Thanh Triều Ngoại Sử 2

Chương 117: Chương 117: Mang ơn (hạ)




Khi mặt trời đã lên khỏi đỉnh Yên sơn, Cửu Dương đưa Tuệ Dung về tới nhà nàng, ánh bình minh chiếu lên căn nhà tranh nhỏ bé, khoảnh đất bao quanh nhà cỏ dại và hoa cúc dại mọc um tùm, một vài cây to gãy đổ. Tuệ Dung mở hai cánh cửa, giữa nhà có một cái bàn, bốn cái ghế, trong góc nhà bên trái dựng một cái ghế dài, góc nhà bên phải đặt chiếc giường và chiếc tủ, người nằm trên giường chính là cha nàng.

Do Tuệ Dung đau lòng quá độ nên nàng chỉ biết chạy đến bên giường quỳ xuống khóc ròng. Cửu Dương bước lại đứng bên cạnh nàng khẽ nhắc, Tuệ Dung mới sực tỉnh giơ tay vuốt mắt cho cha nàng, làm theo phong tục dù người chết đã khép mắt. Xong phần này, Cửu Dương giúp nàng bế các xác lên, đưa xác cha nàng nằm dưới đất ít phút, làm theo tục “người ta sinh ra bởi đất thì khi chết lại trở về với đất,” rồi chàng mới đặt cái xác lại ngay ngắn lên giường.

Trong nhà Tuệ Dung chỉ có mình nàng, theo tục lệ cha mất thì con trai tắm, mẹ thì con gái tắm nên Cửu Dương nói sẽ giúp nàng tắm gội cho cha nàng. Tuệ Dung riu ríu khẽ gật đầu nói cám ơn chàng. Cửu Dương nói chàng cần một con dao nhỏ, một vuông vải, một cái lược, ngũ vị hương và một nồi nước nóng. Tuệ Dung vâng lời đi chuẩn bị.

Trước lúc Cửu Dương tắm cho cha Tuệ Dung, chàng vây màn cho kín. Tuệ Dung quỳ bên ngoài màn thổn thức khóc, Cửu Dương là người hộ việc cũng ra đứng cạnh nàng rồi cáo từ rằng:

- Nay xin tắm gội để sạch bụi trần.

Xong chàng phục xuống, lạy ba cái rồi đứng dậy vào bên trong màn bắt đầu tắm rửa. Cửu Dương lấy vuông vải xả nước nóng, dấp vào ngũ vị, lau mặt, lau sạch mình mẩy cho cha Tuệ Dung rồi lấy lược chải tóc, thắt thành một bím dài rồi lấy sợi vải buộc tóc. Đoạn chàng lau hai tay hai chân, lại lấy dao cắt móng tay móng chân cho cha nàng, sau cùng là mặc quần áo cho chỉnh. Tuệ Dung gói móng tay móng chân đã được cắt lại trong hai bọc vải, kế đó hai người đi mua quan tài. Chiều hôm đó Cửu Dương giúp Tuệ Dung đặt xác cha nàng vào trong quan tài. Hai gói móng tay móng chân trên để trên, dưới để dưới. Những bộ đồ cha nàng thường hay mặc chàng cũng xếp lại ngay ngắn bỏ vào áo quan để tẩm liệm.

Tuệ Dung nói khi cha nàng còn sống bị bệnh lao rất nặng, nên sống hiu quạnh trong thôn làng này vì ai cũng xa lánh, nàng nói không cần lo sắp đặt trong nhà đón khách đến phúng viếng chia buồn. Lá thư nàng nhận được hồi chiều hôm qua không đề tên người gởi nên nàng cũng không biết là ai đã có lòng báo cho nàng hay về cái chết của cha. Cửu Dương giúp Tuệ Dung dùng cỗ xe chở quan tài tới một ngọn đồi, chôn cạnh bên một nấm mồ mà Tuệ Dung nói là của mẹ nàng.

Hai người quỳ lạy rồi trở về nhà. Đến trước cửa nhà, Tuệ Dung không vào mà nói nàng muốn đi dạo một chút cho bình tâm lại, nàng nói xong quay mình rời đi. Cửu Dương để cỗ xe đậu trước nhà rồi đi theo nàng. Hai người dọc theo con đường nhỏ chạy trước nhà nàng ra đến đầu con lộ đầy sỏi, nơi đây có một cổ thụ, dưới gốc cây đặt chiếc ghế đá. Thôn làng thưa thớt người, chung quanh vắng vẻ, hai người cùng ngồi xuống chiếc ghế đá. Tuệ Dung nói, giọng rầu rầu:

- Ngày trước khi chưa mắc bệnh, cứ mỗi buổi hoàng hôn là cha dẫn nô tì đi bách bộ ở nơi đây.

