Ký Ức Tựa Mùa Rơi

Chương 3: Chương 3: Nếu chỉ đi ngang đời nhau, xin đừng để lại cho nhau thương nhớ




Nếu có ai hỏi cuộc sống xa gia đình có khó khăn không? Tôi sẽ kiên quyết trả lời là không. Bởi vì chẳng qua cái xa tôi phải chịu chỉ là một tiếng đi xe hứng nắng gió, bụi đường. Nhiều hôm mệt mỏi quá, tôi vẫn có thể liều mạng chạy xe qua đèo để về nhà lúc nửa đêm. Ban đầu bố mẹ tôi còn hoảng hốt, la toáng lên, dần dà thấy quen, họ chả thèm đếm xỉa tới tôi nữa.

Nhưng mà xa nhà, tủi thân nhất là mỗi khi bị bệnh. Người mệt nhoài mà vẫn phải tự mình lết đi mua thuốc, thèm tô cháo thịt cũng không thể tỉnh táo để nấu cho nên.

Hai ngày nay tôi bị cảm nặng, uống thuốc có khỏe hơn nhưng giọng vẫn khàn đặc, nhiều khi nói chẳng ra hơi. Khó chịu nhất là phải dạy trong tình trạng này.

Hôm nay là sinh nhật tôi, dù người có chút uể oải nhưng tinh thần cũng không đến nỗi tệ. Tôi vào lớp, vui vẻ cất giọng vịt đực của mình lên nói:

- Hôm nay ngày mười bốn tháng mười một, số thứ tự mười một với mười bốn lên bảng nhé! Lâm, Nam, mời hai em.

Cả lớp phía dưới cười tủm tỉm nhìn hai cậu trò nhỏ nhăn nhó đi lên. Tôi cũng buồn cười.

Hồi xưa đi học, cô dạy Lý toàn gọi chúng tôi trả bài theo cách này. Một thời gian lớp tôi quen cách của cô, học bài đối phó, xem ngày nào số nào rồi phân công nhau học. Chằng ngờ cô đổi cách thức, mang thứ ngày đi cộng trừ nhân chia các kiểu, về sau tụi tôi sợ quá, phần ai nấy học chả dám bày trò nữa.

Tôi viết đề kiểm tra bài cũ lên bảng rồi lại quay về ghế, ngồi kiểm tra vở học sinh.

Hoàng Minh Lâm - em học sinh này khá điển trai, tương đối thông minh, nhưng lại hơi lười. Lần nào tôi đột xuất kiểm tra vở đều không thấy làm bài tập, mỗi lần như thế tôi lại bắt chép phạt hai mươi trang giấy.

Đối với học sinh cấp ba, roi đòn hay mắng nhiếc tương đối vô dụng, có khi còn phản tác dụng, đặc biệt là nam sinh. Ở lứa tuổi này, phần lớn các em rất ham chơi lại khó nghe lời. Vì thế hình thức phạt dày vò nhất là chép phạt, chép phạt vừa tốn thời gian vừa gây mất bình tĩnh thế nên rất hiệu quả. Lâm là ví dụ điển hình rõ rệt. Vở bài học, bài tập đã chịu ghi chép dù hơi nghuệch ngoạc, với tôi vậy là đủ.

Phan Hoàng Nam - học sinh ba có điển hình. Có đi học, có ngủ gật, có người yêu. Em này tương đối luộm thuộm, áo trắng không đóng thùng, giày quai hậu không chịu đeo quai. Thế mà vở lại rất đẹp, bao bọc cẩn thận, chữ viết trong tập toàn là nét của con gái, vậy nên tôi chỉ có thể suy ra là cậu chàng có người yêu. Là ai thì tôi chưa rõ, cần quan sát nhiều hơn.

- Nam, lần sau còn nhờ người yêu chép bài là cô cho chép phạt đấy nhé!

- Dạ…

Phía dưới, mấy đứa trò nhỏ cười phá lên. Tôi thích không khí này, rất vui và gần gũi.

Sau khi nhận xét vài câu rồi cho điểm, họng tôi càng khó chịu hơn, giọng nói thều thào không còn nghe rõ chữ nữa. Lúc này tôi chỉ muốn nằm bẹp dí trên giường, ngậm kẹo cay. Rốt cuộc, tôi đành chép bài lên bảng rồi hôm sau giảng lại.

Tôi chỉ dạy một lớp, ba buổi. Thật may, hôm nay tôi dạy một tiết, sau khi hết giờ có thể ngay lập tức ra về.

Khi từ lớp học đi ngang qua khu hiệu bộ để ra bãi xe, tôi lại bắt gặp cô hiệu trưởng và một người từ cửa đi vào. Như thường lệ, tôi lên tiếng chào cô rồi tiếp tục đi thằng, nào ngờ mới đi qua được vài bước cô đã kêu tôi quay lại:

- Em hết tiết rồi giờ có rãnh không?

