Ngân Hồ

Chương 25: Q.1 - Chương 25: Tiên sinh. (2)




Thiết Tâm Nguyên nhăn nhó ra vẻ tủi thân:

- Tiên sinh chỉ nhìn thấy chuyện ngày hôm đó mà không biết ngọn ngành đằng sau, tên Ngưu Nhị này hoành hành ngang ngược ra sao, gia mẫu chỉ mở hai hiệu nhỏ bán thịt lợn, mỗi tháng phải trả cho Ngưu Nhị một quan tiền, thương gia phụ cận Tây Thủy Môn ai không hận lột gia hắn? Gia mẫu là một phụ nhân, học sinh là đứa bé, chỉ biết cầu khẩn, làm gì có tâm tư hại người?

- Giỏi! Ở đạo vô sỉ, ngươi có phong thái lão phu năm xưa.

Hán tử nghe Thiết Tâm Nguyên nói như thế lại vỗ bàn lần nữa:

- Nếu Ngưu Nhị là tên lưu manh ác ôn như vậy trừ đi cũng là tạo phúc cho bách tính, ngươi mà dùng trí giết được hắn, lão phu nhận đứa học sinh này. Dù sao lão phu bị biếm quan đoạt chức là chắc chắn, rảnh rỗi dạy dỗ thằng yêu nghiệt vô pháp vô thiên nhà ngươi cũng được.

Thiết Tâm Nguyên chắp tay:

- Tiên sinh, chuyện hại mạng người đâu để trẻ con làm được, tiểu tử chỉ một lòng cầu học, tiên sinh không dạy thì thôi, sao lại xúi tiểu tử đi hại người?

Hán tử đem thức ăn ăn trên bàn lùa hết vào mồm như gió cuốn mây tàn, thỏa mãn vỗ bụng:

- Ngưu Nhị không chết, ngươi chớ mong làm môn hạ của ta.

Thiết Tâm Nguyên la lên không phục:

- Tiên sinh làm khó người ta.

Hán tử lại nằm xuống giường, dang rộng chân tay tắm nắng, nói chậm rề rề:

- Đã chấp nhận rồi thì mau đi làm đi, ý chỉ xá miễn sẽ xuống trong vài ngày nữa, mong không bị đày đi châu phủ biên viễn.

Thiết Tâm Nguyên đành hậm hực thu dọn bát đũa, dẫn hồ ly giận dỗi chuẩn bị rời hoang viên.

Giọng hán tử từ sau truyền tới:

- Tiểu tử, ngươi là thứ yêu nghiệt, đừng trách lão phu không coi ngươi là trẻ nhỏ, đến lúc cần thì thẳng tay mà làm ...

Vừa ra ngoài Thiết Tâm Nguyên đưa tay che miệng cười khúc khích đắc ý, hồ ly cong đuôi đi trước mở đường, y xách giỏ nhảy chân sáo đi theo , tới hiệu bánh canh Thất ca.

Có chuyện làm được nhưng không tiện treo bên mép.

Người sống gần Tây Thủy Môn sớm đã quen cảnh này, từ xa nhìn thấy đứa bé trai tướng mạo thập phần đáng yêu, hai mắt dài mà linh động, mũi thẳng mà cao, , mép miệng lúc nào cũng nở một nụ cười ấm áp tựa ánh dương quang không ai không lớn tiếng chào, thế là hồ ly đắc ý càng vểnh đuôi lên cao, mũi ngửi loạn xạ, gặp phải món ăn hợp khẩu vị là ngồi lỳ không đi, đến khi chủ quán thỏa mãn cái mồm của nó mới tiếp tục lên đường.

Người vùng ngoài thấy con hồ ly toàn thân trắng muốt diễu võ dương oai giữa đường đều tấm tắc khen, những phụ nhân không có sức khống chế với những thứ mềm mại, trắng muốt, xù xù càng xúm tới sờ đuôi của nó một cái mới chịu đi.