Nàng mơ hồ nhớ lại, đưa tầm mắt ra mãi phía chân trời để nhìn dãy ráng chiều còn đỏ rực và nhuộm hồng cả cỏ cây ở ven núi đồi.

- Chiếc ghế này do cha nô tì làm ra - Tuệ Dung nói tiếp - Hồi trước cha nô tì là thợ mộc, những ngôi nhà gần đây cũng là do cha xây cất cả.

Tuệ Dung nói như ôn lại chuyện xưa.

- Hồi đó đất ở vùng này còn hoang vu, cha xây cất nhà rồi bán ra, nên nơi này mới trở thành một thôn làng thế này, sau đó cha lâm bệnh, cuộc sống của hai cha con nô tì bắt đầu vô cùng chật vật khó khăn từ đó.

Cửu Dương định hỏi vì sao và từ khi nào nàng theo Ngao Bái trở thành một huyết trích tử nhưng cuối cùng chàng chỉ trầm ngâm nói:

- Thế con đường này cũng do cha nàng làm ư?

- Dĩ nhiên! Lúc trước ở đây chỉ toàn là rừng hoang.

Cửu Dương gật đầu, chàng nhìn con đường sỏi, chợt nghĩ đến con đường sỏi bên bờ Tây hồ Hàng Châu. Trước kia, chàng và nữ thần y thường dắt tay nhau đi bách bộ trên con đường sỏi cũng giống như con đường này, lên đến Thanh Tịnh tự. Hai người vào chùa thắp hương, khấn vái, và xin xăm. Nữ thần y thường hay nói với chàng nàng yêu còn đường sỏi đó vì con đường đó như được thượng đế tạo ra dành riêng cho chàng và nàng. Nàng gọi con đường là Thiên Đường Lộ, ấy thế mà bây giờ… Nàng đẩy chàng xuống dưới địa ngục…

Cửu Dương còn đang miên man nghĩ ngợi thì Tuệ Dung đứng lên bước đi trên con đường sỏi, chàng cũng đứng lên, hai người cùng nhau bước theo con đường ấy. Hai bên đường lá trúc kêu xào xạc. Hai người yên lặng đi không nói gì. Trời thu gió hiu hiu, hoàng hôn ngả bóng. Tuệ Dung đi đến một cái hang đá với những tảng đá to lớn khiếp người, nói:

- Hồi mới đến đây, nô tì hỏi cha những tảng đá to lớn thế này, làm sao mà đem được tới đây. Cha đã phì cười, nhìn nô tì đáp: “Ôi, con bé này thật vớ vẩn quá! Ngay đến Tôn Hành Giả cũng không sao khiêng nổi để đem tới đây chứ đừng nói nhân tạo. Ngay từ khi khai thiên lập địa đã có chúng rồi, ngọn núi này đầy dẫy những tảng đá khổng lồ.”

Tuệ Dung dứt lời đi xuyên qua khỏi hang đá thì đến một ngôi miếu nho nhỏ, trước miếu có một cái sân, trong miếu có xây điện Phật Bà Quan Âm và bái đường. Khói hương nghi ngút quyện trong không gian và toả ra mùi thơm ngào ngạt. Cửu Dương theo nàng đi vào và dừng lại trước bức tượng của đức Phật Bà Quan Âm. Tuệ Dung chắp tay nhắm mắt, Cửu Dương đứng yên lặng bên cạnh chờ nàng, khi hai người bước ra khỏi căn miếu chàng hỏi:

- Nàng cầu điều gì?

- Nếu quả có thần linh, nô tì xin họ hãy phù hộ, độ trì cho chúng sinh, nhất là mang đến bình yên trong tâm hồn ngài.

Cửu Dương nghe vậy, chỉ nhìn nàng không nói gì. Khi này trời đã vào đêm, mấy ngôi sao đang nhấp nháy hiện ra trên trời, Tuệ Dung sực nhớ ra một chuyện bèn nói:

- Nô tì thật quá thất soát, cả ngày rồi ngài chưa ăn gì, chúng ta mau về nhà nô tì làm cơm tối cho ngài ăn.

