viện trưởng. Hà gia chẳng thiếu gì nhưng dù sao đây là nông sản nhà mình làm được, gửi biếu huynh ấy ăn Tết. Khương viện lại ở xa, mang gà vịt đi rất bất tiện.

Tiểu Đông gật gù tính toán:

- Vâng, ta sẽ chú ý. À… nói đến đồ khô, chợ phiên sắp tới trên trấn hẳn là có bán miến, thịt khô miền ngược mang xuống. Chúng ta mua chút làm quà biếu cũng tốt. Những năm trước, Trần bá mẫu năm nào cũng bảo bá phụ giấu diếm mang đồ sang nhà ta. Năm nay nhà mình có rồi cũng nên đi lại cho đủ.

Hiểu Linh cười đáp:

- Cái đó còn cần phải nói sao. Nhà bá mẫu không nuôi lợn nên ta đang tính hôm mổ lợn sẽ biếu bên ấy năm cân thịt các loại để bá phụ làm bánh chưng và các món ăn.

Nghe đến gói bánh chưng, ánh mắt Tiểu Hàn đột nhiên sáng rực:

- Tỷ tỷ… năm nay nhà mình sẽ gói bao nhiêu bánh chưng a?

Hiểu Linh khoát tay hào phóng:

- Các đệ thích gói bao nhiêu cái thì gói. Thoải mái.

Tiểu Hàn hào hứng đứng hẳn dậy từ ghế nhỏ:

- Vậy… vậy… tỷ tỷ có thể gói cho ta và nhị ca mỗi người một chiếc bánh nhỏ để cầm đi chơi không? Chỉ một chiếc là được rồi.

Nhìn bộ dáng của Tiểu Hàn làm Hiểu Linh bật cười. Hình như đứa trẻ nào ở thời đại nào cũng như nhau thì phải. Khi cô còn bé, ngày Tết thích nhất khi gói bánh chưng là xin ăn phần nhân đậu giã. Gói bánh chưng ở nhà cô bao giờ cũng đồ chín đậu và giã mịn rồi vo thành các viên đều nhau chia nhân bánh. Mỗi viên như vậy sẽ dùng để gói cho một cái bánh chưng cùng nhân thịt cũng cắt chia miếng cẩn thận. Mẹ hoặc bà cô sẽ nắm cho một nắm nho nhỏ để ngồi bên cạnh nhâm nhi xem cả nhà làm. Rồi khi gói bánh, cả nhà sẽ đặc cách gói cho một chiếc bánh chưng nhỏ để phần cầm đi chơi. Đến tối háo hức ngồi canh bánh cùng cả nhà, tò mò xem mọi người chơi bài rồi ôm chăn ngủ lúc nào không biết bên cạnh bếp hồng đỏ lửa. Cô véo má tiểu đệ của mình cưng chiều đáp:

- Tốt.. sẽ làm bánh chưng nhỏ cho đệ và Lập Hạ cầm đi chơi, khoe với bạn bè. Năm nay nhà ta tốt rồi, ngày Tết các đệ muốn ăn gì chơi gì đều có thể.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.