Thật Ư? Thật Ư? Phải Là Hồng Phai Xanh Thắm

Chương 226: Chương 226: Ngoại truyện 2: Tú xảo




Đình viện nhã nhặn xinh xắn, vài cây chuối tây di chuyển từ phía Nam tới đung đưa theo gió, cảnh xuân tươi đẹp lộ ra nửa cánh cửa sổ buông rèm, một người con gái ăn vận đã có chồng ngồi bên cửa sổ, cúi đầu chăm chú xe chỉ luồn kim. Một đứa hầu gái búi tóc hai bên bê khay trà lại gần, nhỏ nhẹ: “Mợ Tư nghỉ ngơi một chút đi, trưa rồi, để con xoa cổ cho ngài.”

Thiếu phụ ngẩng đầu, cười nói: “Được.” Đặt xuống khung thêu, cầm trà thổi nhẹ.

Đứa hầu gái xoa bóp vai cổ thiếu phụ, lầu bầu: “…Hõm vai cứng như gỗ thế này này, ngài không yêu quý bản thân gì cả, cậu Tư nhìn thấy lại thương, kiểu gì cũng hằn học với bọn con.”

Thiếu phụ mỉm cười ngại ngùng, không hề trả lời.

Nàng yêu thích việc may vá từ bé, giỏi thêu thùa, từ khi vào cửa, thường hay làm ít trang sức quần áo cho chị dâu và cháu gái, còn cả cụ bà và mẹ chồng ở xa nữa, rất hay được khen ngợi.

Chồng mấy lần kêu nàng làm ít đi, nàng chỉ e thẹn cười, có lần nàng chợt hỏi: “Chàng có biết khuê danh của em không?” Chồng vốn tuấn tú, hiền lành lương thiện, song tự dưng đùa dai: “Tôi biết, gọi là chuột con.” Nàng giả vờ giận dỗi, chồng bị đánh yêu bật cười ha hả mới nói: “Được rồi được rồi, tiểu sinh không dám nữa… Ừm, tôi nghe mẹ vợ gọi em là Nhị Nha.”

Nàng ngượng ngùng: “Đó là tên ở nhà, còn khuê danh chính thức của em là Tú Xảo.” Nàng duỗi đầu ngón tay từ tốn vẽ ra hai chữ trong không trung, hơi tỏ ra kiêu ngạo.

“Chị dâu Cả và chị dâu Ba giỏi giang, có học vấn, có kiến thức, em thúc ngựa cũng chẳng đuổi kịp, may mà còn có phương diện này thể hiện bản lĩnh…” Nàng nhỏ giọng: “Trời lạnh hơn, dì Hương đi đứng bất tiện, em làm cái băng bảo vệ đùi cho dì ấy.”

Trong mắt chồng tràn ngập thương yêu, lại gần khẽ khàng bên tai nàng: “Luận đọc sách, luận xã giao tôi có mà thúc ngựa cũng chẳng đuổi kịp hai anh trai, chúng ta hợp cạ đấy, cả đời không xa rời nhau nhé.”

Lòng Tú Xảo lan tỏa ngọt ngào, hạnh phúc như muốn bay lên. Chồng vừa dịu dàng săn sóc, lòng dạ lại nhân hậu, trong phòng không có kẻ khác, hai vợ chồng nhỏ từ khi thành thân đến giờ đều ngọt ngào như mật, chia sẻ mọi việc, chưa bao giờ to tiếng với nhau.

Ai nấy đều khen nàng may mắn, mấy năm nay, họ hàng nhà họ Thẩm có không ít người phát tài giống nhà nàng, nhiều chị em gả vào nhà cao cửa rộng, nhưng ít có người sống thuận lợi được như nàng.

Gia tộc họ Thịnh là dòng dõi thư hương, đàn ông nhà đều có công danh, các cô đi lấy chồng cũng vẻ vang, quan hệ thông gia không hề thiếu nhà hiển hách quyền quý, thật đúng là phú quý song toàn.

Cha chồng xử xự nhã nhặn, làm người đường hoàng (đối với Tú Xảo là thế), dù ít khi gặp con dâu nhưng thường xuyên dạy dỗ mấy con trai phải tề gia chu toàn thì mọi sự mới trôi chảy, tuyệt đối không được gây ra chuyện sủng thiếp diệt thê tai hoạ gia đình.

Chỉ vì vấn đề này, anh Ba tài hoa nổi tiếng kinh thành đã từng bị cha chồng trách mắng và đánh phạt không chỉ một lần, nhiều lần đều là chị dâu Ba đến cứu.

Tú Xảo tận mắt trông thấy hai lần. Một lần anh Ba lỡ kết giao với bạn xấu, bị dẫn vào lầu xanh, còn làm quen với một vị “kỳ nữ tử” bán nghệ không bán thân, làm cha chồng sợ tới xanh cả mặt, cấm cửa anh Ba không cho ra ngoài hai tháng, phạt đánh hai mươi gậy, sao chép gia huấn nhà họ Thịnh năm trăm lần, trong đó có một điều là con em họ Thịnh tuyệt đối không dính dáng đến phụ nữ lầu xanh.

