Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc

Chương 130: Chương 130




Hiểu Linh nói dăm ba câu chuyện nhà với mẫu thân Nguyễn Cửu Chân thì nàng ta cùng muội muội rốt cuộc cũng trở về. Tiếng bước chân vội vã khiến cả hai người đều nhìn ra cửa. Nguyễn Cửu Chân bước nhanh đi vào, trên cánh tay trần vẫn còn vệt nước chưa khô, vừa thấy cô liền chào hỏi:

- Phạm tu văn tới chơi.

Hiểu Linh mỉm cười khẽ gật đầu:

- Ta tới tìm tỷ có chút chuyện muốn nói.

Cửu Chân ngồi xuống bên cạnh mẫu thân, rót cốc nước uống cạn. Nàng đáp:

- Có chuyện gì Phạm tu văn cứ phân phó.

Hiểu Linh khẽ lắc đầu:

- Sao có thể gọi là phân phó chứ. Tỷ chỉ là thuê đất nhà chúng ta trả hoa lợi, không có nghĩa vụ phải làm việc cho ta. Hôm nay ta sang đây là muốn bàn bạc với tỷ một chút chuyện thuê người.

Cửu Chân ngẩn người hỏi lại:

- Thuê người?

Hiểu Linh xác nhận:

- Đúng vậy. Nhà tỷ đông người, việc mùa màng hiện giờ không nhiều lắm. Đứa nhỏ thứ hai trong nhà cũng bằng Lập Hạ nhà ta. Mà tỷ thấy đó, nhà ta việc vặt quá nhiều, trong nhà lại ít người làm không xuể. Nên ý định của ta là thuê hai người bên nhà tỷ sang làm việc cho ta. Một người phụ công việc nhà, gà lợn cám bã với Tiểu Đông. Còn một người trông nom, dắt trâu đi chăn, cắt cỏ cho nó. Làm từ sáng sớm đến chiều tối, bữa trưa nhà ta phụ trách. Mỗi tuần trăng ta trả bốn đồng mỗi người. Tỷ thấy thế nào?

Cửu Chân ban đầu là ngơ ngác lắng nghe rồi sau đó là nhấp nhổm không yên nhưng cũng không dám ngắt lời Hiểu Linh. Chuyện người trong nhà có rảnh sẽ sang Phạm gia phụ việc là cả nhà nàng bàn bạc với nhau. Cái lệ làng ở đâu cũng thế, nếu tá điền thuê được ruộng đất canh tác thì việc đến nhà địa chủ giúp không công là chuyện đương nhiên. Nhà địa chủ nói một tiếng cần mấy người tới làm cái gì thì tá điền phải tự biết mà tới. Nhưng nhà Phạm tu văn không như vậy. Ngài ấy ký xong văn tự cho thuê liền bận rộn công việc trong nhà. Nam chủ nhân cũng không có yêu cầu gì. Có thể do Phạm tu văn làm người hiền hậu không bắt bẻ tá điền. Nhưng nhà cô cũng không thể cứ như vậy chỉ lo canh tác trên đất được thuê mà mặc kệ chuyện nhà của Phạm tu văn nên đã có cuộc họp gia đình ấy. Hôm nay Phạm tu văn lại tới đây nói muốn thuê người là sao đây? Nàng ấy không hài lòng khi mấy nam nhân trong nhà làm việc? Cửu Chân khẩn khoản:

- Phạm tu văn.. nếu mấy người nhà ta tới làm việc có sai khiến ngài phật ý, Phạm tu văn cứ việc dạy dỗ đánh chửi. Ngài hôm nay đến tận đây nói muốn thuê người thật sự là chiết sát nhà chúng ta a.. Việc chúng ta tới nhà ngài làm là chuyện đương nhiên của tá điền, sao có thể lấy tiền chứ.

Hiểu Linh lờ mờ có thể đoán được lý do người nhà Cửu Chân tới nhà cô làm việc chính là vì cái tư tưởng địa chủ - tá điền này nên đã cố gắng dùng giọng điệu và thái độ mềm mỏng nhất để nói chuyện nhưng vẫn khiến mọi người ở đây lo sợ không yên. Cô là người tới nơi này, còn chưa quá rõ những luật lệ bất thành văn ở đây nên không thể làm quá khác người được.

