Ngược Về Thời Minh

Chương 221: Q.5 - Chương 221: Tâm ý tương thông




- Đây là con đường phồn hoa nhất bản huyện. Ngài xem, toà tháp gỗ trên con hẻm này được xây từ thời mạt Tống, vẫn sững sững cho đến nay. Còn cửa hàng thủ công bên này là cửa hàng tốt nhất bản huyện, phần lớn quần áo chăn mền trong phủ bản quan đều nhờ bọn họ thực hiện. Còn cửa hàng mứt kẹo đó... À, hôm nay chưa mở cửa!

Cửa hàng đó đương nhiên không mở cửa. Lý do ư? Vì lo cho an toàn của Chính Đức, Dương Lăng đã cho kiểm tra kỹ lưỡng con đường này một lượt, đến tận ngôi chùa Thiên Phật đằng trước. Toàn bộ người trên đường đều là người trong xưởng vệ cải trang, nên đương nhiên không còn lo lắng việc hoàng đế cải trang thường dân đi lại trên đường. Về phần những cửa hiệu nhỏ hai bên đường có thời gian khai trương ít hơn bốn năm và không có vợ con già trẻ trong nhà, tất cả đều được nhận tiền bồi thường để ngừng buôn bán mà trở về nhà. Ông chủ cửa hàng mứt kẹo đó là người vùng khác mới đến nơi này chưa được hai năm, cho nên đã sớm bị đẩy đi.

Hoa đại nhân tiếp tục giới thiệu một cách hào hứng, như thể không phải lão đang kể về một huyện thành nho nhỏ mà là thắng cảnh ở kinh sư, cả người như trở nên nhẹ tênh, bước đi thoăn thoắt. Có điều âm thanh lớn một cách thái quá, chủ yếu là lão nói để Chính Đức đang đi phía sau có thể nghe.

Dương Lăng, Trương Vĩnh, Miêu Quỳ và Hoa đại nhân đi ở phía trước, phía sau là Đường Nhất Tiên và Thôi Oanh Nhi, còn Chính Đức và mấy thị vệ cận thân thì đi sau rốt. Hồng Nương Tử tưởng Dương Lăng thật sự đưa biểu muội y dạo phố, không hề biết được gã hiệu úy trẻ tuổi mình từng gặp mặt trong phủ Đại vương đang đi đằng sau chính là đương kim hoàng thượng. Có điều nàng đã thay đổi dung mạo, cho nên Chính Đức cũng không nhận ra nàng.

Đường Nhất Tiên dáng người nhỏ nhắn yêu kiều, da dẻ trắng ngần như tuyết, chẳng qua là mới vừa qua cơn bạo bệnh nên vẫn còn mang chút vẻ mệt mỏi, tinh thần vẫn chưa bình phục, bên tai đeo hai viên trân châu bóng tròn, khiến nàng trông xinh đẹp và đáng yêu vô ngần. Thời tiết đã chuyển ấm, đã có hơi hướng của mùa xuân, song nàng vẫn mặc áo dài nhung vải mịn, bên ngoài khoác thêm áo chẽn màu lam kẻ trắng, trông rất tươi tắn và thoải mái.

Thôi Oanh Nhi chân dài eo nhỏ, vóc người cao thon, vận bộ võ phục trắng tươm, đai lưng đen nhánh, bên ngoài khoác áo choàng màu đỏ thẫm, dáng vẻ muôn phần thướt tha; mái tóc đen mượt vấn cao theo kiểu bàn long(1), trông vừa quả cảm vừa xinh đẹp, hoàn toàn không cần dùng đến trang sức, linh lợi hết sức. Đường Nhất Tiên tính tình cởi mở, vốn thích cái đẹp, Thôi Oanh Nhi lại là ân nhân cứu mạng của nàng, cho nên nàng đối xử với nàng ta rất là thân thiết. Hai người tay nắm tay kéo, dọc đường vừa đi vừa chụm đầu thì thầm nói chuyện.

Nhân lúc Trương Vĩnh và Hoa đại nhân đang trò chuyện, Dương Lăng hơi lách sang một bên, Liễu Bưu liền âm thầm sáp lại. Dương Lăng vốn để hắn ở lại trong phủ đợi tin trong kinh, giờ thấy hắn lộ diện, liền biết là có tin báo.

Liễu Bưu khẽ giọng báo:

- Đại nhân, trong kinh truyền tin của Thành nhị đáng đầu tới. Kim Lăng thuận buồm xuôi gió, việc đại nhân gởi gắm xin cũng cứ yên tâm. Nay đại sự đều đã sẵn sàng, đội thuyền giương buồm chờ phất, chỉ chờ đại nhân hạ lệnh mà thôi.