Kỳ thực, Tú Xảo cảm thấy cha chồng hơi quá đáng, kẻ đọc sách hay thích học đòi văn vẻ mà, ngay cả anh Hai ruột kiêm tên mọt sách nhà nàng đều từng dạo lầu xanh, vui vẻ thôi mà, có cậu ấm nào sẽ coi như chuyện nghiêm túc chứ, cha chồng cần gì tức điên lên như thế, anh Bà dù sao cũng là người làm cha, chẳng nể mặt chút nào.

Nào ngờ cha chồng thở dài: “Con không biết, chúng ta trước kia có một ông chú, cụ để lại cho gia tài bạc triệu, còn cả con gái ruột, nhà cửa đang yên đang lành thế mà bị huỷ hoại trong tay phụ nữ lầu xanh đấy. Phận dưới như các con chưa từng thấy, nhưng cha thì chính mắt theo dõi.”

Lần khác thì là vì trước khi tham dự kỳ thi mùa xuân độ hai tháng, một đứa ở chuyên hầu hạ ở thư phòng anh Ba đột nhiên có thai, lúc đó cha chồng đang ra sức chỉ dạy thúc giục con trai thi cử, nghe tin liền tức khắc nổi trận lôi đình, phạt bằng sạch tất cả những đứa hầu trong thư phòng anh Ba, còn đuổi đứa ở đến thôn trang, buông lời tàn nhẫn “nếu lần này không thi đỗ thì bỏ cả mẹ lẫn con.”

Sau đó, anh Ba quả nhiên thi đỗ, còn đứng hàng đầu Nhị giáp.

Thực ra anh Ba hết sức thông minh, tài hoa trác tuyệt, làm người cũng nhiệt tình, từ lúc hai nhà Thịnh Thẩm kết thân đã sôi nổi lôi anh Hai mọt sách của nàng tới khắp nơi thấy việc đời, tham gia các loại hội hè, tiến cử đại nho ẩn sĩ cho, anh Hai Thẩm vô cùng vui sướng, liên tục bảo cha Thẩm mẹ Thẩm rằng hôn sự này quá là tốt.

Thứ Anh Ba họ Thịnh thiếu chẳng qua là nghị lực tự thân, thường hay chủ quan lơ là, cần người cương nghị quả quyết kéo về đúng đường, ví dụ cha chồng, ví dụ… chị dâu Ba.

Thực ra dù anh Ba có lưu luyến hoa cỏ thì vẫn cực kỳ kính yêu chị dâu Ba… ừm, gần như là kính sợ ấy chứ. Có điều, chị dâu Ba xử sự công chính, thủ đoạn lợi hại, cũng xứng đáng với niềm kính trọng này.

Ban dầu, Tú Xảo thấy chị dâu Ba nghiêm nghị, nói năng thận trọng, không hoà nhã dễ gần như chị dâu Cả thì khá là căng thẳng, nhưng lâu ngày nàng mới phát hiện chị dâu Ba kỳ thực rất tốt, sẵn sàng kiên nhẫn dạy nàng xử lý công việc, xã giao tiếp khách.

Nàng vui mừng khấp khởi kể lại cho chồng, ai ngờ chồng bật cười: “Anh Ba như thế, chị dâu Ba mà không nghiêm mặt, siết chặt quy củ thì trong phòng đã trở nên lộn xộn rồi, còn chị dâu Cả… em gặp anh Cả rồi còn gì, người như anh ấy, nếu chị dâu Cả không niềm nở cười nói thì làm sao mà sống được.”

Nhắc tới anh Cả, Tú Xảo liền le lưỡi, biểu lộ khó mà chịu nổi.

Con Cả nhà họ Thịnh ra ngoài nhậm chức, cho đến giờ, Tú Xảo mới chỉ chính thức gặp anh Cả một lần, lại cảm thấy còn khẩn trương hơn cả gặp gỡ cha chồng, mà không phải chỉ mình nàng cảm thấy vậy. Trước mặt cha chồng anh Ba thỉnh thoảng còn dám cười đùa vài câu, hai cha con đôi khi bàn luận thơ văn, nhưng trước mặt anh Cả, anh Ba liền ngoan ngoãn khoanh tay đứng im, không dám liếc ngang liếc dọc.

Năm đó con trai trưởng của anh Ba biết nói, nũng nịu đáng yêu hết sức, anh ba thấy cha chồng thích bèn nảy ra ý định dẫn mẹ ruột từ thôn trang về: “…Nếu thật sự không thể thì để dì gặp thằng bé cũng được, tốt xấu gì nó cũng là cháu trai ruột của bà ấy…”

Nghe nói lúc đó anh Ba vừa nói vừa khóc.

Cha chồng cũng hơi mềm lòng, đáng tiếc anh Ba thật xui xẻo, đúng lúc anh Cả có việc gấp về kinh báo cáo công việc, biết được việc này liền liếc xéo qua, anh Ba bèn câm miệng.

“Dẫn về làm gì? Trở về lại gây hoạ cho người khác.”