Cửu Dương mỉm cười lắc đầu:

- Ta không đói.

Nhưng Tuệ Dung kéo tay chàng, vừa đi nàng vừa nói:

- Cám ơn tất cả những gì ngài đã làm cho nô tì.

Cửu Dương lại mỉm cười:

- Không khí về đêm ở đây thật trong lành.

Tuệ Dung gật đầu, chỉ vào những bụi cúc dại mọc chung quanh nhà nàng đang đắm dưới ánh trăng:

- Vâng, không những trong lành, mà còn đượm cả mùi thơm của hoa cúc nữa.

Sau khi ăn tối xong, Tuệ Dung bưng chén dĩa vào căn bếp bên hiên nhà để rửa, Cửu Dương cũng theo vào trong bếp nói giúp nàng, Tuệ Dung ngăn mãi mà không được, đành đưa cho chàng một chiếc khăn. Tuệ Dung rửa chén, Cửu Dương dùng khăn lau khô rồi đặt vào trong một cái chậu. Tuệ Dung vừa rửa chén vừa ngẩng đầu lên nhìn vầng trăng nói:

- Khi còn bé, nô tì cứ tin tưởng rằng có một đêm nào đó, sẽ có một chiếc thang màu ngà từ trên cung trăng thòng xuống và một vị thần hiện ra ban cho nô tì rất nhiều đồ vật để nô tì thực hành tất cả những ước vọng của mình.

Cửu Dương đặt một cái chén đã lau khô vào chậu, nói:

- Hồi đó, ước vọng của nàng là những gì?

- Là được yêu thương.

Rồi Tuệ Dung mỉm cười nói tiếp:

- Được tất cả lũ bạn bè trong thôn, ai cũng mến yêu.

Cửu Dương gật đầu, Tuệ Dung nhìn lên vầng trăng khẽ nói tiếp:

- Nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có vị thần nào hiện xuống cả.

Tuệ Dung rửa xong cái chén cuối cùng, đưa cho Cửu Dương, ánh trăng làm nàng trở nên bạo dạn, im lặng nhìn chàng lau cái chén nàng cười nói:

- Có lẽ cũng có rồi nhưng nếu vị thần hiện xuống đây thì cũng vì người khác mà xuống chứ còn nô tì thì...

Tuệ Dung nhìn Cửu Dương trong bóng tối lờ mờ, gương mặt chàng càng đẹp hơn lúc ban ngày. Nàng không dám nói hết lời, câu nói vừa rồi mang ý nghĩa vô cùng đường đột… Nàng không hiểu tại sao mình lại không thể cân nhắc trước khi nói ra câu nói vừa rồi. May là Cửu Dương cũng không nói gì. Một lúc lâu sau, Tuệ Dung mới chậm rãi nói:

- Cha mẹ của ngài đang ở đâu?

Cửu Dương xếp cái khăn lại trả cho nàng, lắc đầu:

- Từ lúc năm tuổi ta mồ côi mẹ, bảy tuổi mồ côi cha.

Tuệ Dung lặng người, thì ra trong một thời gian dài chàng đã phải làm quen với sự cô độc, đã từng bị sự tịch mịch áp bức. Xem ra nàng đã may mắn hơn chàng nhiều...

- Nhưng ta có anh trai - Cửu Dương cười nói - Sau khi cha mẹ nối tiếp nhau qua đời huynh ấy không chỉ là anh mà gần như một người cha của ta.

- Bây giờ anh trai của ngài ở đâu?

Cửu Dương im lặng, chàng cũng không rõ hiện thời Tần Thiên Nhân đang ở đâu. Chàng lại nghĩ tới tuổi thơ của chàng và Tần Thiên Nhân, hồi nhỏ có những nụ cười, đến lúc khôn lớn thì hai người đều có trách nhiệm đè nặng lên vai...

Tuệ Dung thấy Cửu Dương im lặng, linh tính cho hay không nên nhắc đến gia đình chàng nữa, nàng đổi đề tài:

- Thời niên thiếu của ngài như thế nào?

Tuệ Dung nói xong, ánh mắt Cửu Dương ngời lên trong đêm tối, chàng cười nhẹ. Tuệ Dung cũng cười nói:

- Ở cái tuổi của nô tì hình như ngài đã rất vui?