Bịt mũi nhón chân đi qua Thảo thị tử hôi thối bẩn thỉu sẽ tới con đường lát đá thẳng tắp dài mấy dặm, người xe qua lại tấp nập, nhà cửa hai bên đường tuy nhấp nhô, hàng hóa bày tràn ra ngoài, chẳng có tí quy hoạch nào, dù sao được cái tương đối sạch sẽ, được coi là khu vực khá cao cấp quanh đây rồi.

Từ đầu đường đi qua khoảng ba cửa hiệu sẽ tới Hiệu bánh canh Thiết gia, cửa hiệu không lớn nhưng khiến mẹ tốn mất bốn năm mới mua được, Thiết Tâm Nguyên đi qua cửa thấy mẹ đứng ở sau quầy tay chống cằm ngủ gật, buổi chiều vắng khách, trong hiệu chỉ vài người quen, không nói gì lặng lẽ đi vào, lấy bình nước dưa hấu khác đặt trước mặt mẹ, sai hồ ly nằm ở chỗ mát làm chiêu bài, bản thân chăm chỉ cầm khăn lau bàn.

Tay không ngừng, đầu óc cũng liên tục vận chuyển.

Cái lão gian xảo đó tới giờ vẫn không chịu nói thật, dù đối diện với đứa trẻ con như y cũng kín như bưng, lão ta sở dĩ chạy tới phế trạch của Triệu Phổ ở, mục đích là nói với hoàng đế và toàn bộ triều thần, mình chỉ có một tấm lòng son với Đại Tống.

Mặc dù chiến bại Hảo Thủy Xuyên khiến Đại Tống tổn thất nặng nề, nhưng đây là thất bại của quốc gia chứ không phải là của cá nhân nào, mình và Triệu Phổ đề một lòng trung với nước, dù hoàng gia trừng phạt ra sao cũng cam tâm tình nguyện.

Nghĩ tới đó Thiết Tâm Nguyên cười, đại nhân vật thật là phiền, mình chỉ muốn tìm một lão sư thông hiểu thế sự, chẳng định hiến cả đời cho Đại Tống, dù Triệu Trinh có ân với mẹ con mình chăng nữa.

Nợ người ta thì trả, chuyện bán thân thì thôi đi.

Mắt theo thói quen nhìn về phía tên đại hán dựa vào bên tường lắc lư tấm thân béo núc gặm quả táo, Thiết Tâm Nguyên thở dài ...

Trước kia đọc ( Thủy Hử), trong chương Dương Chí bán đao được thấy phong thái lưu manh Ngưu Nhị, còn cho rằng là lời tiểu thuyết gia mà thôi, ai ngờ mình lại gặp được một tên như thế ở Đông Kinh.

Đối với loại lưu manh này ở kiếp trước Thiết Tâm Nguyên thấy nhiều rồi, nếu như thay hình xăm nghê thú thành rồng, hoặc đem nhúm tóc trên đầu trọc của hắn nhuộm thành màu xanh đỏ là chẳng khác gì lưu manh thời hiện đại.

Người kiếm ăn ở một dải Tây Thủy Môn đều là tiểu phiến và khuân vác, phàm ai có chút tài sản không lựa chọn an gia ở nơi này.

Mỗi ngày vào nửa đêm, gà dê ngan vịt những thứ gia sức gia cầm bị giết thịt sẽ vào Đông Kinh theo Tây Thủy Môn, qua bến tàu vận chuyển tới khắp nơi.

Vì có vô số lợi ích đan cài vào nhau nên sinh ra vô số bang phái lớn nhỏ, cửa hiệu Thiết gia nằm trong phạm vi khống chế của Toan Nghê bang. Mẹ vì sử dụng nhiều thịt lợn, nên luôn muốn để cửa hiệu trong phạm vi chăm sóc của Đồ Phu bang, mục đích vì làm ăn qua lại, Đồ Phu bang sẽ không thu phí quá nặng.