Anh Cả trước mặt mọi người thì không nói thêm gì, nhưng sau lưng thì gọi cả em út lại, ba anh em đóng cửa thì thầm: “Cậu xem trong đám chị em gái, ngoại trừ cái Tư, có đứa nào không phải vợ chồng mỹ mãn, con cái quanh gối. Chính vì dì Lâm nên nhân duyên của cái Tư mới như thế! Thân là thiếp hầu, chẳng những không có một chút kính sợ nào với thái thái và lão thái thái, còn mặc kệ cả quyết định của lão gia, tự ý làm bậy, ỷ vào cái gì, còn chẳng phải vì có con trai là cậu!”

Việc cô Tư nhà họ Thịnh, Tú Xảo cũng từng nghe qua. Năm đó cậu Lương ngay trước mặt mọi người ôm cô Tư, kết thành hôn sự, không thiếu bị người chê trách, dù hai nhà Lương Thịnh công bố đó chỉ là việc bất ngờ nhưng nhiều người đều lén lút bàn tán, nói họ Thịnh trị gia không nghiêm, để mặc con thứ vợ bé ngang nhiên tính kế công tử phủ Hầu.

Cuối cùng sau này kết thành thông gia, một chiếc khăn voan che phủ quá khứ, bàn tán mới dần dịu xuống.

“Cậu cũng là người làm cha, nếu tương lai có đứa vợ bé ỷ vào sự yêu chiều của cậu, con thứ lại triển vọng, làm xằng làm bậy một lần thì đã sao, dù sao chỉ cần mấy năm là được tha thứ, cậu nghĩ gia môn họ Thịnh có thể chống đỡ nổi mấy lần.”

Anh Cả nói chuyện với ngữ điệu phẳng lặng nhưng lời lẽ như kim đâm, khắp nơi thấy máu, anh Ba lúc ấy mồ hôi chảy ròng ròng, sau đó gần như bật khóc.

Bấy giờ, anh Cả chợt dịu giọng, đích thân dìu anh Ba ngồi xuống cạnh mình, ôn hoà khuyên nhủ: “Chúng ta là đàn ông, thuở thiếu thời dựa vào xuất thân, đến khi trưởng thành phải dựa vào bản lĩnh. Cậu bây giờ không phải con trai dưới gối cha mẹ mà là người có vợ có con, tương lai phải đơn độc chống đỡ một gia đình, nếu không kiên định, chỉ biết xuôi theo tình cảm thì khác gì đàn bà con gái!”

“Nếu cậu hận anh, tương lai phụ thân trăm tuổi, anh em chúng ta không qua lại là được. Dù chúng ta không phải cùng một mẹ sinh ra nhưng dẫu gì vẫn cùng chung huyết thống, chẳng lẽ tôi không mong hai cậu tốt? Không mong các cậu có thể làm vẻ vang gia tộc, nhưng ít ra cũng có thể thẳng thắn làm người. Nam tử hán đại trượng phu, đối diện thị phi, tình cảm phải đặt ra đằng sau, không phải tôi bắt cậu vô tình vô nghĩa, mà tình cảm cũng phải sử dụng hợp tình hợp lý!”

Nghe chồng bảo, đến cuối cùng, anh Ba ôm chân anh Cả khóc nức nở, liên tục kêu gào bản thân không phải, thề với trời sẽ không hồ đồ nữa, nhất định sẽ lấy gia tộc làm trọng, em út vô tội cũng bị răn dạy theo mà cất lời thề thốt.

Chồng về nhà cứ ngây ngẩn, hồi lâu mới phục hồi tinh thần lại, ôm cô vợ nhỏ thương mến khóc hu hu, Tú Xảo biết đây là lần cuối cùng anh Ba cố gắng đưa dì Lâm trở lại.

Nghe nói sau đó lão phu nhân cũng gửi một bức thư cho cha chồng, nói chẳng “chỉ cần ta còn sống, đừng hòng đưa dì Lâm về”, đến lúc này ngay cả cha chồng cũng không hề nhắc lại nữa.

“Bà nội tại sao phải làm thế? Dù sao anh Cả đã thuyết phục anh Ba rồi mà.” Làm vậy chẳng phải nhận lấy cháu trai ghét bỏ.

Chồng than thở: “Bà nội chính là người như vậy, dù không ưa nói chuyện nhưng trong lòng rất nhân từ. Bà sợ cha con anh em hiềm khích liền kéo hết về bản thân.”

Tú Xảo mới gặp bà nội vài lần, tính cách nàng vốn ngại ngùng, lại không biết dẫn dắt chuyện trò, dù ở ngay trước mặt bà nội cũng không biết nói gì, cảm thấy bà hơi lạnh lùng, không dễ thân cận, nhưng hàng ngày lúc rảnh rỗi, chồng luôn bảo bà nội là người chân thật tốt bụng nhất nhà.

Nghĩ một vòng, Tú Xảo phát hiện bản thân quên béng mất Vương thị, làm vợ, có khi hầu hạ mẹ chồng còn quan trọng hơn cả hầu hạ chồng, nhưng nàng hoàn toàn không phải lo vấn đề này, bởi vì mẹ chồng của nàng đã ở nhà thờ tổ dưới quê nhiều năm.