Cửu Dương gật đầu. Tuệ Dung lại nói:

- Người ta hay nói tuổi của nô tì là tuổi mơ mộng. Lúc ở vào lứa tuổi của nô tì, ngài có mơ mộng không?

Cửu Dương tiếp tục gật đầu, nhưng ngay sau đó chàng thu lại nụ cười, những đường nét trên mặt chàng cũng đột nhiên rắn lại. Giấc mộng của chàng, một giấc mộng kéo dài rực rỡ đầy màu sắc như một cái cầu vồng, làm chàng ngất ngây cả người nhưng rồi chỉ trong một đêm giấc mộng đó tan đi và tiếp theo sau là những đêm tối dày đặc...

- Trời đã khuya, chúng ta nên đi nghỉ nào.

Cửu Dương nói và chàng đứng lên, Tuệ Dung thấy sự an điềm trên mặt chàng tiêu tan đâu mất, giọng chàng cũng trở nên buồn bã. Lòng Tuệ Dung bỗng giá lạnh hẳn đi. Cái lạnh ở đâu từ ánh trăng, từ những cơn gió mùa thu hay từ những viên gạch dưới chân truyền đến, nàng chậm rãi đứng ngay người lên và theo chàng vào nhà.

Khoảng đầu canh ba Tuệ Dung trở mình tỉnh giấc, mấy năm gần đây nàng mắc phải chứng khô miệng khát nước về đêm, nàng ngồi dậy bỏ chân xuống giường, định đi lại chiếc bàn ở giữa nhà rót nước uống thì chợt nàng nhìn về hướng trường kỷ và không thấy Cửu Dương nằm đó. Tuệ Dung bèn với tay lên thành giường lấy chiếc áo choàng khoác vào, rời giường đi tới đứng bên cửa sổ nhìn ra, ngoài trời, vầng trăng sáng đang treo lơ lửng trên không. Trong vườn, bóng hoa lay động, ánh sáng dìu dịu soi vào khung cửa sổ, hương thơm thoang thoảng tỏa ngát trong không gian, đầy vẻ quyến rũ. Không biết chàng đã đi đâu? Tuệ Dung rời cửa sổ, định mở cánh cửa để bước ra ngoài sân nhà đi tìm nhưng khi nàng vừa để tay lên cánh cửa bỗng khựng lại, có hai bóng người đang đứng trong căn bếp bên hiên nhà. Tuệ Dung nhìn qua khe cửa, nàng giật mình khi nhận ra diện mạo của hai người đàn ông.

Tuệ Dung nhẹ nhàng trở về lại giường, cởi áo khoác ra vắt lên thành giường rồi nằm xuống. Suốt đêm về sáng Tuệ Dung mất ngủ. Nằm trên giường trùm chăn tới ngực, nàng không tài nào chợp mắt lại được nữa. Nàng dùng đủ mọi cách để ru giấc ngủ, nhưng vẫn không sao ngủ được. Nàng thật không ngờ… Bây giờ thì nàng đã hiểu vì sao chàng bị dằn vặt đến độ như thế. Nàng nhớ lại nét mặt thảm hại của chàng khi chàng bước ra khỏi căn phòng tân hôn, nàng đã bám theo chàng và nhìn thấy chàng đi đến cửa thư phòng, vịn tay lên cánh cửa chàng ngã xiêu, ngã vẹo bước và trong thư phòng. Nàng như cảm thấy được nỗi đau đớn, quằn quại của chàng khi đó. Đầu Tuệ Dung choáng váng, nhưng nàng vẫn chưa mất hẳn lý trí, nàng vẫn còn nhớ thân phận mình là ai, song nàng làm sao nỡ nói trắng ra...

Sáng hôm sau, hoa cúc nở đầy cả một khu vườn trước sân nhà từ lúc sáng sớm, Tuệ Dung xách một chiếc giỏ nhỏ ra vườn cắt hoa, nàng phải cắt đầy một giỏ để cắm trên chiếc tủ thờ. Trên cao bầu trời xanh ngắt và trong trẻo, từng cơn gió nhẹ tung tẩy trên không, thi thoảng có tiếng chim hót ríu rít trong các bụi cây. Một hồi sau có tiếng cửa mở, nàng quay đầu lại, trên tay còn cầm một cành hoa mới cắt xong.

