Hoàng Kim Đài

Chương 55: Chương 55: Tro tàn




Người phụ nữ nọ mở mắt tỉnh lại, vừa thấy Nghiêm Tiêu Hàn thì sợ hãi kêu lên: “Là ngươi?!”

Đoàn người của Tề vương là khách lạ hiếm thấy ở thôn Khê Sơn, hôm ấy hầu hết người trong thôn đều chạy tới xem, Nghiêm Tiêu Hàn lại càng nổi bật, khiến các thôn phụ khắc sâu ấn tượng. Cho nên nữ nhân kia ngay lập tức nhận ra hắn, sợ đến suýt khóc, run rẩy hỏi: “Ngươi….. quay lại báo thù ư? Là đám người trưởng thôn muốn hại ngươi, bọn ta không biết gì hết!”

Phó Thâm dùng gậy gạt gạt đống lửa, nói xen vào: “Ngươi run như cầy sấy thế kia, trông đâu có giống ‘Không biết gì hết’.”

Phó Thâm tuy tướng mạo anh tuấn, nhưng khí thế quá mạnh, là kiểu vừa nhìn đã biết không chọc nổi, mà tướng mạo Nghiêm Tiêu Hàn lại rất lừa người, chỉ cần hắn không chủ động gây sự, thì hắn có thể giả làm người hiền lành nho nhã một cách hoàn mỹ.

Thấy Phó Thâm xướng mặt trắng trước, Nghiêm Tiêu Hàn đành phải đóng vai mặt đỏ, cất lời an ủi: “Chồng ngươi là do ta vớt từ dưới sông lên đấy, ngươi đừng sợ, không phải ta tìm tới để báo thù đâu.”

(Trong Kinh kịch, người mang mặt nạ đỏ đại diện cho nhân vật chính trực trung thành, còn mặt nạ trắng là độc ác gian trá.)

Nghe hắn nói vậy, phụ nhân kia mới hoàn hồn, giơ tay áo lau mặt, bò qua đỡ trượng phu mình dậy, vỗ lưng, lau miệng mũi cho hắn. Nàng vừa làm vừa nhớ tới tình cảnh trước khi bị đánh ngất, lòng bi thương khôn xiết, òa khóc nức nở.

Hai người không ai can ngăn, yên lặng nghe tiếng khóc thảm thiết của nàng.

Từ tối qua đến giờ, nàng đã khóc không biết bao nhiêu lần, trơ mắt nhìn chồng mình bộc phát bệnh hiểm nghèo, bị người trong thôn ném vào giữa sông, đêm đó sau khi về nhà liền mắc dây lên xà nhà, chuẩn bị treo cổ. May mà Phó Thâm luôn âm thầm theo dõi nhất cử nhất động của nàng, kịp thời ra tay đánh ngất nàng mang đi, mới không để nàng tự tử thành công.

Có lẽ là cảm nhận được thiện ý từ trong sự chờ đợi lặng lẽ của bọn họ, một lát sau, tiếng khóc của phụ nhân kia dần ngừng lại, nàng ngước đôi mắt đỏ ngầu quan sát hai người một lượt, quỳ mọp xuống hành đại lễ với bọn họ: “Đại ân đại đức, chẳng thể báo đáp.”

Nghiêm Tiêu Hàn nghĩ thầm đây vẫn là một người hiểu chuyện, bèn xua tay nói: “Việc nhỏ thôi mà, không cần phải làm vậy. Ta có một số việc muốn hỏi ngươi, ngươi chỉ cần thành thật trả lời là được.”

Phụ nhân kia nói: “Biết gì thiếp sẽ nói hết, tuyệt đối không dám dối gạt ân công.”

Sau một lần trở về từ cõi chết, phụ nhân kia đã chẳng còn lưu luyến gì với thôn Khê Sơn nữa, hỏi gì nàng đều đáp nấy, tiết lộ toàn bộ bí ẩn trong thôn.

Thôn Khê Sơn có hơn trăm hộ gia đình, đa phần là tộc nhân họ Điền, nam tử bị ném xuống sông tên là Điền Thành, phụ nhân họ Âu, là người từ thôn khác gả đến đây.