Làm gì? Cầu phúc thay lão phu nhân.

Thật kỳ quặc. Dù ngây thơ như Tú Xảo cũng biết việc này không đơn giản, nhưng nàng nhát gan, việc không nên hỏi nàng tuyệt đối không nhiều lời.

Mẹ chồng trên danh nghĩa không ở, trong nhà lại có mẹ chồng thứ hai cần hầu hạ, đó là dì Hương.

Trước khi xuất giá, mẹ Thẩm từng lo lắng con gái nên sống chung với mẹ chồng thứ hai này như nào, nhẹ không được, nặng không xong, nào ngờ sự lo lắng này đều vô ích.

Dì Hương rất biết điều, luôn xưng hô Tú Xảo là “mợ Tư”, thái độ cung kính khách khí, không khác với dâu Ba Liễu thị là mấy, không bao giờ xen lời vào việc trong phòng con trai một câu. Sau này Tú Xảo còn biết được, không lâu trước khi bọn họ thành thân, chính dì Hương nói với cha chồng thu xếp để hai đứa hầu ngủ của chồng ra ngoài.

Dì Hương không mấy xinh đẹp, kém xa dì Phương hầu hạ bên người cha chồng, nhưng cũng có vẻ thanh tú bình thản riêng, lúc cười lên giống hệt chồng, chỉ có điều đáy mắt đầy vẻ vất vả, hốc hác. Nhìn bà nhiều tuổi rồi còn thường thường đứng trước cửa phòng cha chồng kéo rèm, đưa nước bưng trà, Tú Xảo bỗng dưng lại khó chịu.

Người giỏi thêu thì thường ánh mắt tinh nhạy, Tú Xảo chú ý quan sát thân hình dì hương rất lâu, sau đó lén lút làm một bộ áo trong, chất bông mềm mại, đường may mịn màng, giống như làm cho mẹ đẻ mình, mang lòng cảm ơn, từng đường kim mũi chỉ đều đặc biệt tỉ mỉ. Sau đó sai hầu gái vụng trộm đưa sang.

Dì Hương nhận quần áo nhưng không nói gì, chỉ nhìn Tú Xảo với ánh mắt càng ngày càng dịu dàng, xen ít vẻ cảm kích chua xót. Thêu Xảo vui sướng, về sau thường làm ít đồ linh tinh, mũ ấm mùa đông, áo cộc tay mùa hè, dép mềm, lồng ủ tay xinh xắn… Dì Hương cũng lén sai người nhắn lại, bảo Tú Xảo đừng làm nữa.

Tú Xảo ngoan ngoãn nghe lời, bẵng đi một đợt, nàng lại làm tiếp. Không lâu sau đó chồng biết chuyện. Đêm hôm đó, chàng ôm nàng ngồi yên một lúc, kề cái đầu nặng lên hõm vai nàng, nàng có thể cảm thấy trên vai thấm ướt.

Vào cửa được hơn nửa năm, dì Hương đột nhiên bị bệnh.

Chẳng qua chỉ là cảm lạnh nhưng lại mãi mà không khỏi, ông thầy thuốc già nổi danh kinh thành nói “vất vả âu lo quá mức, lâu dần liền kiệt sức”, khó khăn lắm mới lành bệnh, lại gầy rộc hẳn một vòng, quần áo rộng thùng thình.

Tú Xảo sực nhớ tới năm đó, Trâu phu nhân nhà Thẩm quốc cữu cũng là như thế. Thầy thuốc bảo bà ấy vất vả lâu ngày, mệt nhọc phí sức, trong người trống rỗng, ngay cả bệnh vặt cũng không chịu được.

Dì Hương khổ sở từ bé, không cha không mẹ bị bán đến đây, trong phủ không chỗ dựa dẫm, bà Cả tính tình bất thường, bà ấy phải xử sự cẩn thận, càng chưa kể tới dì Lâm được yêu chiều, bà ấy càng thấp thỏm suốt ngày, không dám nổi bật, dè dặt sống mười mấy năm, khó khăn lắm con trai mới lập gia đình, có công danh, bà ấy vẫn còn phải tiếp tục chịu đựng.

Tú Xảo xót xa vô ngần, có lần tới thăm bệnh, thừa dịp không có ai trong phòng, nàng nhẹ nhàng lại gần, nói nhỏ bên tai dì Hương: “Dì nhất định phải giữ gìn sức khoẻ, sống lâu trăm tuổi, bao giờ chúng con ở riêng còn cần dì chỉ bảo, dạy dỗ em bé nữa.”

Dì Hương rơm rớm nước mắt, vỗ nhẹ tay nàng, khẽ khàng: “Con ngoan lắm, cậu Tư có thể lấy được con thật may mắn.”

Nếu đổi thành quý nữ xuất thân danh môn vọng tộc như chị dâu Cả chị dâu Ba, biết đâu còn không hạ thân phận được, nhưng Tú Xảo hoàn toàn khác, nàng là con gái tri kỷ của mẹ Thẩm, chưa học quy củ cao cấp gì, lại quen làm nũng với cha mẹ, bây giờ đổi người cũng thấy quen thuộc.

