Ngược Về Thời Minh

Chương 225: Q.6 - Chương 225: Hoàng hậu ghen ghét




Tuy công chúa Vĩnh Thuần còn non trẻ nhưng cũng biết rằng với danh phận của mình, nàng rất khó có thể được rời cung. Cho dù là dịp đại lễ xuân canh hoặc dịp đạp thanh (du xuân giữa tiết Thanh minh) trong lâm viên hoàng gia, lúc nào cả hai cũng có một đoàn tiền hô hậu ủng rầm rộ, trên thì có Thái hoàng thái hậu, Thái hậu và Hoàng hậu, dưới thì có phi tần, quý phụ. Cô nàng công chúa bé tí phải chịu biết bao ước thúc thì nào còn hứng thú gì?

Nàng không ngờ mình chỉ thuận miệng nói bừa, Dương Lăng đã lập tức chấp nhận ngay. Thế là sau thoáng ngẩn người, nàng liền mừng rỡ khôn thôi, vội nói:

- Đại trượng phu nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy! Ngươi đường đường là Uy Vũ hầu Thượng tướng quân thì không được nói gạt đâu nhé!

Công chúa Vĩnh Phúc hơi thấy bất an, vội cản:

- Không được Thái hậu ân chuẩn và phủ Nội vụ đi theo thì sao công chúa có thể rời cung du ngoạn? Vĩnh Thuần chỉ thuận miệng nói chơi, Dương đại nhân chớ xem là thật.

Dương Lăng quay về phía nàng đáp:

- Bên trong cấm cung cũng có chốn bồng lai, nhưng ngoài cung lại là một thế giớ vi diệu khác, hai vị công chúa cùng bầu bạn Hoàng thượng ra ngoài dạo chơi thì cũng không tính là trái với lễ chế. Thần không dám làm xằng, thần sẽ tìm cơ hội dâng lời lên Hoàng thượng, xin Hoàng thượng hạ chỉ. Đa tạ trưởng công chúa điện hạ quan tâm.

Mặt ngọc thẹn thùng, công chúa Vĩnh Phúc khẽ phẩt tay áo lên che mặt:

- Nếu vậy xin đa tạ Dương đại nhân! Bản công chúa sẽ cùng Vĩnh Thuần vào điện trước, xin đại nhân đợi một chút hẵng vào.

Đoạn nàng gọi Vĩnh Thuần, hai chị em cùng nhẹ nhàng lướt vào cung Nhân Thọ như đôi bướm trắng xinh đẹp.

Bên trong cung Nhân Thọ, trên ba chiếc ghế phượng gỗ tử đàn đặt sau chiếc bàn trà làm bằng gỗ lim thiên nhiên, Thái hoàng thái hậu, Thái hậu và đương kim Hạ hoàng hậu đang ngồi theo thứ bậc trò chuyện với nhau. Trông thấy hai chị em công chúa Vĩnh Phúc bước vào, Thái hoàng thái hậu mỉm cười hiền hậu bảo:

- Hai đứa này! Sao lại mặc đồ như vậy mà chạy đến chỗ ai gia?

Công chúa Vĩnh Phúc dắt tay Vĩnh Thuần chỉnh trang làm lễ, rồi cười thưa:

- Ra mắt Thái hoàng thái hậu, Thái hậu và hoàng hậu nương nương! Vĩnh Phúc và hoàng muội đang đá cầu, nghe nói hoàng huynh đang phong thưởng quần thần trên triều, nhất thời hiếu kỳ bèn đến chỗ nội thị hỏi thăm tin tức, cho nên chưa kịp thay đổi y phục.

Trương thái hậu nghe vậy lấy làm tò mò, bèn hỏi:

- Hoàng huynh con đang phong thưởng quần thần à? Bởi cớ gì?

Công chúa Vĩnh Phúc thung dung đáp:

- Hoàng huynh cải trang tuần du Đại Đồng, đánh bại Bá Nhan Khả Hãn, lập được chiến công hiển hách, vì vậy việc đầu tiên người làm sau khi hồi kinh là phong thưởng cho những quần thần có công. Nghe nói đề đốc Dương Lăng của Nội xưởng độc chiếm công đầu, đã tấn tước Uy Vũ hầu, được phong làm Hữu Trụ Quốc Long Hổ thượng tướng quân đó.