Dương Lăng nghe xong liền thấy nhẹ lòng, không khỏi cười nhẹ. Trong chuỗi những việc này, duy chỉ có sự tình ở chỗ Đại Lâu Nhi là liên quan đến Nhật Bản ở biển Đông, chỉ cần trong đó có chút sơ xuất là toàn bộ công việc sẽ khó mà tiến hành. Nay Đại Lâu Nhi truyền đến tin đã ổn thỏa, vậy từng bước trong kế hoạch mới có thể tuần tự được triển khai.

Ngoài ra, với tính tình của nha đầu Liên Nhi, Dương Lăng thật sự không biết nàng ta có làm chuyện gì kinh người hay không. Nếu cần, thậm chí nàng ta có thể dám phất cờ gióng trống: "Nghìn dặm vào kinh tìm chồng". Nếu Đại Lâu Nhi đã vỗ về được nàng, vậy mình sẽ có thể hồi kinh rồi mới nghĩ phương cách đón nàng vào kinh. Dẫu gì thì cũng không thể cứ để nàng ôm bụng bầu mà ở lại Kim Lăng.

Dương Lăng mỉm cười gật đầu, rồi hỏi:

- Còn tin gì khác không?

Liễu Bưu đáp:

- Hễ là quan lớn trong triều có gia thế là phú gia vọng tộc miền duyên hải đều đã được chúng ti chức điều tra qua. Cẩm Y Vệ cũng rất là phối hợp, vận dụng toàn bộ lực lượng hiệp trợ điều tra. Chúng ti chức tra rõ và nắm thóp được tổng cộng bảy mươi bốn quan viên trong kinh lẫn địa phương, trong đó số người có uy tín trong triều là hai mươi chín người. Với chứng cứ trong tay chúng ta, không sợ bọn họ sẽ không dốc hết sức phối hợp.

Nghe nói vậy, Dương Lăng chợt nhớ tới chuyện đối chọi gay gắt giữa Lưu Cẩn và Mâu Bân trước khi y rời kinh, bèn vội hỏi:

- Phải rồi, hiện tại chuyện đấu đá giữa Cẩm Y Vệ và Ti Lễ Giám đã có kết quả chưa? Mâu Bân có chịu cúi đầu với Lưu Cẩn chưa?

Liễu Bưu thoáng do dự rồi đáp:

- Vốn ý của Ngô đại đáng đầu là muốn đợi đại nhân về rồi mới bẩm báo. Song nếu đại nhân đã hỏi tới, vậy ti chức không dám giấu giếm. Hiện tại Cẩm Y Vệ vẫn rất ương ngạnh, Thiệu Tiết Vũ đã bị Lưu Cẩn tìm cớ tống vào trong thiên lao.

Mâu Bân sợ lão ta sẽ ám hại Thiệu Tiết Vũ, cho nên chạy về tọa trấn kinh sư, niêm phong khẩu cung của đám người Đới Tiễn, nhất quyết không chịu xóa sửa. Lúc thết tiệc khoản đãi quan viên Cẩm Y Vệ ngũ phẩm trở lên thuộc các bộ phận ở Thiên Tân, Nam Trấn Phủ, Bắc Trấn Phủ và Đại Nội, hắn từng nói rõ trước mặt mọi người rằng, cho dù Lưu Cẩn có bãi quan hắn, chém đầu hắn, thì hắn cũng quyết không phục tùng. Lời đó đã kích động lòng thù địch chung của toàn thể Cẩm Y Vệ, thế nên hiện tại gần vạn Cẩm Y Vệ khắp thiên hạ cực kỳ căm hận Ti Lễ Giám. Hễ là mệnh lệnh ban hành từ người của Ti Lễ Giám, người của Cẩm Y Vệ đều đồng loạt ngăn chặn, tẩy chay. Vì vậy Lưu công công căm tức vô cùng, đang hạ lệnh cho Đông Xưởng tìm kiếm nhược điểm của Mâu Bân để bắt hắn tra xét.

Đối chọi kịch liệt đến như vậy à? Thảo nào Ngô Kiệt có điều lo lắng, không muốn bẩm báo cho y vào lúc này. Dương Lăng thoáng ngẩn ngơ, không ngờ Mâu Bân lại là người chính trực như vậy. Mặc dù hắn đấu đá là vì khí phách cá nhân, không can hệ gì đến lợi ích quốc gia và dân tộc, nhưng có thể không sợ cường quyền như vậy, coi nhẹ tiền đồ và tính mạng của mình, quả thực là kẻ đáng kết giao.