Hiểu Linh mỉm cười:

- Cửu Chân tỷ.. nhà ta chỉ có chút đất cho thuê như vậy là vì không có đủ người để làm, sao có thể gọi là địa chủ được chứ. Gọi như vậy mấy vị địa chủ làng ta biết sẽ cảm thấy mất mặt lắm. Nhà ta cũng chỉ như mọi người trong làng, may mắn có thêm phần đất được thưởng nên đâu thể lấy cái lệ cho các bậc địa chủ viên ngoại đất đai trải dài ra áp dụng, tỷ không cần lo lắng. Ta cần người làm, nhà tỷ lại đông người, người nhà ta ai cũng khen ngợi nên ta mới nghĩ đến chuyện thuê người trả công, hoàn toàn không có ý khác.

Cửu Chân nghe Hiểu Linh giải thích thì có phần thở phào. Thật may không phải do Phạm tu văn phật ý chuyện gì. Nhưng chuyện lấy tiền công thì vẫn không được.

- Phạm tu văn quá khách khí rồi. Nhà ngài bận việc, người nhà ta rảnh rỗi sang chơi thấy thì giúp mà thôi. Chỗ tình làng nghĩa xóm sao có thể lấy tiền chứ.

Hiểu Linh có chút ngạc nhiên.. ai chà… vị Nguyễn Cửu Chân này thường xuyên lăn lộn bên ngoài có khác, thay đổi khái niệm rất nhanh đây. Trước đó còn là tá điền làm cho địa chủ là thiên kinh địa nghĩa giờ đã kịp chuyển qua tình làng nghĩa xóm giúp nhau là lẽ đương nhiên. Nhưng Hiểu Linh cô là ai a.. sao có thể để người ta xoay mình vòng vòng như vậy. Cô tựa tiếu tựa phi nhìn Cửu Chân thong thả đáp:

- Trần đời ta chưa thấy nhà ai hôm nào cũng có người rảnh rỗi sang chơi nhà ta như Nguyễn gia nha… Mà giúp lại không chỉ một hai việc, còn biết trước để làm hộ không cần nhà ta mở lời nhờ vả nữa…

Ánh nhìn thấu rõ mọi sự của Hiểu Linh làm Cửu Chân có chút bối rối:

- Thì.. tại nhà ta đông người a…

Hiểu Linh phì cười đáp:

- Cửu Chân tỷ đừng nói nữa… nhà tỷ đông người đúng rồi. Nhưng lúc rảnh rỗi nếu không sang nhà ta giúp việc thì mọi người trong nhà có thể làm thêm chút đồ thủ công, thêu thùa đem bán có thêm chút tiền.. Nhà nào mà chẳng như vậy. Bây giờ vì sang nhà ta làm mà số tiền kia không thể kiếm được, bản thân ta cùng gia đình vô cùng áy náy nên muốn trả công cho mọi người. Đi làm đâu cũng là làm.. xem như nhà ta là các gia chủ trên trấn thường mướn người lúc bận rộn đi. Như vậy nhà ta cũng có người làm mà nhà tỷ cũng có thêm chút thu nhập. Nếu tỷ cứ nhất quyết không chịu, ta cũng đành đi mượn người khác vậy.

Nói hết câu, Hiểu Linh thở dài một cái nhìn Cửu Chân. Nguyễn Cửu Chân có chút lung lay vì thái độ cương quyết của Hiểu Linh. Nếu không đồng ý sợ rằng Phạm tu văn thật sự sẽ đi mướn người khác chứ nhất quyết không chịu để người nhà cô tới giúp. Nhưng tiền công… bốn đồng một người một tuần trăng là quá nhiều. Cửu Châu thương lượng:

- Vậy đi… ta đồng ý làm mướn cho Phạm tu văn.. nhưng thực sự một người bốn đồng mỗi tháng là quá nhiều… Hơn nữa ngài thuê lại là người già, trẻ nhỏ… chỉ 5 đồng hai người một tháng là đủ rồi.

Lần này trái với suy nghĩ của Cửu Châu là còn phải thuyết phục nhiều, Hiểu Linh nhanh chóng đồng ý.. Cô là người trả tiền mà.. đồng ý với Cửu Châu là 5 đồng, còn cô đưa bao nhiêu là chuyện của cô.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.