Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 157: Chương 157: Hồi mười tám (7)




Bấy giờ thì Mộc Thạnh đã giúp thuyền chiến của lão vượt qua năm đợt pháo kích, mấy chục trận mưa tên lớn nhỏ. Mà quân Hậu Trần, được Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân dẫn dắt, cũng sống sót qua bảy lần công phá của chiến thuyền. Quân Hậu Trần có lợi thế độ cao đấy, nhưng đại pháo đặt trên núi chung quy là tĩnh, còn thuyền trên sông là động. Tức là, Mộc Thạnh chiếm thiên thời, Đặng Tất nắm địa lợi. Kết cục sẽ ngả về bên nào, thực tình khó mà đoán trước.

Hai quân đã giao tranh hơn nửa ngày, thủy triều bắt đầu dâng lên.

Cũng đồng nghĩa, thời cơ mà Mộc Thạnh còn thiếu để tấn công một đòn toàn lực đã đến.

Đặng Tất thấy vậy, không thể không xua thủy quân ra đánh. Nháy mắt, vô số thuyền con đậu ở cửa sông Vân – Đáy nhất tề trút bỏ lớp ngụy trang từ lau sậy và đất cát, đồng loạt lao về phía chiến thuyền của quân Minh.

Mộc Thạnh không có vẻ gì là bất ngờ, thuyền độc mộc của quân Minh cũng chèo ra nghênh chiến.

Luận về thủy chiến, người Đại Minh thua xa người Đại Việt. Nhưng quân Minh hơn ở số lượng, lại cậy ở gần chiến thuyền, thế nên đánh hăng hơn hẳn. Thuyền nhỏ của quân Hậu Trần chống trả ngoan cường, song trước chiến thuật lấy thịt đè người của thuyền lớn địch, cũng phải núng thế.

Quần nhau thêm mấy canh giờ, cánh thủy quân phục ở cửa tây buộc phải rút về.

Mộc Thạnh biết đây là cơ hội hiếm có, bèn cho nổi trống lớn, dốc toàn lực tấn công bờ bắc núi Dục Thúy. Được sự yểm hộ của hỏa lực dồn dập, chiếc thuyền con đầu tiên của quân Minh rốt cuộc cũng chạm được mũi vào chiến lũy đắp bằng đất của quân Trần. Chỉ cần húc đổ được bức tường đất này, là sẽ có chỗ để đổ bộ.

Thuyền lớn không dám tiến vào sâu hơn vì bãi cọc còn đó, nên chỉ có thể ở cách bờ một quãng độ mấy trượng.

Quân Hậu Trần ở sau những bức lũy đất bắt đầu vùng lên, lấy đá lấy cây lẳng vào đầu quân Minh. Cùng lúc ấy, Đặng Tất và quân sĩ chỉnh thấp được họng pháo. Thế là, ông cho pháo toàn lực nã đạn xuống chiến thuyền của địch.

Mộc Thạnh một mặt vẫn phản bắn phá chiến lũy yểm hộ quân của mình, mặt khác cũng phải cho tàu ổn định lại sau mỗi lần mặt nước bên cạnh trúng phải đạn pháo.

Tiếng xương người gãy rụp trong giáp trụ vụn vỡ luẩn quẩn trong âm thanh rầm rầm của đá lăn, gỗ nện, của sóng nước vỡ tung dưới từng viên đạn pháo, của tre ngà đổ rụp trươc đạn của ngoại xâm.

Rốt cuộc, thủy triều cũng đến lúc phải xuống.

Thuyền con của Quân Minh sợ lúc bãi cọc nhô lên sẽ sa lầy, tiến thoái lưỡng nan, thế nên cả bọn hò nhau chèo thuyền ngược ra giữa sông hội họp với thuyền lớn.

Hai bên tiếp tục giằng co, tranh giành từng tấc chiến thuỷ. Nước sông cuộn trào, sục lên toàn những bọt máu đỏ lòm.

Cuồn cuộn chảy…

Vậy là thuỷ quân Đại Minh đã giao chiến với quân Hậu Trần được một ngày đêm.

Sáng sớm. Phía đông, cách chiến trường chính mười dặm.

Đinh Lễ ngồi thẳng người trên con Đại Thắng, đoạn lấy cây côn sắt ra thủ thế.

“ Địch đến! ”

Lê Hổ nhìn những người lính dưới trướng mà lòng trùng hẳn xuống. Chẳng những ô hợp mỗi người đến từ một toán nghĩa binh khác nhau, trong quân người thì già kẻ lại yếu. Có cả những ông bác đầu đã hai thứ tóc, tuổi tráng niên đã qua đi từ lâu.

Xa xa, quân Minh võ trang cẩn thận, gươm giáo chỉnh tề, hành quân ngay hàng thẳng lối, quy củ rõ ràng. Chỉ riêng việc ấy thôi là đủ thấy sự chênh lệch giữa hai bên là lớn đến mức nào.