Sau thoáng nghĩ ngợi, y thầm ghi nhớ chuyện này. Hiện tại có quá nhiều chuyện y phải làm, nếu nội bộ Ti Lễ Giám và Cẩm Y Vệ bắt đầu bị hao tổn, thì chẳng những bản thân mình sẽ không có nhân thủ đắc lực giúp đỡ, mà rất dễ sẽ bị ngoại thần rình rập phản công, tìm ra sơ hở. Ba xưởng một vệ cùng chung nhịp thở, rất nhiều thứ đều có dây mơ rễ má với nhau. Nếu như bị kẻ chủ tâm dùng chiêu ly gián nhằm giảm hiệu quả công tác của nội đình, phá hoại uy tín lẫn danh vọng nhằm giới hạn, thậm chí tiêu diệt tất cả thế lực nội đình, thì mọi tinh lực của mình đều sẽ bị dồn hết vào việc gấu ó nội bộ này mất.

Y chắp tay ra sau lưng, đăm chiêu suy nghĩ một chốc rồi mới chậm rãi nói:

- Ngươi hãy quay về, lập tức chuẩn bị thu thập hành trang, sáng sớm ngày mai...

Vừa nói đến đây, chợt y nghe có tiếng Đường Nhất Tiên gọi:

- Biểu ca!

- Hử? - Dương Lăng vội quay đầu lại hỏi - Chuyện gì vậy?

Đường Nhất Tiên nhướng mày, nói với Thôi Oanh Nhi bằng giọng hờn dỗi:

- Tỷ tỷ thấy không? Muội đã nói rồi, biểu ca từ sớm đến tối cứ bận bịu việc công. Lúc ở Đại Đồng cũng vậy, cả ngày cứ chạy ra chạy vô, cơm nước cũng chẳng thèm đoái hoài, hôm nay đi dạo đáng lẽ không nên làm chuyện gì hết chứ? Đấy, vậy mà vẫn không yên. Muội gọi đến lần thứ ba mới phản ứng.

Hồng Nương Tử hơi nhếch miệng, nhủ thầm: "Cả ngày bận bịu công việc? Bận chạy tới 'Diễm Lai Lâu' uống rượu có kỹ nữ nâng giấc thì có!"

Dương Lăng lướt nhìn nàng, rồi quay sang quở trách Đường Nhất Tiên:

- Cái con bé này! Cả ngày nếu không phải nói về hoa lá chim chóc thì là đàn tranh tiêu sáo, toàn là những chuyện biểu ca của muội nghe như vịt nghe sấm, không hiểu gì cả mà. Ha ha! Gọi huynh có chuyện gì không?

Đường Nhất Tiên đổi dỗi thành mừng, chỉ vào ngôi chùa Thiên Phật nho nhỏ phía trước vòi vĩnh:

- Biểu ca, ngôi chùa đó tuy nhỏ nhưng nhìn khá cổ. Muội muốn đến đó vái Phật, huynh không cần đi theo đâu.

Dương Lăng mỉm cười bảo:

- Vậy muội đi trước đi! Đừng có đi lung tung đó! Ta còn có mấy câu muốn nói cùng đại nhân, chốc nữa sẽ tới sau.

- Được! - Đường Nhất Tiên sảng khoái đồng ý, rồi quay đầu gọi Chính Đức - Tiểu Hoàng, chúng ta đi thôi! Không phải ngươi tự khoe khoang Phật học của mình lợi hại lắm hay sao! Chúng ta tìm một lão hòa thượng nào đó đấu về kinh kệ đi! Tỷ tỷ, tỷ có muốn đi hay không?

Sau thoáng do dự, Hồng Nương tử cười cười đáp:

- Tỷ tỷ không tin Phật, ta sẽ chờ muội ở bên ngoài.

Nhà Phật dạy người ta về nhân quả báo ứng, còn nàng thì sống bằng nghề giết người, chịu tin vào Phật đạo mới là lạ! Đương nhiên Đường Nhất Tiên không biết nội tình, vừa cười hì hì vừa gọi Chính Đức đi về phía ngôi chùa. Bọn họ đi rồi, đám người Trương Vĩnh, Miêu Quỳ và Hoa đại nhân sao dám không đuổi theo, thế là liền gọi bốn năm thị vệ phía sau cùng đi theo vào.