Cửu Dương đang vịn tay vào cánh cửa, đứng ngẩn người nhìn chòng chọc vào nàng. Tuệ Dung cũng nhìn lại chàng, hai người đều ngẩn người ra mất một lúc, Cửu Dương vì chàng tưởng rằng đang chìm đắm trong ảo giác, Tuệ Dung vì chàng đứng dưới ánh bình minh quả thật đẹp trai, đẹp hơn bao giờ. Một lúc lâu nàng mới chợt tỉnh và mỉm cười chào chàng. Cửu Dương bước những bước dài về phía nàng, đứng một nơi cách nàng không xa và dùng ánh mắt bốc lửa nhìn nàng từ đầu đến chân.

Tuệ Dung dùng răng cắn lấy môi, rồi nói:

- Ngài làm ơn cầm hộ nô tì chiếc giỏ này một tí? Nô tì còn phải cắt thêm mấy cành hoa nữa mới cắm đủ bình.

Nàng nói rồi không đợi chàng trả lời và cứ trao chiếc giỏ cho chàng. Cửu Dương cầm lấy, cặp mắt vẫn nhìn nàng, chòng chọc không chớp. Đúng như sự dự đoán của Tuệ Dung, bộ y phục của nàng và cách nàng dùng răng cắn nhẹ vào làn môi dưới đã gây được sự chú ý của chàng, nàng cười nói:

- Tại sao ngài nhìn chòng chọc nô tì như thế?

- Xin lỗi.

Cửu Dương đưa mắt nhìn xuống chiếc giỏ trong tay và nói, trên mặt chàng vẫn còn hiện ra nét thẫn thờ. Tuệ Dung bỗng cảm thấy thương chàng một cách sâu đậm. Đã là con người ai có thể thản nhiên nhìn cái thế giới thơ mộng của mình bị tàn phá và hủy diệt? Và một khi nó bị tàn phá và hủy diệt bởi chính tay người mình yêu thương nhất, lại không có cơ hội xây đắp lại. Nàng thấy chua xót giùm chàng, mối chân tình của chàng làm nàng cảm động.

Cửu Dương nhìn xuống chiếc giỏ hoa một lát rồi lại ngẩng lên nhìn Tuệ Dung, trông thần sắc chàng vẫn còn như kẻ mất hồn:

- Nàng mặc áo hồng rất đẹp.

Chàng nói thật khẽ.

- Ngài thích nữ nhân mặc áo hồng vì phu nhân thường mặc áo hồng phải không?

Tuệ Dung hỏi, gần như bâng quơ và cắt thêm hai cành hoa để vào chiếc giỏ trên tay Cửu Dương.

- Ngài yêu phu nhân như vậy - Tuệ Dung tiếp - Phu nhân có khuyết điểm gì không?

Chàng gật đầu:

- Nhiều như sao trên trời vậy.

Tuệ Dung nói:

- Thế phu nhân có ưu điểm nào không?

Cửu Dương lại gật:

- Có một ưu điểm thôi, như mặt trời chỉ có một vậy.

- Phu nhân nhiều khuyết điểm hơn ưu điểm sao ngài lại yêu nhiều như thế?

- Tuy tật xấu của nàng ấy nhiều như sao trên trời, và ưu điểm thì chỉ có một, giống như mặt trời chỉ có một nhưng ta yêu nàng ấy nên đối với ta khi mặt trời xuất hiện tất cả những ngôi sao đều biến mất.

Tuệ Dung hơi chững người trước câu trả lời của Cửu Dương, đặt cành hoa cuối cùng vừa cắt vào chiếc giỏ tre. Ánh nắng sáng tươi, gió thu thoang thoảng, bất giác nàng đưa cao hai cánh tay lên, thay đổi đề tài:

- Cứ đến mỗi độ tiết trời tươi mát như thế này – Tuệ Dung nói - Nô tì cảm thấy toàn thân thư thái. Nô tì nghĩ chúng ta hãy cứ tự nhiên chấp nhận những sự đổi thay, nhỉ? Hoa nở, rồi tàn. Trời tạnh rồi mưa và còn biết bao sự biến thiên khác mà chúng ta cứ phải chấp nhận.

Cửu Dương lắc đầu:

- Nhưng cũng có sự đổi thay mà chúng ta rất khó có thể cam tâm chấp nhận. Đó là lúc mà những sự đổi thay có liên lạc mật thiết với tình cảm.