Theo Âu thị kể, thôn Khê Sơn dựa núi gần sông, mặc dù không tính là hoàn toàn tách biệt với thế gian, song rất hiếm khi có khách lạ đến. Khoảng chừng một năm trước, Thu Dạ Bạch rộ lên ở vùng Kinh Sở. Cậu con trai nhỏ của một gia đình trong thôn đi học ở huyện thành, bị bạn học dụ dỗ đến phố đèn đỏ để “mở mang tầm mắt”, xuất phát từ lòng hiếu kỳ, bất cẩn bị dính nghiện, còn nhân lúc về nhà nghỉ đem Thu Dạ Bạch chia cho bạn bè. Đến khi cha mẹ hắn phát hiện thì đứa con trai đã nghiện nặng, không thể nào cai được nữa.

Gia đình kia có chút của ăn của để, lại rất nuông chiều con trai, mới đầu không xem Thu Dạ Bạch là chuyện to tát gì, còn bảo là trong nhà có thể mua thuốc cho hắn hút cả đời. Nhưng càng nghiện nặng, nhu cầu của người hút đối với Thu Dạ Bạch lại càng nhiều. Dù trong huyện thành Quảng Phong, Thu Dạ Bạch cũng là thứ hiếm có đắt hàng, nhà bình thường cũng chưa chắc mua được, chứ nói chi đến nhà nông dân. Cho nên không bao lâu sau, gia đình kia không mua nổi thuốc nữa. Lúc cơn nghiện phát tác sẽ vô cùng thống khổ khó chịu, đứa con bị giày vò chẳng ra hình người, cuối cùng không chịu đựng nổi, trong một đêm mưa đã chạy ra khỏi nhà, đâm đầu xuống sông tự sát.

Kể thì kể vậy, nhưng thôn dân đều âm thầm đồn rằng, đứa con trai không phải tự sát, mà là trong nhà thực sự không gánh nổi cục nợ này nữa, nên mới ném hắn xuống sông, ngụy trang thành ngã sông mà chết.

Vì có vết xe đổ này, ngoại trừ vài tiểu tử nghiện thuốc từ đầu, các thôn dân còn lại đều không dám dính đến Thu Dạ Bạch, nhưng có người vẫn đỏ mắt vì Thu Dạ Bạch giá cao, bèn lén lút trồng mấy cây ở sau nhà.

Biến cố phát sinh vào mùa thu năm ngoái. Có một hôm, một đạo sĩ tha phương đi ngang qua thôn, vì trên đường gặp mưa to, không có chỗ trú, nên liền vào thôn xin tá túc. Thôn dân nhiệt tình tiếp đón ông ta, cho ông ta ở lại một căn phòng trống trong thôn, còn mang cơm nước chiêu đãi.

Nửa đêm hôm ấy, trùng hợp trong thôn có người lên cơn nghiện, tình hình rất nghiêm trọng, gây động tĩnh ồn ào, kinh động đến người cả thôn. Đạo sĩ kia bị đánh thức, cũng ra ngoài xem, thấy trong cơn mưa xối xả có một người máu me be bét đang lăn lộn trên mặt đất, liền xông lên ấn vào mấy huyệt vị, khiến người kia lập tức ngất đi, rồi bảo thôn dân khiêng hắn về nhà.

Đạo nhân kia am hiểu chút dược lý, vừa nhìn đã biết tình trạng của hắn là do Thu Dạ Bạch gây nên. Nhưng gia đình người nghiện không có tiền mua thuốc, trong thôn tuy trồng Thu Dạ Bạch, nhưng chế thuốc cũng cần thời gian, đạo nhân nhận ơn huệ của thôn dân, sinh lòng trắc ẩn, không biết đi vào trong phòng làm cái gì, lúc đi ra, tay cầm theo một bọc giấy, trong bọc là một ít bột phấn màu nâu, bảo bọn họ tạm thời dùng thứ này để thay thế.

Đạo nhân có lòng tốt, nhưng xưa nay “Tài bất lộ bạch”, “Hoài bích kỳ tội”, đều là những bài học xương máu.

(Tài bất lộ bạch: không được để lộ của cải ra ngoài. Hoài bích kỳ tội: trích từ câu “Thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội”, nghĩa là kẻ thất phu vô tội, nhưng vì mang ngọc mà có tội. Hai câu này ý nói có tài năng hay của cải thì chớ lộ ra, kẻo rước họa vào thân.)

Có thôn dân biết xem hàng, nhận ra đây là “Bạch Lộ Tán” tinh chế ngàn vàng khó cầu. Bấy giờ ở huyện Quảng Phong đã có câu “Một lạng Thu Bạch một lạng vàng”. Bọn họ thấy đạo nhân kia lấy ra nửa lạng Thu Dạ Bạch, nghĩ trên người ông ta còn giấu nhiều hơn nữa. Những người này thấy hơi tiền liền nổi máu tham, đợi mọi người về nhà nghỉ ngơi rồi, bèn lén lút chạy đến chỗ ở của đạo nhân, cầm đao chém chết ông ta.