Dương Lăng vội căn dặn Liễu Bưu:

- Sáng sớm ngày mai chúng ta sẽ nhổ trại hồi kinh, ngươi hãy mau về chuẩn bị.

Quay người lại, y thấy Hồng Nương Tử đang liếc mắt sang nhìn mình, hỏi với vẻ mặt kỳ quái:

- Lúc ngươi ở Đại Đồng thì tiền hô hậu ủng, sao giờ ngay cả tay họ Ngũ nọ cũng theo vào chùa rồi? Ngươi không sợ sẽ có người hành thích ngươi à?

Dương Lăng không tiết lộ chuyện tất cả người đi đường, thậm chí một ít người đang dọn gánh bán hàng cũng đều là đại nội thị vệ cải trang, chỉ cười ha hả đáp:

- Vậy cũng không hẳn! Chẳng qua trong số những người này thì võ công cô là lợi hại nhất, có cô ở đây, ông trời cũng không đụng tới được cộng lông măng của tôi, nên bọn họ dĩ nhiên là yên tâm rồi.

Thôi Oanh Nhi hừm một tiếng, vừa nghĩ lại, tim chợt đánh thịch: "Y... Người của y chẳng lẽ đang tạo cơ hội cho hai chúng ta ở riêng một chỗ?"

Trông thấy vẻ mặt Dương Lăng chợt trở nên nghiêm túc, bước một bước tới gần nàng, Thôi Oanh Nhi không khỏi hoảng hốt lui lại một bước. Vừa phát giác mặt mình hơi đỏ lên, chợt nghĩ đến danh phận của mình, khuôn mặt xinh xắn của nàng không khỏi trắng bệnh, nàng mím môi đứng yên.

Thấy Hồng Nương Tử vốn từng đứng trước mặt đại quân của Kinh doanh lại điềm tĩnh như không, vẻ mặt ngạo nghễ nay lại như người thiếu nữ bất lực sợ sệt, Dương Lăng không hiểu vì sao lại thấy lòng như thắt lại, sinh ra cảm giác thương tiếc lạ kỳ. Y nhẹ nhàng bước tới trước mặt nàng, thấp giọng nói:

- Sáng sớm ngày mai, chúng tôi sẽ phải lên đường hồi kinh rồi.

Hồng Nương Tử cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng, tiếp đó lại cảm thấy trống vắng, giọng thẫn thờ:

- Chúc mừng...

- Hử? Chúc mừng?

Dương Lăng lấy làm kinh ngạc.

Thôi Oanh Nhi liền đỏ mặt, ngượng ngập giải thích:

- Không phải, đi đường cẩn thận..., - rồi nàng chợt giậm chân, thẹn quá hoá giận - Ngươi nói với ta những chuyện này làm cái gì? Nếu không phải cứ ở bên cạnh Nhất Tiên cô nương chữa bệnh, thì lúc thương thế của Hắc Diêu Tử khá lên ta đã đi rồi.

Dương Lăng lặng lẽ nhìn nàng, rồi chợt nói:

- Những gì cô và Hắc Diêu Tử nói với nhau hôm ấy, ở ngoài tôi đã nghe được.

Thôi Oanh Nhi vụt biến sắc. Việc làm của Dương Hổ khiến cho cả người lẫn thần đều phẫn nộ, nhưng nàng là thê tử của hắn, hành vi đáng ghê tởm của y như vậy lại bị người trong triều đình mà bọn họ xưa nay luôn khinh bỉ chửi rủa biết được, sự nhục nhã đó giống như con rắn độc đang cắn xé tim nàng.

Dương Lăng thở dài nói tiếp:

- Tôi... có một lời muốn nói. Nếu như lệnh tôn đại nhân bằng lòng tiếp nhận việc triều đình chiêu an, thì cô có thể vào kinh tìm tôi, tôi nhất định sẽ bảo đảm sự an toàn cho cả nhà cô. Dương Hổ tạo phản, nhất định sẽ thất bại, đừng để liên lụy đến tính mạng của chín tộc họ nhà mình!

Thôi Oanh Nhi ngẩng phắt đầu nhìn y. Dương Lăng lắc đầu với vẻ tự tin, khẳng định:

- Tôi không gạt cô đâu! Hắn… tuyệt đối sẽ không thể nào thành công! Giết được tôi, hắn cũng không thể làm nên việc lớn! Giết được đương kim hoàng đế, hắn vẫn sẽ không thể nào làm nên việc lớn! Bản lĩnh của Dương Hổ chỉ có thể làm yên hùng một cõi, vĩnh viễn không thể nào gầy dựng nên được bá nghiệp đế vương, không thể trở thành yên hùng lẫy lừng!