Một lần nhập hàng, mẹ nói với quản sự của Đồ Phu bang suy nghĩ của mình, người Đồ Phu bang liền tìm người Toan Nghê bang nói chuyện. Kết quả là một bang chúng Đồ Phu bang bị Ngưu Nhị chém mất tay, liên lụy cửa hiệu mỗi tháng phải nộp một quan tiền phí hành hội, người chấp hành cụ thể là Ngưu Nhị.

Đồ Phu bang không đánh lại Toan Nghê bang, cửa hiệu không cách nào tính vào Đồ Phu bang, cho yên chuyện còn phải bỏ thêm hai quan tiền bồi thường cho người bị thương kia, vì chuyện này mà mẹ mấy đếm không ngủ ngon.

Ngưu Nhị quản lý nửa con đường này, đáng lẽ phải nhiều tiền lắm mới phải, nhưng tên này quanh năm suốt tháng mặc một bộ trường sam cáu bẩn không nhìn ra nổi trước kia màu gì, giày thì lòi cả ngón cái, toàn thân chua thối làm không ai thở nổi.

Loại người như thế làm sao để mẹ tiếp đãi được, thấy tên đó sải bước đi tới, Thiết Tâm Nguyên bước lên ngay, chỉ cây đại thụ bên Điềm Thủy tỉnh:

- Ra đó nói chuyện cho mát.

Ngưu Nhị không phản đối, liếc nhìn vài ba vị khách trong hiệu rồi tới gốc tay ngồi dạng chân nói:

- Nhà ngươi phải nộp hành phí rồi.

- Không phải nộp năm ngày trước à, tháng sau mới phải nộp chứ?

Ngưu Nhị cười đểu:

- Gia gia xui xẻo, hết tiền rồi, khắp Tây Thủy Môn cửa hiệu nhà ngươi làm ăn tốt nhất, gia gia không đòi các ngươi thì đòi ai?

Thiết Tâm Nguyên nhíu mày:

- Thế trái với quy củ Toan Nghê bang, nếu quý đường chủ biết không hay đâu.

- Là mẫu thân ngươi phá quy củ trước, cửa hiệu đã nằm trong địa bàn Toan Nghê bang, còn muốn tìm Đồ Phu bang, đám giết lợn đó chống lưng được cho cô ta chắc? Tiểu tử, ngoan ngoãn nôn tiền ra, nếu không phải thương các ngươi cô nhi quả mẫu, gia gia đã san bằng cửa hiệu nhà ngươi rồi.

Thiết Tâm Nguyên nghĩ một lúc rồi nói:

- Trả ngươi cũng được, nhưng ngươi định phu phí kiểu này tới bao giờ? Nếu một tháng trả cho các ngươi hai quan thì cái hiệu này chẳng cần mở nữa, dù sao tiền kiếm được thuộc về các ngươi hết.

Ngưu Nhị trợn mắt lên:

- Các ngươi dám rời Tây Thủy môn à, cẩn thận lão tử tịch thu nhà của các ngươi.

- Trừ hoàng đế ra ai dám tịch thu nhà của ta, ngươi kiếm ăn ở Tây Thủy Môn mà không biết chuyện này à, ngươi chưa vào được nhà ta đã bị cường nỏ xé xác rồi.

Ngưu Nhị thoáng giật mình, há mồm hỏi:

- Nhà ngươi là cái hộ ở dưới chân hoàng thành?

Thiết Tâm Nguyên nghênh mặt:

- Đúng thế.

Ngưu Nhị nhìn cửa hiệu, ngữ khí hòa hoãn hơn:

- Hoàng gia cũng không làm chỗ dựa cho các ngươi được, làm ăn phải theo quy củ của hành hội, cửa hiệu của nhà hoàng quý phi còn phải nộp phí. Ba tháng, tiền phí của các ngươi tăng thêm trong ba tháng, sau đó bình thường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.