Nàng thường nhân lúc không có người hay đến thầm thì bên tai dì Hương.

“Dì ơi, chồng con giống hệt trẻ con, hôm qua đọc sách đến nửa đêm không ngâm chân đã lên giường rồi…”

“Dì ơi, con bảo chàng ban đêm nhất định phải ăn khuya, nhưng chàng hễ đọc sách là quên tiệt, chàng không nghe lời con, ngài nhớ phải khuyên chàng nhé…”

“…Dì ơi, sắp đến sinh nhật chàng rồi, chàng thích ăn gì, chúng ta cùng nhau làm cho chàng ăn, được không?”

Áng chừng là có điều nhớ nhung, tinh thần dì Hương chậm rãi tốt lên, sau lưng người khác hai người càng ngày càng thân thiết, trước mặt mọi người thì vẫn không dám biểu lộ quá nhiều, mẹ chồng con dâu tựa như chơi trốn tìm, có bí mật nho nhỏ, ấm áp.

Người khác có lẽ không biết, nhưng Tú Xảo luôn cảm thấy chị dâu Ba thông minh nhanh nhẹn đã phát hiện từ lâu, chẳng qua không bao giờ vạch trần. Sau này, hai chị em thân thiết hơn, chị dâu Ba còn thở dài: “Thực ra dì Hương… em và cậu Tư như vậy đã là tốt lắm rồi.”

Tú Xảo hiểu ý chị ấy.

Dù anh Ba giỏi hơn chồng nàng mọi mặt, nhưng có một khía cạnh lại hoàn toàn không bằng. Mai sau ở riêng, nếu anh Ba thật sự tiếp nhận dì Lâm không yên phận đó ra ở cùng, chị dâu Ba liền phiền phức. Hai phòng bọn họ vừa khéo trái ngược, Tú Xảo mong ngóng nhanh chóng được ở riêng, đưa dì Hương ra ngoài hưởng an nhàn, còn chị dâu Ba lại ngóng trông ở riêng thật muộn, tốt nhất có thể chờ đến lúc dì Lâm qua đời.

Cơ mà không hiểu dì Lâm ấy là kiểu người thế nào mà khiến người khéo léo giỏi giang như chị dâu Ba phiền muộn tới vậy.

Đến tận hơn một năm sau Tú Xảo mới có cơ hội nhìn thấy dì Lâm vang danh, nhân vật năm đó vô cùng lợi hại vẻ vang, ngay cả phu nhân chính thất cũng phải nhượng bộ!

Đó là một buổi sáng sớm ngày hè, chị dâu Ba theo thường lệ tới thôn trang thăm dì Lâm, Tú Xảo cũng về quê thăm nom vú nuôi đang bệnh nặng, đôi bên vừa vặn tiện đường, hai chị em dâu bèn kết bạn đồng hành.

Tú Xảo biết từ lúc bà nội và mẹ chồng rời phủ, dì Lâm hay gây phiền toái cho chị dâu Ba, hay nhờ người đến chuyển lời, thoắt ốm thoắt đau, thoắt lại doạ chết, chị dâu Ba không muốn anh Ba đến gặp dì Lâm bèn tự mình đi.

Loại việc thế này ắt hẳn chị dâu Ba không muốn người khác thấy, Tú Xảo rất thông minh, hạ quyết tâm trước khi đến nơi mỗi người một ngả, miễn cho chị ấy khó xử. Nào ngờ hôm đó trời nắng sớm, nàng vốn không quen khí hậu oi bức ngột ngạt ở kinh thành, kiệu lại xóc nảy, còn chưa được nửa đường nàng đã bị cảm nắng ngất đi, tức thì bất tỉnh nhân sự.

Đến khi nàng khoan thai tỉnh lại, phát hiện bản thân đang nằm trong một gian phòng, dưới thân là cái chiếu đơn sơ, đằng sau rèm trúc xanh loáng tháng có tiếng nói chuyện, Tú Xảo kiệt sức, nhất thời không lên tiếng nổi, chỉ biết âm thanh đằng kia bức rèm giống như tiếng tranh chấp.

“…Tôi khuyên dì ở yên đi, tướng công sẽ không đến đây đâu. Lão gia đã dặn dò, nếu tướng công dám đến thấy ngài sẽ bị đánh hai mươi gậy, nếu còn dám tái phạm thì ba mươi gậy, cứ thế mà nhân lên. Dì và tướng công là mẹ con ruột với nhau, đừng để tướng công phải chịu nỗi đau da thịt.” Ngữ khí nhẹ nhàng, là giọng nói của chị dâu Ba.

“Thối lắm! Tao sinh hắn nuôi hắn, hai mươi gậy đã là gì, dù phải chết thay tao thì cũng là hiếu thảo!” Một giọng nói khàn khàn suồng sã vang lên.

Chẳng lẽ đây chính là dì Lâm? Sao lại thế nhỉ. Tú Xảo lơ mơ nghĩ.