Trông thấy sắc mặt Thôi Oanh Nhi tái nhợt, trong nhất thời nàng không chịu nổi sự chê mắng thẳng thắn như vậy, y bèn không nỡ nói thêm. Nhìn thấy một lão tú tài nghèo ngồi dựa vào chiếc bàn dài ven đường, trên bàn đặt vài quyển sách, y cười nói:

- Không biết bên đó đoán mệnh, giải chữ hay bán thư họa nữa. Nhất Tiên chắc cũng sắp ra rồi, chúng ta qua bên đó ngồi nghỉ chân một chút chờ bọn họ ra vậy.

Thôi Oanh Nhi cũng không có ý tưởng gì khác nên theo y đi đến bên thư án. Hôm nay đám phiên tử đã dọn dẹp con đường này cả ngày, lúc này khách đi đường lại toàn những khuôn mặt lạ lẫm, lão tú tài nghèo sớm đã thấy tình hình có vẻ khác thường. Cộng thêm lời đồn đại đang lưu truyền trên phố rằng Hoàng đế đang ở trong huyện Dương Nguyên đã được chứng thực, lão ta không khỏi phỏng đoán đám người vừa nãy vào chùa không chừng đều là khâm sai, thậm chí ngay cả đương kim hoàng đế cũng ở trong đó.

Vậy hai vị trước mặt này ắt cũng là quan lớn triều đình đây. Thế là lão vội vã ân cần đứng dậy xởi lởi:

- Không biết có phải vị công tử đây muốn mua một bộ “quyền họa” hay không?

- Quyền họa? Thế nào là quyền họa? - Dương Lăng hỏi.

Lão tú tài nghèo gượng cười dè dặt. Mặc dù nghèo kiết, song nhắc đến sở trường của mình, lão cũng có một phần kiêu ngạo. Lão tú tài trỏ vào tờ giấy Tuyên Thành trải trên bàn, nắm chặt hai nắm tay lại, giải thích:

- Lão phu không cần chấp bút, chỉ dùng hai tay, liền có thể vẽ ra núi, sông, người, vật. Bảo đảm sống động như thật. Công tử có muốn thử qua không?

Dương Lăng cười bảo:

- Được! Vậy mời tiên sinh vẽ một bức tranh, tại hạ xin rửa mắt nhìn.

- Mời công tử ra đề, vẽ bức tranh gì ạ?

Lão tú tài nghèo không ngờ hôm nay lại được thần tài gõ cửa. Người mua lại là quan lớn triều đình, nếu lão vẽ đẹp đương nhiên tiền thưởng sẽ không ít.

Dương Lăng đưa mắt nhìn quanh không tìm thấy thứ gì vừa mắt, chợt y nảy ra một ý, bèn nói:

- Vậy xin ông vẽ cho vị cô nương đây một bức. Nếu vẽ giống, bản... bản thân tôi sẽ thưởng cho.

- Á?!

Thôi Oanh Nhi khẽ kêu lên, có phần bất ngờ lại có phần vui sướng. Từ nhỏ nàng chỉ biết đến đao thương côn bổng, quả thực chưa từng được vẽ một bức chân dung nào, cho nên tuy trong lòng có ý muốn cự tuyệt nhưng lại nôn nao muốn thử.

Lão tú tài gật đầu, vuốt râu ngưng thần ngắm nghía Hồng Nương Tử một lúc. Đoạn lão vén áo, mở một cái vò, hai tay nắm lại nhúng vào mực, bàn tay thoắt xoè thoắt chum, mực bắt đầu quệt lên trên tờ giấy trắng.

Thôi Oanh Nhi bất giác trở nên hồi hộp. Nàng muốn làm ra vẻ xem thường song lại sợ lão tú tài nghèo đó sẽ vẽ mình thành ra khó coi, ánh mắt nhất thời trở nên mơ màng ngẩn ngơ. Kiểu vẽ của lão tú tài này tương tự như kiểu phác họa thời nay, chỉ chú trọng vào tính chân thật mà không quan tâm đến ý cảnh gì, nhưng lão già chỉ dựa vào hai nắm tay, không cần bản nháp mà vẽ luôn, bản lĩnh quả không tầm thường.