- Dạ.

- Vậy em dẫn khách vô phòng cô được không? Cô phải lên Sở họp gấp, xe đang chờ ở ngoài.

- Dạ dạ, cô đi nhanh cho kịp.

- Em vào phòng đợi chị tí nha. Họp nhanh thôi. - Cô nói với người kia.

Cô hiệu trưởng đi rồi người kia mới gật đầu chào tôi. Tôi tiếp tục… lơ anh ta, lẳng lặng đi trước dẫn đường. Người ta bảo oan gia ngõ hẹp chớ có sai.

Sau khi đưa anh ta đến nơi cần đến, tôi định bụng chuồn lẹ. Nhưng nghĩ cho kỹ mới thấy, khách của cô, cô nhờ mình, công ăn việc làm của mình trong tay cô. Bạn thân tôi có bảo, làm người phải biết thức thời, kẻ thức thời là trang tuấn kiệt. Tôi là trang tuấn kiệt.

Anh ta vào phòng, tôi cũng theo sau, rót nước, mời trà. Trước khi đi ra, tôi miễn cưỡng nhìn anh ta nói:

- Tôi ngồi ở phòng giáo vụ ngay bên cạnh, có việc gì anh qua đó tìm tôi.

- Ồ! Cảm ơn.

Tôi vừa đi khỏi liền nghe anh ta nói chuyện điện thoại:

- Alo, Quân nghe…

Tên Quân, thì ra là Quân.

Tôi đặc biệt nhạy cảm với những cái tên.

Thời đại học, lớp tôi có một cậu bạn tên Tùng, người đó kiêu căng hống hách, nói chuyện như bà nội người ta, từ đó tôi chả cảm tình gì với những người có tên này. Ngược lại, có những người tôi chưa quen biết, nhưng nghe tên lại thấy dễ mến, đáng tin. Ví dụ như tên Thu hoặc tên Tuyền, những người này làm thủ quỷ hay thu ngân thì rất hợp.

Còn tên Quân… Những người tên Quân trong hình dung của tôi thường đẹp trai, nói nhiều và năng động, nói chung là thuộc dạng ưu tú. Và mấy người ưu tú này cũng thường chơi với những người ưu tú tương tự, tên Khôi chẳng hạn.

Mang những thứ trên ra đối chiếu, đẹp trai - người này… tạm được, nói nhiều - tất nhiên rồi, nghề của anh ta mà không xài miệng thì e rằng đến chức năng nhai của miệng cũng không còn, năng động - hoàn toàn không năng động, nhìn cách ăn mặc là biết kiểu tính cách của anh ta. So với lần trước gặp ngoài bãi xe, điểm khác biệt duy nhất tôi thấy ở anh ta là chiếc măng tô màu xám được thay bằng chiếc măng tô màu đen, hết. Kiểu người nguyên tắc, khuôn khổ và nhàm chán.

Lúc tôi đang tập trung vào những nghiên cứu mang tầm vi mô của mình thì tiếng gõ cửa vang lên, nhìn ra thì thấy anh ta ở đấy, mắt hơi híp lại, không rõ là đang cười hay đang nheo mắt nhìn tôi, nói:

- Xin lỗi cho anh hỏi mật khẩu wifi trường mình?

Tôi gật đầu thay cho câu trả lời, lôi giấy bút viết ra cho anh ta một dòng pass.

Năm phút sau, vẫn khuôn mặt đó, vẫn đôi mắt híp, tiếp tục quay lại tìm tôi:

- Có thể in dùm anh một số giấy tờ cho cô hiệu trưởng không?

- Anh đợi một chút, để… đi tìm cô văn thư in cho anh.

- Hả? Em nói gì?

Giọng tôi khàn đặc, nói một câu chữ được chữ mất, tôi khó chịu, cố gằn giọng nói cho rõ:

- Đợi một chút…

Không đợi anh ta phản ứng, tôi ra khỏi phòng giáo vụ đi tìm cô văn thư, lòng vòng một hồi mới tìm được. Cô đang ngồi ăn xoài, buôn dưa lê trong phòng kế toán. Trao đổi một lúc qua giấy cô mới hiểu hết việc tôi nói. Xong xuôi, tôi nhờ cô tiếp dùm anh ta. Hiện tại, tôi thực sự đang rất mệt và chỉ muốn ra về.

Không ít lần lúc đi trên đường, lúc vào chợ hay ngồi ở quán cafe, nếu bất chợt trông thấy một anh chàng đẹp trai nào đó, tôi sẽ ngay lập tức tưởng tượng ra cảnh anh ta theo đuổi mình, hẹn hò với mình, rồi kết hôn, sinh con đẻ cái, chung sống đến đầu bạc răng long. Nhưng thề với ông trời, chưa bao giờ tôi nhìn tên luật sư kia mà tưởng tượng được. Thực ra mà nói, tôi không hẳn ghét anh ta, nhưng cũng không có cảm tình. Ông trời muốn có ghép cặp, cũng không cách nào ghép nổi.