“Dì vẫn không hiểu à. Nếu là người mẹ danh chính ngôn thuận, đương nhiên hiếu thuận đặt lên hàng đầu, nhưng với ngài thì, trước chị “nương” còn có chữ “di” đấy. Nói khó nghe thì dù có một ngày tướng công có thể giúp mẹ già được phong cáo mệnh thì đầu tiên cũng là mẹ cả, nếu còn được ân điển thì mới đến phiên ngài. Nếu ngài không chịu được thì kiếp sau đầu thai nhất định đừng làm vợ bé cho người ta, dù có khổ sở đến đâu thì tốt xấu gì vẫn nên cưới hỏi đàng hoàng, như vậy sinh được con trai tiền đồ, ngài muốn đánh thì đánh muốn gặp thì gặp. Cũng đỡ phải ở đây mà tự hờn dỗi không đâu, phải không?”

Chị dâu Ba nói năng ghê gớm thật, ngày thường đoan trang thận trọng, chẳng ngờ ghê gớm lên lại kinh như vậy.

Tú Xảo mơ màng suy nghĩ, mấy câu sau chẳng nghe rõ, chỉ biết giọng nói khó nghe đó không ngừng mắng mỏ dọa nạt, chị dâu Ba thì cứ ung dung châm chọc lại, chiếm thế thượng phong.

“…Được, được, mày ỷ vào có chỗ dựa, dám vô lễ với tao, mày chờ xem! Đợi tương lai con tao ra ở riêng, đưa tao ra ngoài chăm sóc, để xem tao trừng trị mày thế nào?!”

Chị dâu Ba bật cười lanh lảnh, tỏ vẻ tự giễu, cất giọng lạnh nhạt: “Thật đến lúc đó, chỉ e ngài cũng không được như ý.”

“Tiện nhân có cha sinh không mẹ dưỡng, mày nói cái gì?!”

Chị dâu Ba đanh giọng lại, từ tốn lên tiếng: “Dì Lâm, cho đến giờ dì vẫn không hiểu tại sao năm đó bị trục xuất khỏi phủ hả? Tướng công và cha chồng vốn là cùng một loại người, bọn họ coi trọng nhất không phải vợ hiền cũng không phải sủng thiếp mà là chính bản thân bọn họ. Cha chồng một lòng muốn làm rạng rỡ gia tộc, ngài cản đường ông ấy, đương nhiên phải tránh sang một bên, còn tướng công hả, hắn thích sống ngâm gió ngợi trăng, vô ưu vô lự.

Nói tới đây, chị dâu Ba càng châm chọc.

“Ở riêng cũng phải mười mấy năm sau, khi đó tướng công chắc đã có danh vọng, có địa vị. Hắn sẽ vì bà mẹ danh không chính ngôn không thuận mà gây khó dễ cho người vợ cưới hỏi đàng hoàng như tôi? Làm mích lòng gia tộc họ Liễu chúng tôi? Anh trai chú bác tôi chết hết rồi chắc?! Còn các con tôi nữa, đến lúc đó chúng đã lớn, đọc sách có công danh, lấy chồng tử tế, tôi là mẹ cả của chúng, bà là cái gì chứ?! Bà nghĩ xem, tướng công sẽ vì bà mà đắc tội tất thảy sao, mất thể diện với những bạn thơ, bạn cùng trường, đồng liêu sao?!…”

Tiếp đó hai người họ lại tranh cãi gì Tú Xảo liền không nhớ rõ, nàng mơ màng cảm thấy giọng nói khó nghe đó càng lúc càng nhụt chí, sau cùng nàng hoa mắt, lại mê man.

Lúc tỉnh lại, chị dâu Ba vẫn tỏ ra đoan trang cao quý như trước, mỉm cười ngồi bên giường bảo nàng: “Em chẳng được tích sự gì cả, hôm nay đừng chạy đi đâu nữa, về phủ đi.”

Tú Xảo đương nhiên liên tục gật đầu, không hề hé răng nửa lời về chuyện mới nghe thấy.

Lúc được đỡ ra khỏi phòng, nàng bắt gặp một bà lão thô lỗ đứng bên cửa, thân hình mập mạp, trên gương mặt dữ tợn mơ hồ thấy được nét đẹp khi xưa, hơi giống anh Ba và cô Tư, hai bà hầu cưỡng ép đưa bà ta về phòng, ngoài miệng kêu “dì Lâm”.

Hoá ra đây chính là dì Lâm? Tú Xảo thầm thất vọng.

Nàng nghe nói, hồi dì Lâm mới làm sai bị phạt tới thôn trang vẫn còn không yên phận, không ngừng đòi chết, tìm cách chạy ra ngoài. Khi đó Vương thị nắm quyền, muốn trừng trị kẻ thù ngày xưa quá ư dễ dàng, lấy cớ đề phòng dì Lâm đòi chết bèn nhốt vào một gian phòng đất chỉ có một cánh cửa sổ trên cao nho nhỏ, mỗi ngày chỉ cho ba bát mỡ lợn.

Dì Lâm đương nhiên không hề muốn chết, đành phải ăn, lại không được đi lại, càng ăn càng thèm, nửa năm sau liền biến thành bà béo.