Chỉ một lát sau, một bức tranh thiếu nữ sống động như thật đã xuất hiện trên giấy. Hồng Nương Tử sáp lại gần nhìn. Người trong tranh mặt mũi như thật, dung mạo dịu dàng xinh đẹp, giống hệt hình ảnh mình thấy trong gương hàng ngày. Thấy vậy Hồng Nương Tử không khỏi vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, nàng với tay định cầm lấy, song ngón tay vừa chạm vào bức tranh liền vội rút về.

Dương Lăng cũng nghiêng đầu ngắm nghía, vừa thoạt nhìn liền tỏ vẻ kinh ngạc. Lão già mới vừa đắc ý mỉm cười, chợt Dương Lăng lắc đầu bảo:

- Không giống, không giống! Bức tranh này không giống.

Lão tú tài nghèo liền đỏ mặt, lúng túng:

- Công tử! Chỗ nào không giống vẫn mong công tử chỉ điểm cho, lão phu sẽ sửa ngay lập tức.

Dương Lăng đáp:

- Người trong tranh của lão tiên sinh có thân thể như liễu yếu, lưng thon như thắt lụa, mày đậm như bút vẽ, không chỗ nào là không giống, song vẻ mặt và khí chất lại dịu dàng thùy mị, điềm đạm đáng yêu, tuyệt không giống với vị cô nương này.

Vị cô nương này có khí thế hào sảng lấn át vẻ xinh tươi, hiên ngang hào hùng mà không che giấu sự hiền dịu. Dung nhan tuy đẹp, song người đẹp trên đời có nhiều; còn vẻ ngạo nghễ liếc nhìn thiên hạ đó của nàng, trên đời không ai có thể sánh được. Thiếu cái khí thế này, bức tranh của ông đã kém đi nhiều.

Hồng Nương Tử nhất thời nghe mà ngẩn ngơ. Tuy nàng không hiểu hết tất cả ý nghĩa từ ngữ trong những lời khen ngợi này, nhưng vẫn nghe hiểu được rằng Dương Lăng hết sức ca tụng nàng, nhất là câu "trên đời không ai có thể sánh được", nàng nghe rõ mồn một. Mình thật sự xuất chúng như vậy ư? Ánh mắt nàng bỗng trở nên mơ màng.

Lão tú tài nhìn sang Thôi Oanh Nhi, thấy ngũ quan tinh xảo, chỗ nào cũng mê người, mặc dù thân vận võ phục, song trên mặt lại đượm vẻ u sầu, nếu nói dịu dàng đáng yêu dĩ nhiên không sai, nào có hào khí ngút trời gì? Nhưng mà có tiền mua tiên cũng được, kẻ đọc sách dẫu có thanh cao thì vẫn cần tiền mua cơm lấp bụng, đúng không?

Thế là lão liền đáp:

- Là lão phu sơ xuất rồi, xin đợi lão phu vẽ một bức khác vậy.

Nói đoạn lão bèn tập trung tinh thần , vẩy mực múa quyền, mím môi mím miệng vẽ lại. Không lâu sau một bức tranh mỹ nữ khác lại ra lò. Thôi Oanh Nhi ghé mắt nhìn, tức thì ngơ ngẩn.

Vẫn dáng vẻ ấy, ngũ quan không thay đổi gì, song người trong tranh áo choàng phất phới, tóc xoã tung bay, trên khuôn mặt diễm lệ phủ thêm phần khí khái bừng bừng. Khí thế đó khiến người ta vừa nhìn thì cả hình tượng người con gái liền đập vào trong mắt, khắc vào trong tim. Cùng một hình tượng, không ngờ thần sắc khác nhau lại tạo nên khác biệt một trời một vực như vậy.

Dương Lăng cầm lên coi, mỉm cười thỏa mãn, chúm môi thổi những chỗ chưa ráo mực. Thế nhưng kẻ thổi vô tâm, người xem hữu ý. Chỗ mà y chúm môi thổi chính là bộ ngực vun cao của người trong tranh. Tim Hồng Nương Tử liền đánh thịch, chợt cảm thấy ngực cũng nhồn nhột, liền vội giật lấy bức tranh.

Dương Lăng ngạc nhiên, vội bảo:

- Đừng làm dơ đó! Vết mực vẫn chưa khô đâu.

Thôi Oanh Nhi nhoẻn miệng cười, sẳng giọng đắc ý:

- Vẽ là vẽ ta, liên quan gì đến ngươi?

Từ dạo được trông thấy nụ cười hớp hồn khi bị nàng bắt cóc ở kinh sư đêm đó, Dương Lăng vẫn chưa từng thấy nàng biểu lộ vẻ đẹp như vậy. Tuy nàng rất đẹp, nhưng đậm khí phách anh hùng, bình thường rất ít khi để lộ vẻ thiếu nữ thẹn thùng, do đó thi thoảng mỉm cười, thực như mây che kéo đi, ánh trăng thoạt hiện, hoa đà lay bóng, hết sức mê người. Dương Lăng không khỏi nhìn đến ngẩn ngơ.