Thái hoàng thái hậu vừa nghe xong, sắc mặt tức thì hiện vẻ khác thường. Năm xưa bà cũng là một cô nương bướng bỉnh cố chấp. Vạn quý phi vì được độc sủng trong Nội cung mà kiêu ngạo càn quấy, bà với cương vị là chủ nhân của lục điện từng vung gậy quở trách Vạn quý phi nhằm răn đe hậu cung, nào ngờ khiến hoàng đế Hiến Tông nổi giận, đày bà vào lãnh cung giam cầm nhiều năm. Nếu không phải nhờ bà nuôi dưỡng tiểu hoàng tử mà sau này chính là hoàng đế Hoằng Trị do cung nữ Kỷ thị sinh ra, thì làm sao có ngày được vinh diệu làm Thái hoàng thái hậu tôn quý như hôm nay?

Vết xe xưa còn đó, nay Chính Đức đã tin yêu Dương Lăng như vậy, chốc nữa mình sẽ phải cân nhắc lời lẽ thật cẩn thận một phen rồi.

Trương thái hậu thì chỉ hừ nhẹ một tiếng, mắng:

- Hoang đường!

Tuy thế, mặt ngọc vẫn điềm tĩnh, không nhìn ra được vẻ hỉ nộ.

Hạ hoàng hậu thì lại nhướng đôi mày liễu, có phần không phục.

Thái hoàng thái hậu và Thái hậu đều là những nàng dâu nhẫn nhịn lâu năm mà lên thành bà, một khi nghe được tin tức này tất nhiên cả hai sẽ cân nhắc nặng nhẹ, vậy là đủ. Còn về phần các vị muốn giơ cao đánh khẽ Dương Lăng, âu đó cũng là điều nên làm, ai biểu y lôi kéo hoàng huynh đi Đại Đồng, suýt nữa thì khiến huynh ấy mất mạng làm chi! Thấy mục đích chính đã đạt được, Vĩnh Phúc không nói thêm nhiều, nàng dắt tay em đi đến trước mặt Thái hoàng thái hậu bắt đầu bát sát chuyện nhà.

Chỉ một chốc sau, thái giám trước cung cao giọng tuyên:

- Tân Uy Vũ hầu Dương Lăng xin cầu kiến!

Thái hoàng thái hậu trầm ngâm một chút rồi bảo:

- Truyền cho y vào!

Vĩnh Phúc và Vĩnh Thuần đưa mắt nhìn nhau, lặng lẽ đứng kế bên mẫu hậu.

Dương Lăng cất bước thong thả, nhẹ nhàng bước vào. Trong điện trang trí u nhã, màn tơ trướng lụa, thảm nhung lót nỉ sặc sỡ gấm hoa, bên cửa đặt hai chiếc bình ngọc cắm mấy cây san hô cao to. Dương Lăng không dám quét mắt nhìn quanh, ngẩng đầu trông thấy Thái hoàng thái hậu mặt mũi ôn hoà, thân vận thường phục ngồi dựa trên ghế, y liền vội bước lên phía trước sụp vái:

- Vi thần Dương Lăng bái kiến Thái hoàng thái hậu, Thái hậu và Hoàng hậu nương nương.

Trong điện thoáng trở yên tĩnh, Thái hoàng thái hậu cho phép:

- Đứng lên đi!

- Dạ!

Dương Lăng từ tốn đứng dậy, cụp mắt lui về sau hai bước, rồi ngước mắt liếc nhìn. Y thấy Trương thái hậu cũng vận thường phục, khoác áo chẽn màu quả hạnh, bên dưới vận váy dài xanh lá sen, trông thực ung dung hoa mỹ. Trương thái hậu có dáng cao thon, lại được chăm chút kỹ lưỡng nên trông chỉ độ đôi mươi, dung mạo mỹ miều, phong tư thanh nhã, hệt như một nhành thược dược trước gió. Công chúa Vĩnh Phúc giống bà ta đến bảy phần, song do còn nhỏ, nên khí chất thiếu đi vài phần chín muồi và quyến rũ.