Tú Xảo chợt rùng mình.

Thật âm hiểm, thật tàn nhẫn! Hủy hoại vẻ đẹp và dáng người mảnh dẻ mà người phụ nữ coi trọng nhất.

Nghe nói đây là ý kiến mà chị gái của mẹ chồng mình là Khang thị đưa ra, sau đó cũng chẳng hay bà dì này đi đâu, họ Khang cũng ít khi qua lại. Tú Xảo thở phào nhẹ nhõm, nàng sợ hãi người có thể nghĩ ra được chủ ý thế này.

Việc hôm đó nàng không tiết lộ với bất kỳ ai, chỉ có một lần về nhà mẹ đẻ từng kể lại cho mẹ Thẩm.

Mẹ Thẩm thở dài: “Chị dâu Ba của con thật không dễ dàng. Kẻ họ Lâm đó, con cũng không cần thương xót, loại người như thế đáng chịu báo ứng.” Lại tiếp: “Con cũng đừng để tâm đến những việc này, quan trọng nhất vẫn là mau mau có thai đi!”

Ánh mắt Tú Xảo nhanh chóng thất vọng.

Gia cảnh giàu có, dòng dõi thanh quý, ra vào đều nở mặt nở mày. Mẹ chồng không ở, bà nội không ở, anh Cả chị dâu Cả cũng không ở. Cha chồng ôn hoà, anh Ba nhã nhặn, chị dâu Ba càng thân thiện. Nàng không cần lập quy củ, không cần hầu hạ mẹ chồng, không cần tranh cãi với chị em dâu, càng không phải đau lòng vì chồng trăng hoa.

Cuộc sống thoải mái nhàn nhã như thế, duy nhất không được hoàn mỹ chính là thành thân đã gần hai năm nàng vẫn chưa có thai.

Chồng và dì Hương đối xử tốt với mình đến vậy, thật có lỗi với bọn họ, Tú Xảo hàm lệ chủ động đề ra tìm đứa hầu béo khoẻ sinh con cho chồng, còn chưa nói hết câu đã bị dì Hương phản đối.

“Cô ngốc, có đầy phụ nữ kết hôn ba, bốn năm mới có thai kia kìa, hai đứa mới bao nhiêu tuổi, thêm nữa, trong nhà đầy con cháu, không cần hai đứa phải lo việc nối dõi tông đường. Con vội gì chứ!”

Tú Xảo cảm động nhưng vẫn bất an, càng ngày càng gầy rộc. Chồng lo lắng bèn quyết tâm đi cầu bà nội hỗ trợ, tìm Hạ lão phu nhân ở Bạch Thạch Đàm đến khám thử xem. Hồng nhạn đưa thư, lão phu nhân đồng ý, còn bảo Hạ lão phu nhân nửa năm nữa sẽ vào kinh, đến lúc đó bà sẽ cố gắng mời bà ấy giúp đỡ.

“Thật, thật sao?!” Tú Xảo nén nước mắt, lòng ngập tràn khao khát.

Để nàng yên tâm, chồng vỗ ngực liên tục tán dương y thuật của lão phu nhân một hồi lâu.

“Em không biết đấy thôi, năm đó chị Cả cũng năm, sáu năm không mang thai, Hạ lão phu nhân xem qua liền một lần được con trai, ba năm ôm hai đứa, bấy giờ chị ấy đều sắp bốn mươi tuổi rồi mà vẫn có thai được đấy! Mấy năm nay chúng ta tốn bao tiền mừng tuổi cho mấy đứa con chị ấy, em không nhớ à! Cho nên đợi lần này mời được Hạ lão phu nhân, chúng ta cũng phải ra sức sinh, tốt xấu lấy tiền vốn trở về, nếu không thì chẳng hoá bị thiệt à!”

Tú Xảo chất phác bèn nín khóc mỉm cười, chẳng nghi ngờ gì.

Mẹ Thẩm biết việc này liền cảm động đến rơm rớm nước mắt, liên tục bảo cha Thẩm: “Ông già, ông thấy tôi nói đúng chưa? Thế này mới gọi là dòng dõi thư hưởng, có quy củ, có tình người, những kẻ hở một tí là ba vợ bảy nàng hầu mới là giả vờ nhã nhặn, ngụy quân tử!”

Nói cười một lát lại không nhịn được kể lại chuyện con gái nhà họ Chung.

Lúc trước mẹ Thẩm định chọn con gái họ Chung làm dâu Cả, nào ngờ Chung phu nhân lại coi trọng con trai Chu đại nhân nhậm chức Tổng đốc Lưỡng Quảng, hiện đang ở kinh thành đọc sách. Dòng dõi thì tốt, nhưng nhà họ Chu là tứ thế cùng đường, ba phòng ở chung một nhà, trong nhà anh em chú bác chị em, chị em họ một đống, Tú Xảo nghe mấy lần đều không thể nhớ nổi ai vào với ai.

Chị gái họ Chung vốn thân với nàng, sau khi lấy chồng không ít lần về nhà mẹ đẻ khóc lóc kể lể sống ở nhà chồng thật mệt mỏi, mỗi ngày từ sớm đến muộn đều vất vả không được nghỉ ngơi một chút, ăn không ngon, ngủ không yên, gần như sắp kiệt quệ đến nơi rồi.