Tuệ Dung nhìn chàng, khẽ mím môi rồi nàng hít một hơi dài không khí và chấm dứt câu chuyện:

- Chúng ta vào nhà đi, nô tì đã chuẩn bị điểm tâm, mời ngài ăn thử những món điểm tâm quê hương của nô tì. À, ngài có vui lòng giúp nô tì cắm những đóa hoa này vào bình không?

Cửu Dương gật đầu, hai người vào nhà, Tuệ Dung đặt giỏ hoa lên bàn đầy các món điểm tâm nàng đã dậy sớm chính tay làm. Hai người ngồi vào bàn, sau khi ăn điểm tâm xong, Tuệ Dung đi mở tủ lấy một cái bình đem lại đặt lên bàn. Cửu Dương cắt gọn những nhánh hoa rồi cắm vào bình. Tuệ Dung dọn dẹp bàn ăn, bưng các chén dĩa vào trong bếp rồi trở lại ngồi cạnh bên say sưa nhìn chàng cắm hoa. Căn nhà thật yên tĩnh. Một lúc sau, Cửu Dương đặt bình hoa đã cắm xong sang một bên.

Tuệ Dung mang bình hoa đến đặt trên chiếc tủ thờ cạnh giường. Nàng không ngờ chàng cắm hoa rất đẹp, hình như với chàng cái gì cũng hoàn mỹ, ông Trời quả tình rất ưu ái khi tạo ra chàng. Khi Tuệ Dung trở lại đằng bàn chàng đang tết mấy nhành hoa còn dư lại thành một vòng hoa, chàng bện chúng lại rất nhanh và gọn.

- Trông khi chờ đợi vị thần của nàng xuất hiện, nàng có thể đội vòng hoa này và trở thành một nàng tiên.

Cửu Dương nói rồi đội lên cho Tuệ Dung.

- Đẹp không?

Tuệ Dung cười một nụ cười thật tươi, nàng chớp mắt hỏi.

- Như mùa xuân ngọt ngào.

Cửu Dương đáp, chàng vừa bình thản nói vừa thu gom mấy cuống hoa và những chiếc lá rơi vãi trên bàn rồi mang chúng đem vứt ra vườn.

Tuệ Dung chạy vào bếp soi mình trong lu nước, quả thật trông nàng vô cùng xinh đẹp khi đội trên đầu chiếc vòng tết hoa này. Khẽ mỉm cười một mình, nàng thật muốn biết trong lòng chàng nghĩ gì về nàng? Trong trái tim chứa đầy hình bóng của cô gái áo hồng có một góc nhỏ nào dành cho nàng chăng?

Trưa hôm đó hai người trở về kinh thành. Tuệ Dung ngồi phía trước cỗ xe bên cạnh Cửu Dương, chàng thấy nàng không mặc áo choàng, nói:

- Gió thu lạnh lắm, nàng nên mặc thêm một lớp áo nữa, coi chừng bị cảm đấy.

Tuệ Dung nở một nụ cười thật tươi và gật đầu, ngay khi đó lòng nàng vô cùng ấm cúng, chẳng cần áo choàng, vì nàng cảm thấy có người quan tâm đến nàng rồi. Nữ nhân cô đơn chỉ cần vài lời lo lắng như chàng vừa nói cũng đủ cảm động họ hơn muôn ngàn lời tán tỉnh của bọn đàn ông không thành thật. Nàng thầm nghĩ, thứ hạnh phúc mà nàng không dám nghĩ tới từ lâu, bây giờ từ từ đã đến gần, những niềm hy vọng nàng đã giấu kín trong lòng giờ đây đã xuất hiện. Nó giống như một lò Hỏa Diệm sơn bất thình lình nổ ngay trước mặt.