Trông thấy hai người ăn vận như vậy, Dương Lăng liền an tâm hơn. Hai vị nương nương của lưỡng cung vận thường phục gặp y, có lẽ vốn không tính phạt nặng, nhưng Hoàng hậu nương nương thì...

Nhìn sang Hạ hoàng hậu, Dương Lăng không khỏi thầm lắc đầu. Hạ hoàng hậu tuổi vừa mười sáu, đầu đội mão phượng, vai quấn khăn quàng vân rồng, thân vận áo đuôi trĩ ống rộng màu xanh sậm(1), váy lụa đỏ, khuôn mặt non nớt cố làm ra vẻ uy nghiêm, trịnh trọng, lúc nào cũng chú ý đến cương vị mẫu nghi thiên hạ của mình.

Một cô nương cứng nhắc như vậy, cho dù trời ban xinh đẹp chăng nữa, thì với tính tình của đương kim Hoàng thượng, làm sao hắn có thể yêu thích nàng được chứ? Dương Lăng đang nghĩ thầm trong bụng, Thái hoàng thái hậu chợt đằng hắng một tiếng rồi bảo:

- Dương Lăng! Ai gia nghe nói hoàng thượng lén đến Đại Đồng, bị mấy vạn đại quan Thát Đát vây dưới Bạch Đăng sơn, suýt nữa thì giẫm vào vết xe “Thổ mộc”, có việc này hay không?

- Cái gì? - Dương Lăng "cả kinh", liền vội đáp - Thái hoàng thái hậu! Khi thần ở Đại Đồng đã nghe được đủ loại lời đồn thổi nổi lên khắp nơi, hết sức ly kỳ. Không ngờ những lời bịa đặt này lại lọt vào tai Thái hoàng thái hậu, khiến Thái hoàng thái hậu ưu tư, không thể yên giấc. Đây... đây quả thật là tội của thần.

Công chúa Vĩnh Phúc hơi cong môi, thiếu chút nữa thì bật cười thành tiếng. Nàng ho một tiếng, vờ "ngây thơ" hỏi:

- Dương đại nhân nói vậy là có ý gì? Chẳng lẽ... việc đó không phải là sự thật?

Dương Lăng thầm khen: "Tiểu cô nương thật là lanh trí!", rồi thuận miệng đáp:

- Trưởng công chúa thông tuệ tuyệt đỉnh, đoán không sai chút nào. Hoàng thượng giả dạng thường dân đến Đại Đồng, kết đồng minh cùng Đoá Nhan Tam Vệ, dẹp yên Liêu Đông, kiềm chế Thát Đát, ngồi trong màn trướng mà bày mưu lập kế, quả thực là một đại minh quân.

Tà giáo Di Lặc cấu kết cùng giặc Thát, sắp đặt gian tế trong biên quân, sau khi tra rõ thần đã tấu lên cho thiên tử. Hoàng thượng không mảy may nhíu mày, lập tức tương kế tựu kế, cố ý tiết lộ tin tức cho giặc Thát hay, dụ bọn chúng đưa đại quân vào vòng vây của ta, khiến chúng hao binh tổn tướng, nguyên khí đại thương. Trải qua trận chiến này, chín vùng biên giới của Đại Minh ta ít nhất sẽ có được năm năm yên bình. Dân gian hiện đang ca tụng không ngớt ấy chứ.

Không cần biết lời y nói có mấy phần thật mấy phần giả, song con mình mới vừa kế vị, lại có thể có được thành tựu này, Trương thái hậu cũng cảm thấy vinh hạnh lây, sắc mặt lập tức trở nên hoà hoãn.