Tú Xảo cảm thấy không thể trách họ Chu được, nhà họ như vậy, vốn dĩ phải chọn dâu như chị dâu Cả và chị dâu Ba, được huấn luyện kỹ càng từ bé, biết xử sự thoả đáng, xã giao với cả đống họ hàng thoải mái, tuyệt không rụt rè, như nhà nàng và nhà họ Chung, nửa đường mới phất, làm sao mà so sánh được.

Nhớ năm đó cả nhà đoàn tụ ăn tết, lại đúng dịp lão phu nhân đại thọ, trong nhà mở tiệc ba ngày, mời gánh hát, mời xiếc ảo thuật, mời tăng nhân niệm kinh cầu phúc, trước sau phải có tới năm, sáu mươi nhà đến mừng thọ.

Mỗi nhà có lai lịch thế nào, nữ quyến bối phận thế nào, nên xưng hô thế nào, chỗ ngồi xếp thế nào, mấy nhà ngày thường bất hoà, không nên ngồi chung, mấy nhà là quan hệ thông gia, ruột thịt, họ hàng nên ngồi gần nhau, còn cả việc các vị lão phu nhân không ngửi được mùi nào, các vị phu nhân không ăn được cái gì, xe ngựa đằng trước dừng ở đâu, cho ngựa ăn cỏ ở đâu, chào hỏi gã sai vặt kẻ đánh xe, bà hầu bên trong nên đón khách thế nào, thu xếp hầu gái, đồ vật sát người ra sao…

Chị dâu thần kỳ của nàng, tóc mai không loạn, mồ hôi không thấm, trước sau tươi cười đúng mực dễ mến, thoải mái sắp xếp trong ngoài chu toàn hoàn mỹ, một bên căn dặn mười mấy bà hầu đứng ngoài cửa, một bên còn đến bàn các lão phu nhân chia thức ăn, cười nói trêu đùa, bao nhiêu vị cáo mệnh phu nhân đều khen ngợi.

Khi đó, Tú Xảo cứ ngây ra nhìn.

Còn chị dâu Ba thì, năm đó làm tiệc trung thu còn đang mang thai, nàng lại mới vào cửa, chẳng hiểu cái gì, chị dâu Ba lắc đầu than nhẹ, mang cái bụng to nhẹ nhàng thu xếp thoả đáng, nàng chỉ cần cầm đũa ngồi vào chỗ ăn là xong.

Chưa kể tới chủ nhân, ngay cả kẻ dưới cũng khác biệt một trời một vực, những nàng hầu ma ma đầy kinh nghiệm bên cạnh chị dâu Cả và chị dâu Ba, mỗi người đều là nhân thủ lấy một chọi mười, đều là nô bộc truyền được huấn luyện kỹ càng truyền thừa bao đời.

Nhà nàng không thiếu bạc, nhưng làm sao có nổi những người như thế! Bên cạnh nàng chỉ có hai đứa hầu ngốc mới mua được hai năm, được cái trung hậu thành ttật, có bà vú nuôi duy nhất dùng được thì dạo này lại về nhà dưỡng bệnh.

Được rồi, không so sánh nữa, người so với người thật tức chết.

Huống hồ Tú Xảo vốn không có lòng tranh cường háo thắng, như vậy, ngược lại chung sống hoà hợp với hai chị dâu.

Sống với tâm tình này, Tú Xảo tiếp tục trải qua những ngày đơn thuần vui vẻ, lúc thì thêu, làm túi thơm, làm quần áo, ăn ngon ngủ kỹ, bảo dưỡng cơ thể, bẻ tay tính từng ngày Hạ lão phu nhân vào kinh.

Có vẻ lòng không có lo âu, đợt này nàng béo hẳn lên, chồng thấy vậy càng vui sướng. Nàng càng ngày càng đẫy đã, thích ăn thích ngủ, hôm đó tự dưng ăn liên tục mười mấy quả hạnh.

Đúng lúc đó dì Hương đến tặng đồ, Tú Xảo nhiệt tình nhét nửa bát hạnh vào lòng bà ấy, “Dì ăn đi, hạnh ngon lắm.”

Dì Hương ngại từ chối liền cười ăn một quả, tức khắc bị chua rơi nước mắt, kêu lên: “Chua như thế làm sao mà ăn nổi!”

Tú Xảo ngốc nghếch: “Chua ư, con có thấy đâu.” Ăn ngon lắm mà.

Đôi mắt dì Hương chậm rãi ánh vẻ sung sướng, vuốt trán nàng, cười bảo: “Cô ngốc!” Nói rồi quay sang hỏi đứa hầu: “Cái đứa ngốc này, chủ nhân nhà mi bao lâu không có kinh nguyệt rồi?”

Đứa hầu ngơ ra: “Cái này á, a, ma ma đã dạy tôi, tôi có nhớ, dường như cũng lâu rồi, dì đợi chút, tôi về nhà xem sổ ghi chép.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.