Trông thấy vẻ mặt của y, Thôi Oanh Nhi bỗng tắt nụ cười, sắc mặt dần dần nghiêm lại. Một lúc sau nàng mới cụp mắt nhẹ nhàng đưa trả bức tranh, nghiêm mặt nói:

- Ngày mai từ biệt, nếu có ngày tương phùng sợ rằng sẽ là lúc hai ta gặp lại dưới binh đao. Ta không muốn nhận đồ của ngươi, khi đó ta mới thoải mái chém đầu ngươi được.

Thầy đồ già nghe hai người đối đáp mà tròng mắt suýt rớt ra ngoài, nhìn ngắm một hồi lâu cũng không hiểu được hai người này quan hệ với nhau như thế nào. Dương Lăng lấy từ trong người ra một thỏi bạc đặt lên bàn, cuộn hai bức tranh lại rồi bảo:

- Chốc nữa tôi sẽ kêu người bồi lưng rồi đưa cho cô, cứ coi như là trừ vào tiền chẩn bệnh vậy. Cô không nợ gì tôi cả.

Thôi Oanh Nhi hừ một tiếng xoay người bỏ đi, Dương Lăng đuổi theo bước song song. Trầm ngâm một chút, y chợt nói:

- Cô không nợ tôi, là tôi nợ cô. Nếu có tương phùng, cô cứ việc đến chém tôi, Dương mỗ quyết sẽ không động đao với cô.

Thôi Oanh Nhi nhìn y đầy hoài nghi, hỏi lại:

- Hử? Ngươi thật sự cam lòng chết dưới kiếm của ta sao?

Dương Lăng suy nghĩ một chốc rồi nghiêm trang đáp:

- Vậy thì không được! Tôi chỉ nói sẽ không cầm đao chém cô, chứ không nói là sẵn lòng chết dưới kiếm của cô. Tôi vẫn có thể sử dụng vũ khí không gây thương tổn, ví dụ như... lưới bắt cá!

Thôi Oanh Nhi nghe vậy thì giận lắm, bèn rảo cẳng bước nhanh. Dương Lăng vừa đuổi theo vừa cười khổ nói:

- Tôi nói đùa để chọc cho cô vui mà thôi. Đời người thoáng chốc trăm năm, nếu cứ nghĩ đến chuyện buồn phiền thì cuộc đời uổng phí biết bao?

Thôi Oanh Nhi không nói gì, tay ngọc níu chặt lấy áo choàng, lòng rung động không thôi. Dương Lăng muốn nói lại thôi, nhụt chí dừng bước: người con gái trước mắt, cho dù ta nợ nàng nhiều cỡ nào thì biết đền bù như thế nào đây? Thế là y chỉ biết thở dài.

Ngay vào lúc này, Đường Nhất Tiên véo tai Chính Đức bước ra khỏi chùa, hờn giọng mắng mỏ:

- Cái tên tiểu tử nhà ngươi, hèn chi mà lén lén lút lút. Ngươi giỏi lắm, tại sao ngươi muốn viết Tiểu Hoàng và Nhất Tiên lên cái phướn cầu nguyện của ngươi hả? Ta và ngươi có quan hệ gì?

Chính Đức khổ sở đáp:

- Xin cô nương hãy buông tay! Đau quá, đau quá! Tại hạ viết đâu phải là tên cô, tại hạ viết chính là viết Tiểu Hoàng Nhất Tiên. Tại hạ biết đoán mệnh mà, người khác đều gọi là Hoàng Nhất Tiên, có đúng không Ngũ đại nhân?

Đường Nhất Tiên xì mũi coi thường, hờn mắng:

- Hoàng Nhất Tiên!? Ngươi mà là Hoàng Nhất Tiên! Hoàng thử lang (con chồn - ND) thì có.

Hoa đại nhân, Trương Vĩnh và Miêu Quỳ đi theo sau đều vác bộ mặt khó xử. Cả bọn gặp Dương Lăng thì nhận thấy Dương Lăng cũng đang mặt như mướp đắng. Bốn người bọn họ đưa mắt nhìn nhau, trong lòng đều có chuyện suy tư, thế là lại lắc đầu thở dài.