Hạ hoàng hậu cười khẩy:

- Nhưng sao bản cung lại nghe nói binh mã Thát Đát lui tới ung dung, thực lực không mảy may bị tổn hại? Dương Lăng, tiên đế không ngừng xây đắp trường thành, mục đích là để ngăn giặc thù từ ngoài biên ải. Hoàng thượng vừa kế vị tiên đế, sao không thuận theo chính sách của người, mà lại thích làm việc lớn hám công to, dấn thân vào nơi nguy hiểm? Ngươi có biết rằng khi Hoàng thượng rời cung, lời đồn đoán nổi lên khắp trong dân gian, lòng người bất ổn, suýt nữa đã gây nên biến loạn hay không?

Hạ hoàng hậu mặt đẹp dáng thon, xinh tươi sáng rực, so với vẻ tô son trát phấn như ma-nơ-canh trong ngày đại hôn thì nay trông thực xinh đẹp mê người. Có điều khi nói chuyện cô nàng lại ra vẻ cụ non, trên khuôn mặt xinh xắn không có lấy một nụ cười, khiến cho khuôn mặt dù xinh đẹp mười phần cũng trông rất khó ưa.

Nếu không phải là dịp lễ lớn thì Hoàng hậu cũng chỉ mặc thường phục, không đội mão phượng. Trên mão phượng đính đến mấy nghìn viên trân châu, mấy trăm viên đá quý nên nặng vô cùng, chỉ cần cử động hơi mạnh một chút thì trâm thoa sẽ rung rinh hết. Hơn nữa mão được đội lên mái tóc đen tuyền trơn mượt như nước, nếu đi đứng không cẩn thận thì không chừng sẽ bị rơi xuống ngay. Cho nên mão phượng trông thì đẹp thật nhưng đội không dễ chịu chút nào, ấy thế mà Hạ hoàng hậu lại vẫn vui vẻ chịu đựng.

Lúc nãy khi nói chuyện cô nàng đã vung tay quở trách, động tác rất ư mạnh bạo, nhưng mão phượng minh châu trên đầu lại chỉ hơi rung rinh. Dương Lăng thấy thế rất lấy làm lạ, không biết cô nàng đã tốn hết bao lâu mới luyện được bản lĩnh ấy, thế là nhất thời phân tâm, không nghĩ ra được lời gì để ứng đối.

Công chúa Vĩnh Thuần thấy vậy thì thè lưỡi, ghé tai Vĩnh Phúc nói nhỏ:

- Xong rồi! Tên này không biết phải nói gì rồi!

Công chúa Vĩnh Phúc khẽ nhíu cặp mày đen mượt, rồi chợt che miệng cười, vờ trêu chọc:

- Hoàng tẩu, người còn không biết tính tình của hoàng huynh ư? Huynh ấy có điểm nào mà cẩn trọng và trầm tĩnh giống phụ hoàng đâu? Mấy chuyện này ấy, nếu là người khác chưa chắc đã làm được, song đổi lại là hoàng huynh, tiểu muội vẫn cảm thấy lần này huynh ấy gây họa chưa đủ lớn đó.

Lúc này Dương Lăng đã lục lọi trong đầu óc nghĩ ra được kế sách ứng đối, vội tiếp lời:

- Hoàng thượng nắm quyền trị quốc, tuy không cẩn trọng vững vàng và nhìn xa trông rộng như tiên hoàng, song hành động của ngài cũng không thể nói là hoang đường gây họa được.

Thưa hoàng hậu nương nương, công chúa điện hạ! Năm xưa Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế tôn sùng học thuật của Hoàng-Lão (trỏ Hoàng Đế và Lão Tử - ND), thỏng tay trị vì (không ra lệnh, điều hành gì nhiều) mà vẫn khiến cho quốc thái dân an, giống như tiên đế hiền đức vậy. Mà Vũ Đế kế vị, độc tôn Nho thuật, thay đổi cách tân, mưu lược chính sách tuyệt nhiên khác với cha ông, song lại mở mang bờ cõi, lập được chiến công hiển hách; danh hiệu anh minh thần võ của người vẫn chưa đủ để diễn đạt những công lao to lớn đó.

Có thể thấy rằng thời này cũng như thời ấy: Tiên hoàng nghỉ ngơi lấy sức, ngăn giặc thù ngoài biên ải, nay Hoàng thượng liên kết đồng minh, huấn luyện tinh binh, tiêu diệt hổ dữ bên giường, há chẳng phải là tiếp bước cha ông, kế thừa việc trước?