Phó Thâm nghe đến đó, không biết nhớ tới cái gì, tay phải bỗng khẽ run rẩy.

Nghiêm Tiêu Hàn lặng lẽ nắm chặt tay y.

Thôn dân tìm thấy trên người đạo nhân kia có một khối Thu Dạ Bạch to bằng nắm đấm của phụ nữ, màu sắc trong suốt thuần túy, tựa như hổ phách, một góc dính máu, càng khiến nó toát lên một vẻ diễm lệ khác. Giá trị của khối Thu Dạ Bạch này vượt qua hoàng kim có trọng lượng tương đương, mấy kẻ nọ mừng thầm trong bụng, cẩn thận cất nó đi, sau đó nhân lúc tối trời mang thi thể đạo nhân kia ra khỏi làng, ném vào giữa sông.

Một đạo sĩ vân du, vô gia vô nghiệp, biến mất cũng sẽ chẳng người nào để ý.

Đêm ấy, thôn dân thôn Khê Sơn trong đêm đen tĩnh lặng nghe tiếng đao phủ chém xuống, máu tươi tung tóe, nghe tiếng người hô to cười lớn, nhưng không một ai dám ngăn cản.

Tối nay, bọn họ đều là kẻ vờ ngủ, gọi không tỉnh.

Nước sông cuộn trào, cuốn đi thi thể chết oan, bạch cốt chồng chất hòa cùng chuyện cũ năm xưa, chìm xuống đáy hồ tăm tối bên ngoài miếu Hồ Tiên.

—— Song báo ứng thực sự chỉ mới bắt đầu.

Mấy kẻ cướp được Thu Dạ Bạch sợ tùy tiện mang ra sẽ khiến người khác hoài nghi, sau khi bàn bạc, quyết định chia nhỏ khối Thu Dạ Bạch đem bán. Ai ngờ bọn chúng còn chưa kịp làm gì, một kẻ trong số đó bỗng mắc bệnh lạ, đầu tiên là sốt cao kéo dài, ho khan, gầy đi nhanh chóng, hoa mắt ù tai, tiếp đó trên người bắt đầu xuất hiện các loại nốt đỏ mụt đỏ, thậm chí da thịt thối rữa, sống không bằng chết.

Thế vẫn chưa xong, không lâu sau đó, những kẻ tham gia vào cuộc hành hung đêm hôm ấy đều xuất hiện triệu chứng tương tự.

Các thôn dân bắt đầu hoảng loạn, nhưng giết người cướp của là đại tội thập ác bất xá, kẻ bao che cũng chịu tội liên quan, trưởng thôn không dám báo quan, đành phải triệu tập các bô lão trong dòng họ cùng nhau thương nghị. Có một tộc lão biết thỉnh thần, bèn làm pháp ở từ đường, mời được tổ tiên của Điền thị nhập vào người. “Tổ tiên” bảo rằng thôn dân thấy hơi tiền nổi lòng tham, mưu hại giết người, oan hồn chết uổng không yên nghỉ được, hóa thành ác quỷ đòi mạng, đây là trời phạt, kẻ ác phải chuộc tội, kẻ đồng lõa phải xoa dịu oán hận.

Câu chuyện quỷ thần báo ứng này miễn cưỡng lừa được những thôn dân đang kinh hoảng, trưởng thôn sai người chuẩn bị đồ cúng, lại tập hợp mấy thôn dân, đặt những hung thủ nhiễm bệnh lên xe hoa, phỏng theo nghi thức cúng tế hà bá thời cổ, ném tội nhân vào trong nước, xoa dịu oán khí của người đạo sĩ chết oan.

Cúng tế xong, lòng các thôn dân vẫn còn sợ hãi, cũng thả khối Thu Dạ Bạch ấy vào giữa sông, cứ tưởng lần này đã gió êm sóng lặng rồi, nhưng chẳng bao lâu sau, lại có người xuất hiện triệu chứng giống y như đúc!

Oan hồn dưới đáy sống vẫn chưa buông tha cho bọn họ.

Một bước sai, ngàn bước sai, vì bù đắp sai lầm, các thôn dân đã phạm vào càng nhiều sai lầm không thể tha thứ. Tất cả mọi người là châu chấu trên cùng một sợi dây, đừng ai hòng nhảy ra một mình.