Lê Hổ cắn môi, nghĩ thầm:

[ Mộc Thạnh cho quân đánh thọc từ phía đông sang, chắc chắn là quân tinh nhuệ. Là mình mình cũng sẽ làm như thế thôi. Làm sao mà cản địch đây? ]

Quân số của Lê Hổ đã ít, chất lại còn kém xa. Đừng nói là đánh lui, cầm cự được một canh giờ cũng đã khó lắm rồi.

Đến Đinh Lễ không sợ trời chẳng sợ đất cũng đổ mồ hôi.

“ Chiến thì tôi chẳng sợ, nhưng chết vô ích như thế thực là chẳng đáng tí nào. Chủ công, có cách nào không? ”

Lê Hổ lắc đầu, thở dài:

“ Đối phương không cưỡi ngựa, ngự thú thuật của Phạm Ngọc Trần có thần kì hơn cũng vô ích. Dựa vào mình chúng ta, không đấu nổi. ”

Đinh Lễ nắm chặt sừng trâu, chặc lưỡi một cái.

Bản thân cậu cũng thừa biết điều đó.

Lê Hổ lại tiếp:

“ Đinh Lễ, cậu có Đại Thắng Thần Ngưu đi được ngàn dặm. Hãy mau mau về núi Thuý, xin Đặng đại nhân chi viện. ”

Đinh Lễ gạt phắt, nói:

“ Không được! Nếu chủ công mà có mệnh hệ gì, tôi phải ăn nói sao với bà lớn? ”

“ Ở lại cũng chỉ chết cả đám! Cậu cũng biết mà!! ”

Lê Hổ quát lớn, tay lại đặt lên vai Đinh Lễ, vỗ mấy cái ra chiều trấn an.

Nói đoạn, cậu chàng cười khì, bảo:

“ Yên tâm đi! Vừa đánh vừa lui, cầm chân thì chắc tôi làm được. Mạng tôi cứng lắm. ”

Đinh Lễ nói:

“ Nếu thế, chủ công dùng Đại Thắng mà đi, tôi ở đây chống giặc… ”

Lê Hổ hít sâu một hơi, đang định nói gì đó, thì chợt sau lưng có tiếng nói:

“ Ai ở lại mà chẳng được! Hai người cứ ở đó lải nhải, lề mà lề mề!, quân địch đánh đến thì chết cả đám! ”

Người xen vào là Phạm Ngọc Trần.

Lê Hổ lúc này mới sực nhớ ra cô nàng. Cậu đang định lên tiếng bảo Đinh Lễ chở cả cô về hậu phương, thì Phạm Ngọc Trần đã nói:

“ Huống hồ, có tôi đây, chúng không làm gì được chủ công của cậu đâu. ”

Đinh Lễ ngẫm kỹ lại, nhận ra mình đi sớm chút nào, Lê Hổ sẽ đỡ phải cầm cự chút ấy. Mà chiến trường hiểm ác, đôi khi một hoặc hai giây, cũng có thể là lạch trời ngăn cách giữa sự sống và cái chết. Nghĩ thông, cậu bèn giật cương con Đại Thắng. Trâu trắng lồng lên, sau đó hóa thành một cái bóng trắng lao vút về phương tây. Chỉ có lời nói của Đinh Lễ là còn vọng lại:

“ Chăm sóc chủ công của tôi! ”

Lê Hổ quay lưng, nắm chặt thanh đao, nhìn xuống ba quân mà nói:

“ Tôi biết mọi người vẫn coi tôi là kẻ bất tài vô dụng, dùng thủ đoạn đút lót đưa tiền, mua quan bán tước. Mọi người không muốn nghe theo lệnh tôi, hẳn cũng là lẽ thường. Nhưng giặc bắc đang ở trước đầu mũi đao, ngoại xâm đã đến ngay tầm tên bắn. Thế nên, xin mọi người hãy tin tôi một lần! ”

Lại có người lớn tiếng hỏi ngược:

“ Nhà ngươi đã tự nhận mình bất tài vô dụng, phải dùng mấy đồng tiền thối mà tiến thân. Thử hỏi tại sao chúng ta phải nghe lời ngươi, mà không tự mình nghĩ cách phá giặc? Có khi cửa sống còn rộng hơn! ”

Lê Hổ từ tốn:

“ Lần này địch đông ta ít, giặc lại dày dạn trận mạc, kinh nghiệm phong phú. Nếu anh hùng có sách lược nào đối kháng nổi, tôi xin rửa tai lắng nghe. ”

Toàn quân chìm vào im lặng.

Địch thủ chẳng những đông hơn, lại còn tinh nhuệ thiện chiến, thạo chuyện binh lửa, hay nghiệp gươm đao. Nhìn lại phía ta, toàn là nghĩa binh tự phát, đã vậy còn kiếm cung vụng về, ngoại trừ một bầu máu nóng ra thì chẳng có gì hết.

Làm sao mà thắng nổi?

Phạm Ngọc Trần chắp tay sau lưng, bước hai bước, cười khì:

“ Không nhìn ra ngươi lại là kẻ gan lớn bằng trời đấy. ”

Lưng Lê Hổ quay về phía cô nàng, thành thử Phạm Ngọc Trần chẳng thể thấy nổi nét cười chua chát của cậu chàng.