Công chúa Vĩnh Phúc nhìn y tán thưởng, mỉm cười không nói gì. Công chúa Vĩnh Thuần đột nhiên vỗ tay cười bảo:

- Dương đại nhân nói hay lắm! Úi chao, Thái hoàng thái hậu à! Nếu ví hoàng huynh con là Hán Vũ, vậy chẳng phải người sẽ là Đậu thái hậu(2) hiền đức thương dân như con, tùy theo tự nhiên mà trị nước ư?

Đậu thái hậu phò tá ba đời đế vương là Văn Đế, Cảnh Đế và Vũ Đế, ai nấy đều là các vì vua sáng suốt tài đức. Nghe nàng so sánh như vậy, chẳng những Thái hoàng thái hậu nhoẻn miệng mỉm cười, mà Trương thái hậu cũng tươi rói mặt mày. Bà chợt cảm thấy đứa con trai này của mình cũng không phải hoàn toàn là đứa vô dụng; không chừng nó đi con đường riêng, khác với cha ông như vậy, thật cũng sẽ có thể kiến lập công tích đế vương to lớn đây.

Duy chỉ có mỗi Hạ hoàng hậu nghe xong câu ví von này thì mặt càng nặng như chì, rất đỗi không vui. Văn trị võ công của Hán Vũ Đế đích thực đáng để kiêu ngạo một đời, duy chỉ có điều ông "Kim ốc tàng kiều" (nạp thiếp), sủng ái Vệ Tử Phu (2) mà lạnh nhạt với hoàng hậu. Cảnh ngộ thật giống với tình cảnh nàng bây giờ xiết bao.

Thấy sắc mặt Thái Hoàng thái hậu và Hoàng thái hậu thân thiện lên nhiều, Dương Lăng thầm biết đã qua được nửa ải hôm nay, liền vội nói tiếp:

- Hoàng thượng quan tâm chú ý đến quốc sự quân tình, tuần thị nơi biên phòng trọng địa, rời kinh chưa được mấy ngày, trăm quan trong triều còn chưa hay, vậy mà kinh sư và thậm chí là các nơi trong thiên hạ lại đã đầy rẫy lời đồn thổi, vu khống bôi nhọ, cớ là vì sao? Chính là bởi có kẻ dòm ngó ngôi báu, thừa cơ làm loạn.

Hoàng thượng đăng cơ chưa lâu, tuổi nhỏ chưa con, khó tránh có kẻ nảy sinh dị tâm. Nay Hoàng thượng tuy mới kế vị, song lại đánh cho Thát Đát tổn thương nghiêm trọng, bình định Liêu Đông, uy vọng như mặt trời giữa ngọ, giang sơn này còn có kẻ nào lay động đến được! Một mũi tên bắn trúng mấy đích, há chẳng phải là chuyện tốt ư?

Lời của y hợp tình hợp lý, khiến Thái hoàng thái hậu và Hoàng thái hậu nghe mà gật đầu lia lịa. Dương Lăng bèn thừa cơ khua môi múa mép, chỉ hươu bảo ngựa, tô vẽ khiến chuyến vi hành đến Đại Đồng của Chính Đức càng thêm rực rỡ.

Một khi phụ nữ đã nổi lòng hiếu kì thì chỉ có thể để người ta dắt mũi kéo đi mà thôi. Vốn dĩ "Dương Lăng khinh suất đẩy hoàng thượng vào nơi hiểm địa, tam cung nổi giận hưng sư vấn tội", nay lại trở thành "cuộc họp mừng công và biểu dương do Dương Lăng tổ chức". Trong cung Nhân Thọ chỉ còn lại vị Hữu Trụ Quốc Long Hổ thượng tướng quân xuất thân là nhân viên bán bảo hiểm đang khua môi múa mép, tán hươu tán vượn.