Từ đó, thôn làng tựa chốn thế ngoại đào nguyên này biến thành địa ngục không lối thoát, mỗi khi có người xuất hiện bệnh trạng, sẽ bị thôn dân vứt xuống sông. Ngày qua ngày, dòng sông giống như một cái miệng lớn mãi mãi không biết thỏa mãn, sớm muộn cũng phải nuốt chửng tất cả mọi người vào trong.

Đất trời chìm trong đêm tối, chỉ có ngôi miếu đổ nát này le lói chút ánh lửa trân quý.

Phó Thâm im lặng rất lâu. Nghiêm Tiêu Hàn nhớ tới thiên lôi đêm ấy bổ nát tượng thần, có lẽ thật sự có thiên ý sâu xa chỉ dẫn, nếu không nhờ có luồng sét kia, sau khi nghỉ ở miếu Hồ Tiên, bọn họ sẽ đi thẳng tới Kinh Châu, không nán lại lâu trong cái thôn nhỏ này, càng không phát hiện bí mật bị người cả thôn che giấu kín kẽ.

Trong truyền thuyết về miếu Hồ Tiên, hồ ly vì dự báo lũ lụt mà bị trời phạt, vậy lần này, có phải cũng là nó đang cảnh báo, bảo bọn họ điều tra rõ chân tướng, phòng tránh sóng triều cuồn cuộn sắp sửa ập đến?

“Chẳng phải ác quỷ đòi mạng gì hết, mà chính là ôn dịch. Có lẽ bởi vì hung phạm dính phải máu của đạo nhân kia, cho nên mới mắc phải căn bệnh tương tự, rồi lây cho những người khác trong thôn.” Phó Thâm lạnh lùng nói, “Nhân quả tuần hoàn, tự tạo nghiệt không thể sống.”

Nghiêm Tiêu Hàn hỏi Âu thị: “Bệnh của chồng ngươi đã vô phương cứu chữa, chỉ có thể chờ chết, ngươi thì vẫn còn rất nhiều năm để sống. Thôn Khê Sơn xảy ra chuyện, một khi quan phủ tra ra, không ai có thể chạy thoát được. Song ngươi đã gặp được hai người bọn ta, bọn ta có thể mở một đường sống, giúp ngươi tự tìm cách mưu sinh, ý của ngươi thế nào?”

Âu thị chực khóc: “Thiếp và chồng kết tóc phu thê, mấy năm ân tình, nào dám vứt bỏ, xin ân công giơ cao đánh khẽ.”

Phó Thâm thấy nàng đáng thương, đang định nhận lời lại bị Nghiêm Tiêu Hàn liếc mắt ngăn lại: “Bệnh của hắn sẽ truyền nhiễm, dù có đáng thương cũng không thể để hắn sống sót ra ngoài được.”

Hắn không hạ thấp giọng, Âu thị cũng nghe được rõ ràng. Lòng nàng tràn đầy tuyệt vọng, nhưng không lay chuyển được Phi Long vệ tâm địa sắt đá, nàng bị Phó Thâm kéo ra ngoài cửa, trơ mắt nhìn Nghiêm Tiêu Hàn tìm củi khô và vải màn để châm lửa. Một lát sau, khói đặc bốc lên trời, miếu Hồ Tiên hóa thành một biển lửa.

Âu thi ngây ngốc ngồi quỳ trên đất, lệ đã khóc cạn, viền mắt đỏ ngầu, cuối cùng không nhỏ được giọt nước mắt nào nữa.

Phó Thâm ném một túi tiền không nhẹ vào lòng nàng, nhàn nhạt nói: “Con đường của ngươi vẫn còn dài, đến nơi khác mà tìm cuộc sống mới, một ngày nào đó sẽ quên được hắn.”

Nói rồi, y liền quay người cùng Nghiêm Tiêu Hàn tiến vào trong màn đêm thăm thẳm.

Âu thị nắm chặt túi tiền trong tay, trong con ngươi phản chiếu ánh lửa đỏ rực, không biết qua bao lâu, nàng mới thì thào nói: “Không quên được…..”

Sau kiếp làm sao có đường sống? Nó chỉ có thể lưu lại một đống tro tàn cháy rụi, khiến người bị bỏ lại từ đây sống trong cái bóng nhạt mờ.

(Kiếp hậu dư sinh: nghĩa là người may mắn sống sót sau tai nạn. Ở đây ý nói kiếp đã qua nhưng mạng thì chẳng còn nữa.)

✿Tác giả có lời muốn nói: Ok, căn bệnh lạ kia là tôi bịa ra thôi, đừng kiểm chứng nha, moah moah nà ~

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.