Mà có khi trong lúc tôi đang tự mình đa tình thế này, anh ta lại đang ôm một vợ ba con, gia đình hạnh phúc ấy chứ. Ha ha.

***

Tôi thích nhất là tháng mười một.

Thành phố nhỏ tháng mười một nắng hanh hao lả lướt, cùng với màu vàng tươi của những vạt dã quỳ rực rỡ, bao nhiêu đấy thu vào tầm mắt mà đủ để lòng háo hức yêu đời.

Mùa này, nếu đi qua những cung đường núi nối liền thánh phố và các huyện sẽ thấy nhiều hoa quỳ nhất. Những bông hoa vàng ẩn hiện, nhấp nhô bên vực núi, có khi lại chạy thành dải thật dài ven con đường đèo. Thân hoa dại nhanh nở chóng tàn, nhưng lại mang đến cho người ta thấy sức sống mạnh mẽ, an nhiên. Nếu ai chưa từng trông thấy hẳn sẽ chưa từng biết niềm hân hoan thực sự là gì.

Sinh nhật tôi vào một ngày đẹp trời như thế, bao nhiêu mệt mỏi và suy nghĩ vẩn vơ cũng trôi đi đâu mất hút.

Ba giờ chiều, tôi mang cái họng còn đau rát cùng tháng lương đầu tiên ra khỏi nhà. Tôi hẹn gặp Như ở quán bánh canh chả cá gần đài truyền hình.

Như là cô bạn thân của tôi, nó đi du lịch với người yêu mới về ít bữa. Bạn thân đúng nghĩa thân ai nấy lo. Từ ngày có bồ, lâu lâu nó mới thí cho tôi được một cuộc điện thoại, lâu lâu lại thí cho một buổi ăn chơi. Nếu không, muốn gặp được nó, tôi phải ngồi cầu trời ba ngày ba đêm, cầu cho bồ nó có công tác đột xuất, lúc ấy nó mới “tự dưng” gọi điện, nhờ tôi làm vài cuốc xe ôm.

Đứa bạn này của tôi là tiểu thư con nhà giàu, lại là con một, cho nên lúc nó đi học xa nhà, ba mẹ khóc mấy tháng trời. Nó học xong không chịu về nhà ba mẹ lại khóc thêm mấy tháng trời. Nó có người yêu ở phố ba mẹ lại khóc thêm mấy tháng nữa. Đúng là, ba mẹ nhà người ta.

Tôi nghĩ, cả thế giới này chắc chả mấy ai được như ba mẹ nó. Lần đầu tiên nó tập xe bị té trầy chân, ba mẹ nó sợ con hư hao nội thất liền ra thánh chỉ tuyệt đối không được tập xe nữa. Từ đó nó tạo công ăn việc làm cho tôi hành nghề xe ôm, nó có bồ, tôi thất nghiệp, bồ nó lâu lâu bỏ việc, tôi có nghiệp, rồi lại thất nghiệp.

Hai đứa tôi lâu rồi mới gặp, cứ thế lê la từ quán này đến quán nọ, nói từ chuyện này đến chuyện kia. Tôi đang đau họng, giọng thều thào, nói dăm ba câu nó lại lăn ra cười khanh khách, cuối cùng nói hết nổi, hai đứa mở Zalo lên, nói chuyện câm.

- Bà để ý người ta vậy có lẽ nào không thích người ta.

Tôi đánh vào đùi nó cái đét, trợn mắt đe dọa:

- Coi chừng tui bẻ răng đấy, phán lung tung.

- Không phải thì thôi, làm thấy ghê. Lỡ người ta thích bà thì sao?

- Có thể xem xét.

- Xem xét gì?

- Xem xét xác suất chuyện viễn vông đó xảy ra có lớn hơn xác suất tung được đồng xu mặt ngữa không.

- Chó điên!

Như đánh lại vào đùi tôi hai cái, cười ngặt nghẽo.

- Hay qua phòng tui ngủ đi, mai mình đi ăn bánh mì xíu mại Hoàng Diệu.

Nó ngưng chat, quay qua nhìn tôi cười điêu, nói giọng nhão nhoẹt:

- Tui bảo gấu tui qua đón rồi. Bữa khác đi, ha.

Tôi liếc xéo nó một cái, ngao ngán thở dài. Cuộc đời này, nuôi một đứa bạn thân, ắt có ngày ôm hận.

Trung thành nhất với mình chỉ có cái tivi. Bật lên là nói, bấm một cái sẽ liền chuyển kênh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.