Thấy hai vị thái hậu lắng nghe Dương Lăng khoác lác đến xuất thần, hoàn toàn quên mất ba người bọn họ đã thoả thuận là sẽ quở trách y nặng nề khiến cho từ đây trở đi y phải kiềm chế bớt lại, Hạ hoàng hậu hết sức bực bội trong lòng. Nhưng tình hình hiện tại đã do Dương Lăng chủ đạo, Thái hoàng thái hậu đang nghe y nói mà tươi rói mặt mày, làm sao nàng dám mặt nặng mày nhẹ quở mắng y?

Mỗi khi Dương Lăng kể đến đoạn giật gân, hai vị công chúa Vĩnh Phúc và Vĩnh Thuần đều chen vào mấy câu như thể phụ họa, khiến truyện y kể càng trở nên lôi cuốn và hấp dẫn. Hai vị Thái hoàng thái hậu và Thái hậu quanh năm bị nhốt trong nội cung không có gì làm nay nghe mà hớn hở mặt mày.

Hạ hoàng hậu hận đến ngứa răng. Thực ra nguyên nhân chính khiến cô nàng hằn học với Dương Lăng đến như thế là vì Đường Nhất Tiên. Ngay khi hồi cung, bọn đại nội thị vệ theo Hoàng đế đến Đại Đồng không tránh khỏi khoe khoang khoác lác với bọn cung nữ lẫn thái giám ở nhà về những trải nghiệm chém giết đẫm máu ở Đại Đồng của mình. Trong lúc vui chuyện, bọn họ cũng tiết lộ việc Chính Đức vì mê luyến một người con gái dân gian nên đã không ngần ngại cải trang làm hiệu úy tùy tòng để lấy lòng nàng.

Hạ hoàng hậu nghe xong việc ấy, lửa ghen liền nổi lên ngùn ngụt. Lại nghe nói ả con gái đó là biểu muội của Dương Lăng, cô nàng càng không khỏi thêm phần kiêng kị, vì vậy mới xúi giục hai vị thái hậu trừng trị Dương Lăng. Vị Hạ hoàng hậu này tuổi tuy còn nhỏ nhưng lại hết sức ghen tuông. Khi Chính Đức thị tẩm nhiều lần tuyên triệu Ngô quý phi, cô nàng đều ngấm ngầm ra tay cản trở, không chịu đóng ấn lên sổ Kính sự, nay há có thể ngồi yên nhìn Hoàng thượng yêu thích người khác đến như vậy hay sao?

Khi Hoàng thượng ở trong cung sủng hạnh hai ả con gái diễn võ rong mà hiện đã dời sang Báo phòng, Hạ hoàng hậu đã biết từ sớm. Có điều bất kể hai ả con gái đó được sủng ái như thế nào, với xuất thân như thế thì bọn họ cũng không thể nào tạo thành mối uy hiếp đối với cô nàng. Đường đường là chính cung hoàng hậu, nếu mình tự hạ thấp địa vị đi ghen tuông với hai ả con hát thì thực sẽ khiến người ta chê cười chết mất.

Thế nhưng Hoàng thượng si mê người con gái này đến như vậy, cô ả lại là biểu muội của quyền thần Dương Lăng, một khi cô ả nhập cung sẽ lập tức được tấn phong làm Hoàng quý phi. Từ xưa đến nay chuyện phi tần được sủng ái cướp lấy địa vị Hoàng hậu tịnh không phải là không có, Hạ hoàng hậu đã cảm nhận được mối uy hiếp rõ rệt.

Tuy nhiên, Đại Minh hạn chế quyền lực của hậu cung hết sức nghiêm ngặt, cho dù cô nàng là Hoàng hậu tôn quý cũng không đủ tư cách uy hiếp bất kỳ một vị đại thần nào, huống hồ lại là một đại thần quyền thế cực cao như Dương Lăng. Thành thử cô nàng lao tâm khổ tứ mượn chuyện Hoàng thượng xuất cung vi hành, định liên kết với hai vị thái hậu của lưỡng cung mà chèn ép sự kiêu ngạo của Dương Lăng, nào ngờ cục diện lại biến thành thế này.

Đám người Thái hoàng thái hậu còn đang nghe kể chuyện đến say sưa, ngoài cổng điện chợt có người xướng:

- Ti Lễ giám Khâu Tụ xin cầu kiến!