Tuệ Dung vào trong xe khoác áo choàng rồi trở ra ngồi cạnh Cửu Dương, đưa mắt ngắm chàng đang tập trung đánh xe, lòng nàng vẫn còn dâng tràn một niềm rung cảm, vì trong cuộc đời của nàng đây là lần đầu tiên nàng quen biết một người đàn ông như chàng. Trước kia mỗi lần Uyển Thanh và Hà Tử Lăng nhắc tới đàn ông thì nàng nhếch môi xem thường họ, nàng ghét cay ghét đắng bọn đàn ông. Nàng cho rằng đàn ông nào cũng như nhau, người đàn ông nào cũng chỉ có dục vọng đối với đàn bà, không có người nào đáng tin cậy cả. Nàng từng cho đàn ông một thứ định nghĩa như vậy. Nhưng ngay khi chàng xuất hiện trước mặt nàng thì tự nàng lại phủ nhận lời định nghĩa đó ngay, và nàng tin rằng chàng không phải hạng đàn ông đó. Chàng là người có học thức, cử chỉ tao nhã, giọng nói thật truyền cảm, nói chung tài năng và diện mạo đều toàn vẹn, chàng đủ điều kiện làm người bạn, người yêu và người chồng lý tưởng của bất kỳ người con gái nào. Một con người hoàn hảo như vậy, mà trớ trêu thay đời lại quá long đong!

Tuệ Dung nhìn Cửu Dương một chút nàng khẽ ngâm nga:

- Xử thế nhược đại mộng

Hồ vi lao kỳ sinh

Sở dĩ chung nhật tuý

Đồi nhiên ngọa tiền doanh

Giác lai miên đình tiền

Nhất điểu hoa gian minh

Tá vấn thử hà nhật

Xuân phong ngữ lưu oanh

Cảm chi dục thán tức

Đối tửu hoàn tự khuynh

Hạo ca đãi minh nguyệt

Khúc tận dĩ vong tình

Tuệ Dung ngâm xong bài “Xuân nhật tuý khởi ngôn chí” nàng quay sang Cửu Dương nói:

- Trong những bài thơ của Lý Bạch cha nô tì hay ngâm nhất bài này.

Cửu Dương vừa đánh xe vừa mỉm cười.

Tuệ Dung nói:

- Trước khi đi, nô tì đứng trước bàn thờ và hứa với cha rằng sẽ sống thật tốt. Vì khi còn sống cha thường hay bảo nô tì rằng chúng ta làm người không nên sống mãi mãi với dĩ vãng! Có nhiều việc chúng ta có thể khống chế được cũng có rất nhiều việc chúng ta chịu bất lực trước nó. Chúng ta không làm sao có thể xoay chuyển được thiên mệnh, có phải không? Dù sao đi nữa, nhân loại chúng ta quá bé nhỏ quá yếu ớt, không làm sao đương đầu được với những định mệnh đã sắp đặt sẵn mà chúng ta không trông thấy. Chúng ta khổ hiện tại vì có lẽ nhân đã gieo kiếp trước. Người làm khổ mình là người mà kiếp xưa bị mình hại, bây giờ gặp lại, họ đòi nợ mình. Cho nên chúng ta cứ sống cho tốt, đừng tự làm khổ mình và hãy quên đi. Trong đời chúng ta, chúng ta còn phải quên đi rất nhiều, rất nhiều việc cơ mà!

Tuệ Dung nói xong cởi chiếc vòng hoa trên đầu xuống mân mê trong tay. Cửu Dương ngồi bên cạnh Tuệ Dung tiếp tục trầm ngâm đánh xe. Chàng nghĩ tới tối qua chàng nhận tin Tị Thử sơn trang hãy còn trong tình trạng đo đạc đất đai, hãy còn rất lâu mới có thể xây xong, như vậy phải còn rất lâu nữa con đường hầm bên dưới sơn trang mới thật sự hoàn chỉnh. Chàng mong ngày đó mau tới. Cửu Dương tự nhiên nghĩ đến nếu như ngày đó đến, nếu như trong trận đánh đó chàng không may sẽ phải chết đi, nữ thần y có đau lòng không nhỉ? Đúng rồi, có chết, chắc nàng ấy chẳng hề đau lòng, chẳng hề rơi nước mắt vì chàng đâu. Chàng chợt mỉm cười, tự chế giễu bản thân mình, trên vai gánh trách nhiệm này, có đáng không?

Cổng thành hiện ra trong tầm mắt chàng, thế là, Cửu Dương nhủ bụng chàng lại trở về với thân phận là một tay sai đắc lực của tam mệnh đại thần, tiếp tục làm một A-tu-la trong mắt người con gái chàng yêu. Hằng ngày, tin tức của Tị Thử sơn trang chàng đều được người bí mật mang đến. Niềm hy vọng thắp lên theo rặng Kim sơn và nỗi thất vọng não nề kéo đến khi hoàng hôn rụng sầu trên đỉnh núi, cứ thế từ ngày này sang tháng nọ triền miên.

(còn tiếp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.