Bi kịch sẽ lặp lại lần nữa?

Lê Hổ hít sâu một hơi, chậm rãi:

“ Trận này xem ra phải nhờ cô. ”

Giờ nói lại chuyện của đám Tạng Cẩu.

Tính đến giờ, nó sang Tàu cũng đã được hơn một năm. Thế mà tung tích của thiền sư Nguyễn Minh Không vẫn chẳng có gì hơn bốn câu thơ thiền sư Tuệ Tĩnh để lại.

Bấy giờ năm cũ cũng sắp hết, năm mới đã sắp sang.

Không khí tân niên thì đã kịp lan khắp các phố to, phố nhỏ của thành Kim Lăng hoa lệ. Phủ Tần Hoài, vốn gần dòng sông nổi tiếng lắm giai nhân tài tử, lại càng nhiệt náo hơn. Từ hàng quán ven đường đến tửu lâu bề thế, từ nhà dân ọp ẹp đến phủ viện cao sang đều khoác lên một màu hồng đỏ ấm áp. Đèn lồng lấp lánh, tiếng pháo ì ùng.

Hồ Phiêu Hương đứng trên đầu tường, tuyết nặng phủ đầy lên chóp ô, song cô bé cũng chẳng buồn phủi. Đôi mắt long lanh như ngọc lặng yên quan sát khung cảnh phố xá lúc xuân sang mà tưởng như, ngồi ngay bên cạnh, là một đứa nhóc con... Tuyết sẽ phủ kín lấy vai áo nó, lấy đỉnh đầu. Thế rồi nó sẽ rung cả người, cả mái tóc lòa xòa như cái tổ quạ, như con chó mắc mưa vậy.

Và sau cùng, thằng bé ấy kiểu gì cũng sẽ thở ra một câu gì đó sâu xa, hệt như ông cụ non.

“ Có lẽ, Tạng Cẩu sẽ nói thành Kim Lăng phồn hoa và cái thôn Điếu Ngư nhỏ bé của nó thế mà có không ít điểm chung... ”

Tạng Cẩu bị bắt đi đến nay đã gần năm trời.

Tung tích của nó cũng giống như manh mối về thiền sư Nguyễn Minh Không vậy.

Một năm đã trôi qua…

Chuyện Tửu Lâu xách đao lên điện Thái Hoà toan chém Vĩnh Lạc đã chìm hẳn vào quá khứ. Cáo thị truy nã vẫn dán đầy đường, nhưng tiếng chân sục sạo của binh lính đã ngớt hẳn.

Sau khi Tạng Cẩu mất dạng cỡ hai tháng, Lý Bân cũng ra làm quan trở lại, không cáo bệnh ở nhà nghe ngóng nữa.

Lạ một cái, là Chu Đệ vẫn cứ để y nhởn nhơ… ngay cả khi miệng lưỡi quan trường đều đổ dồn mũi nhọn vào phía y.

Vĩnh Lạc nghĩ gì, cũng không ai biết.

Pâng!

Tiếng gió rít sau lưng, khiến Hồ Phiêu Hương cũng động thân. Chân trái cô bé co lên, nhìn không khác gì bộ pháp thủ thế của hạc hình quyền. Chỉ nghe chóc một cái, viên sỏi tròn nảy bật lên khỏi mái ngói, văng tận xuống con hẻm vắng người.

Tránh xong chiêu bất ngờ, nhưng Hồ Phiêu Hương không hề buông lỏng. Trái lại, cô bé lập tức chuyển eo, nửa người trên đổ ra trước, cái chân đang co cũng hất ngược lên không. Chẳng biết từ lúc nào, đao Lĩnh Nam đã nằm ở trong bàn tay của Phiêu Hương. Mượn đà chuyển mình, cô bé vạch luôn ra một đao.

Đấy lại là một quái chiêu khác của đao pháp tổ truyền Hồ Quý Li từng dạy, tên là Hồi Quang Phản Chiếu.

Một trong ba đao chiêu khó luyện nhất.

Trước đây, cô bé chưa từng làm được. Nhưng kể từ sau khi Tạng Cẩu bị bắt, Hồ Phiêu Hương dụng tâm luyện công hơn hẳn. Thế là chỉ sau hai tháng, chẳng những căn cơ nội công vững chắc, quái chiêu cũng đã có mấy phần hỏa hầu. Lại dành mấy tháng khổ luyện, đến nay đã có thể sử dụng tự nhiên.

Thủ pháp quăng viên sỏi về phía cô, chính là thủ pháp bắn Quỷ Diện Phi Châu.

Trên đời này chỉ còn lại hai người biết dùng. Một trong số đó chính là người mà Quận Gió đã gửi gắm hai đứa – Ứng Long Nguyễn Phi Khanh.

“ Bác Khanh, bác có thử võ công của con cũng không nên nương tay đến th... ”

Cô bé không thể nói hết câu. Cũng chẳng kịp nghĩ cái gì nữa.

Âm thanh êm ái chẳng khác nào tiếng ngọc như gặp gió lạnh, đông thành đá, rơi nghiêng xuống lớp tuyết dịu êm lạnh buốt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.