Trương thái hậu mỉm cười:

- Kêu hắn vào đi! - rồi bà liếc sang Dương Lăng bảo – Chắc hẳn Hoàng thượng không yên tâm nên phái người đến hộ giá cho ngươi đây! Dẫu sao lần này cũng hữu kinh vô hiểm, ngươi còn trợ giúp Hoàng thượng lập được đại công, ai gia tạm tha cho ngươi vậy. Hoàng thượng rất tín nhiệm ngươi! Ngươi phải phò tá Hoàng thượng thật tốt, làm tròn bổn phận của bầy tôi! Nếu ngươi lại còn làm những chuyện hoang đường như lén lút đưa Hoàng thượng ngự giá xuất kinh, đánh gãy chân ngựa của học sĩ Nội các, thì ai gia nhất định sẽ không tha cho ngươi đâu!

Dương Lăng đã nói đến miệng lưỡi khô ran, nghe vậy liền vội sụp người vâng dạ. Khâu Tụ đến chuyến này là dùng danh nghĩa Hoàng thượng có đại sự muốn thương nghị cùng Dương Lăng, tuyên triệu y lập tức đến cung Càn Thanh kiến giá. Dương Lăng bèn thừa cơ bái biệt ba bà Hoàng hậu rồi chạy như giặc đuổi đến cung Càn Thanh.

Khi đến Tây Noãn các, Dương Lăng đã thấy Lưu Cẩn đang ôm một chiếc hộp đứng chầu trước ngự thư án. Chính Đức một tay cầm bút tô tô vẽ vẽ thứ gì đó trên giấy, một tay nhón lấy mứt hoa quả trong hộp ra ăn. Thấy y bước vào, Chính Đức vội vất bút, cười gian trá hỏi:

- Thế nào? Có bị mắng ghê lắm không?

Dương Lăng cười thất thểu đáp:

- Chẳng phải là Hoàng thượng nói sẽ hộ giá cho vi thần sao? Vi thần vốn dĩ còn tưởng rằng sẽ được gặp Hoàng thượng trong cung Nhân Thọ, nào ngờ lại không thấy bóng dáng ngài đâu.

Chính Đức ôm bụng cười bò, lấy làm thích thú:

- Bị mắng thảm lắm hả? Ha ha ha! Trẫm gạt khanh đó, trẫm nghe nói phụ nữ đang mang thai thì không được lo lắng, nên trẫm thảo bức ý chỉ đó là để cho Ấu Nương tỷ tỷ bớt lo mà thôi. Khanh chịu mắng thay trẫm, để Thái hoàng thái hậu và mẫu hậu trút giận thì có gì là quá đáng? Hơn nữa chẳng phải trẫm đã bảo Vĩnh Phúc đến giám hộ đó sao? Nếu tình hình thật sự gay go thì trẫm sẽ tự ra mặt cứu khanh ngay.

Đoạn hắn cười khì khì rút một tờ tấu chương từ trong cái chồng cao bên cạnh, mở ra nói tiếp:

- Khanh xem, chẳng phải hằng ngày trẫm cũng bị đám đại thần chết bầm đó trỏ vào mũi mà mắng chửi đó ư? Những tấu chương này là của đám quần thần buổi sáng trình lên trách móc trẫm xuất kinh vi phục làm kinh động lung lay đến gốc rễ quốc gia. Xem nào, hạ mình kết giao với Ngột Lương Cáp, tự hủy uy tín của thiên triều, dấn thân vào nơi hiểm địa, nhiễu loạn dân cư, vơ vét mỹ nữ, lay động đến gốc nước..., tất cả đều mắng trẫm như Kiệt, Trụ đây nè!

Rồi hắn vứt tấu chương về chỗ cũ, bảo Lưu Cẩn:

- Trẫm lười xem, cũng lười đi giải thích. Nếu trẫm tiếp tục phê duyệt, bọn chúng sẽ vẫn có thể lục lọi ra một đống lý lẽ để tiếp tục dâng tấu can gián trẫm nữa mà thôi. Ngươi cầm lấy, giữ lại hết không phát ra! Sáng sớm ngày mai phỏng chừng sẽ có số tấu chương gấp mười lần thế này đệ trình lên. Hễ là tấu chương nói về phong thưởng cho bầy tôi có công hôm nay thì không cần mang đến, cứ giữ lại hết không phát ra.