Trông thấy biểu ca, Đường Nhất Tiên liền vội bỏ tay ra, le lưỡi mắc cỡ. Song nghĩ lại thấy không cam tâm, nàng bèn thừa lúc Chính Đức không để ý lại giẫm chân hắn một cái, rồi mới tươi cười chạy ào về phía Thôi Oanh Nhi.

*****

Đội nghi trượng của Hoàng đế sắp hồi kinh. Phác huyện lệnh và một đám thân sĩ trong huyện lị đã chạy đến trước phủ, đứng cạnh Hoa đại nhân cung kính đưa tiễn Hoàng thượng.

Đội nghi trượng của Hoàng đế từ từ khởi hành. Đại đội nghi trượng đã đi qua, song trước cổng phủ vẫn còn một chiếc xe ngựa đang đậu, Ngũ Hán Siêu dẫn mười mấy tên thị vệ đợi ở đằng xa. Dương Lăng dắt ngựa đứng trước xe đối diện với Thôi Oanh Nhi, hai người nhìn nhau không nói gì.

Một lúc lâu sau, Dương Lăng mới xoay người lấy từ trên yên ngựa một bao vuông, vừa để lên càng xe vừa nói:

- Trong này gồm một nửa là vàng ròng, một nửa là bạc nén, chính là tiền chẩn bệnh của cô nương.

Y lại rút từ trong ống tay áo hai cuộn tranh, nói tiếp:

- Hai bức tranh này đã được bồi lưng. Người con gái trong tranh tuy có cùng dung mạo, song hoàn toàn là hai người, vẫn mong cô nương có thể tìm được cảm ngộ từ trong đó mà giữ được khí khái hiên ngang, phong thái như cũ. Lời ngày hôm qua, xin cô nương ghi nhớ: Dương Hổ quyết sẽ không thể làm nên việc lớn. Nếu như trại Thôi gia có ảnh hưởng to lớn đối với lục lâm phương bắc như vậy, bản quan vẫn mong cô nương có thể lợi dụng phần ảnh hưởng này mà khuyên hắn ghìm cương trước vực!

Thôi Oanh Nhi tự biết cha mình tuổi tác đã cao, tính tình cực kỳ cố chấp, chỉ sợ lòng hăng hái của ông ấy không kém gì Dương Hổ, muốn khuyên nhủ ông ấy quay đầu nào có dễ gì. Nhưng nàng có nỗi khổ tâm khó nói, chỉ đành khẽ thở dài đáp:

- Ta sẽ cố hết sức...

Hàng mi cong khẽ run lên, trong mắt như có ánh sáng phản chiếu. Thầm quan sát Dương Lăng một thoáng, nàng mới nhẹ giọng nói tiếp:

- Ngươi là vị quan tốt, chúc ngươi hoàn thành đại sự, dân chúng ai cũng đầy đủ sung túc. Đến khi đó... đến khi đó sẽ không còn những kẻ muốn tạo phản giống như chúng ta nữa...

Ngữ khí nàng nhẹ nhàng, đượm chút phiền muộn.

Dương Lăng quay đầu lại nhìn đội xe đã đi xa, thấp giọng:

- Cầm lấy tranh đi, tôi phải lên đường rồi.

Thôi Oanh Nhi từ từ cụp mắt, đưa tay cầm lấy bức tranh, ngón tay hai người thoáng chạm vào nhau. Trong chớp mắt, như có tia chớp toé lên, hai người trong khoảnh khắc ngắn ngủi như chạm được vào nỗi cay đắng trong lòng đối phương.

Thôi Oanh Nhi quay đầu đi, thấp giọng:

- Lần này từ biệt, chỉ mong... từ nay không gặp lại!

Nàng không mong gặp lại, tất nhiên là không mong gặp lại Dương Lăng trên chiến trường.

Như thể tâm ý tương thông, Dương Lăng không hề ngoảnh đầu, xoay người lên ngựa, roi ngựa vụt xuống, cũng vội vã tiếp lời:

- Chỉ mong từ biệt hôm nay, về sau không hẹn ngày gặp lại!

Vó ngựa dồn dập, mười mấy tay thị vệ thúc ngựa vung roi, bám theo Dương Lăng. Thôi Oanh Nhi dõi mắt theo một lúc, bỗng nhiên nhướng mày, mấy phần hào khí đã lâu không thấy chợt lại trở về: "Bất luận thế nào, mình cũng phải về trại thử một lần. Không thể để cha trúng phải gian kế của Dương Hổ!"

Xe ngựa cũng rời khỏi Hoa phủ, chạy về nơi xa xăm...


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.