Lưu Cẩn vâng dạ. Chính Đức nhảy tót qua thư án, hỏi Dương Lăng:

- Dương khanh, vừa vào kinh thì trẫm và Đường cô nương đã tách biệt, nàng có hỏi gì đến ta không?

Dương Lăng hơi ngẩn người, thoáng do dự. Chính Đức thấy vậy, chau mày thất vọng:

- Đường cô nương quên ta rồi! Có lẽ nàng ấy vốn không thèm để mắt đến một tiểu hiệu úy nho nhỏ như ta? Ôi, cả ngày nay trẫm đều tưởng nhớ đến nàng đó.

Dương Lăng bật cười đáp:

- Hôm qua mới chia tay, con bé lại nghĩ rằng Hoàng thượng là thị vệ trong quân, không thể theo thần về phủ. Cho dù con bé có nhớ thì cũng đâu thể nào hỏi thăm mau như vậy?

Chính Đức nghe vậy thì giãn mày:

- Khanh nói phải! Trẫm nóng vội rồi!

Dương Lăng nói tiếp:

- Nhưng mà... Hoàng thượng định tiếp tục che giấu trong bao lâu? Nay đã không giống như lúc ở trong quân, Hoàng thượng cứ muốn che giấu nhân thân… quả thực quá khó.

Chính Đức nhíu mày đáp:

- Có thể che giấu được lâu chừng nào thì tốt chừng nấy. Trẫm thật sự yêu thích nàng ấy nhưng không muốn lấy cương vị Hoàng đế mà tuyên triệu nàng vào cung. Trẫm muốn Nhất Tiên cũng thích trẫm thì mới được.

Dương khanh, hiện tại trẫm ở trong cung, không tiện gặp mặt Đường cô nương, mấy ngày nay trẫm đang thu xếp để dọn đến Báo phòng. Khanh về nói rằng trẫm là đại nội thị vệ, hiện đã đến Báo phòng túc trực, đợi khi trẫm dọn đến Báo phòng rồi sẽ đi gặp nàng ấy.

Vua tôi chuyện trò thêm một lúc, Dương Lăng mới xin phép rời cung. Đi chưa được bao xa, y chợt nghe sau lưng có người gọi giật. Dương Lăng ngoái đầu lại nhìn, thấy Lưu Cẩn đang ôm chồng tấu chương rảo bước đi theo.

Dương Lăng dừng bước. Lưu Cẩn chạy tới xởi lởi:

- Dương đại nhân! Hôm nay ngài thăng quan tấn tước, ta còn chưa kịp chúc mừng đại nhân.

Tuy lão vẫn tươi cười nhiệt thành như trước, nhưng trong ngữ khí lại không giấu được sự đố kị.

Dương Lăng mỉm cười lãnh đạm, chợt cảm thấy đôi bên ngăn cách quá xa. Trước kia tuy y biết được “thanh danh” của Lưu Cẩn trong lịch sử, nhưng y thường vô thức xem nhẹ việc đó mà vẫn coi Lưu Cẩn như một người bình thường, như một người bạn, khi gặp mặt nhau đôi bên đều có chút cảm giác thân thiết. Thế nhưng bây giờ...

Không muốn bị Lưu Cẩn thấy mình đã phát hiện ra ý đồ của lão, y bèn mỉm cười đáp:

- Bản quan đi theo Hoàng thượng lẻn đến Đại Đồng, việc trong kinh phần nhiều đều nhờ Lưu công công thu xếp chu toàn, an bài ổn thoả, mới không xảy ra hỗn loạn. Có được công trạng hôm nay đều may nhờ Lưu công công cả! Đêm nay bản quan sẽ thết tiệc ở "Tường Vân lâu" chiêu đãi hảo hữu, nhất định Lưu công công phải đến dự để bản quan nâng chén cảm tạ đấy!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.