Hoàng Kim Đài

Chương 62: Chương 62: Ngư nhạn




Mùa hạ năm Nguyên Thái thứ hai mươi sáu, phản tặc đại phá kinh sư.

Nguyên Thái đế hốt hoảng chạy đến phía Tây, văn võ bá quan và nội quyến, cùng với một bộ phận bách tính kinh thành đi theo đoàn người của Nguyên Thái đế về phía Tây hướng đến đất Thục, một bộ phận khác thì dẫn người nhà đi về phía Nam trốn đến vùng Kinh Sở, Hoài Nam.

Bắc Yến thiết kỵ thu lại phòng tuyến, từ Tây tuyến đột phá vòng vây xông ra, trên đường thì đụng độ quân Ninh Châu. Bắc Yến quân bụng đầy lửa giận đánh bại phản quân Ninh Châu, Phó Thâm tự tay giương cung, bắn chết thủ lĩnh phản quân, hai tướng sĩ Bắc Yến nhân lúc trời tối trăng mờ, trèo lên đầu thành Ninh Châu, treo đầu kẻ kia trên cổng thành.

Một trận lập uy, Bắc Yến thiết kỵ vẫn hung tàn như xưa, những nơi đi qua, không kẻ nào dám đối đầu. Đầu tháng bảy, Bắc Yến quân và Cam Châu quân hợp lực tại Võ Uy, Phó Thâm vừa thu nạp tàn quân các nơi ở Tây Bắc, một lần nữa chỉnh đốn quân đội, vừa dùng Cam Châu làm cứ điểm, khai hoang đồn điền, nghỉ ngơi lấy sức, chờ đợi phản kích.

Phòng tuyến phương Bắc đã phá, ba tộc Thát, Chá, Bột Hải không bị ngăn cản, đánh thẳng một mạch đến phúc địa Trung Nguyên, một nửa giang sơn rơi vào tay ngoại địch, triều đình không còn tồn tại. Dưới thế cuộc ấy, tiết độ sứ Hoài Nam Nhạc Trường Phong tiên phong cử binh kháng địch, chặn quân Bột Hải từ sông Hoài tiến về phía Bắc, ngăn man di xuôi Nam. Theo sát sau đó, Tây Bình quận vương Đoàn Quy Hồng xưng “Tây Nam lấy tự vệ làm trọng”, chỉ tiếp nhận bách tính chạy nạn tới phương Bắc, không xuất binh cần vương. Có tiền lệ của hai vị này, tiết độ sứ các nơi cũng dồn dập làm theo, lấy đất Kỳ Sở làm ranh giới, tự thành một thể, mạnh ai nấy làm, ngoại trừ chống đỡ ngoại địch, đều ước định không quấy nhiễu lẫn nhau.

Thấy Đại Chu sắp chia năm xẻ bảy, vận nước khó giữ, mùa thu cùng năm đó, Tề vương Tôn Duẫn Đoan tự xưng đế ở Kim Lăng tự, tôn Nguyên Thái đế làm thái thượng hoàng, lấy quốc hiệu là Chu, đổi niên hiệu thành “Trường Trì”, định đô ở Kim Lăng, chiêu cáo thiên hạ.

Ngày đăng cơ, tiết độ sứ Giang Nam, tiết độ sứ Kinh Sở, tiết độ sứ Lĩnh Nam, tiết độ sứ Phúc Kiến và thủy sư Đông Hải đồng thời dâng biểu, ủng hộ lập tân đế, các quan viên cũ từ phương Bắc lưu vong đến và học sĩ có danh vọng ở Giang Nam cùng nhau tụ hợp, Trường Trì đế chưa bổ nhiệm tể tướng, mà phỏng theo lệ cũ thời Nguyên Thái, mở ra Duyên Anh điện, cùng trọng thần quyết định quốc sự.

Nghiêm Tiêu Hàn hộ tống Tề vương từ Kinh Sở đến Giang Nam, đầu tiên là ngăn cản không để Tề vương hồi kinh, sau đó lại hòa giải với tiết độ sứ các nơi, dốc lòng dốc sức lập nên triều mới, một tay nâng đỡ Tề vương đăng cơ xưng đế, luận công đủ để phong hầu bái tướng, nhưng hắn lấy lý do trước đây mình bị nhiều người chỉ trích, tình nguyện làm một công thần ở hậu trường. Song Trường Trì đế vẫn cho hắn làm thống lĩnh cấm quân, đặc biệt cho phép tham dự Duyên Anh điện nghị sự, xem là phụ tắc đắc lực, vô cùng nể trọng.

Nói là không trâu bắt chó đi cày cũng được, lành làm gáo vỡ làm muôi cũng được, Nghiêm Tiêu Hàn bị ép đến cực hạn, thể hiện tiềm lực vô tận, cuối cùng còn làm việc vĩ đại ngăn cản sóng dữ.

Các thần tử Giang Nam còn có thể chấp nhận được, những cựu thần từng ngoài sáng trong tối mắng Nghiêm Tiêu Hàn thì xem như mở rộng tầm mắt. Nghiêm Tiêu Hàn đứng vững ở hai triều mà không đổ, từ quyền thần gian nịnh lắc mình biến hóa, trở thành công thần lâm nguy không loạn, phò tá chủ mới. Tên chó săn này không chỉ giỏi tâm cơ thủ đoạn, mà vận khí cũng rất khá!

Bất luận người ngoài phỏng đoán thế nào, trải qua sóng gió lần này, hình tượng của Nghiêm Tiêu Hàn càng ngày càng gần với “Quyền thần tâm cơ sâu kín”. Ở quá khứ dù chân tình hay giả ý thì ít nhất gương mặt hắn còn thường mang nụ cười, dù giả vờ thì cũng phải giả như ôn hòa; bây giờ thì hoàn toàn trút bỏ hình tượng cũ, trở nên uy nghiêm lạnh lùng hơn, khí thế nội liễm, hỉ nộ khó lường, hơn nữa còn luôn ẩn chứa vẻ u ám như có như không, khiến người ta không dám tới gần.

Triều thần cũ vốn có hiềm khích với hắn, nhóm tân quý thì chưa quen hắn, bởi vậy, Nghiêm Tiêu Hàn lại như trở về Nguyên Thái triều, một lần nữa bị mọi người cô lập.

Nghiêm đại nhân được sủng tín vô cùng chẳng có chút cảm giác gì với lời xoi mói và những cái lườm nguýt của đồng liêu, dù sao hắn cũng quen rồi, lời đàm tiếu chỉ như gió thoảng bên tai mà thôi. Hắn hao tâm tổn trí trù tính vì Trường Trì đế, dốc hết sức lực thúc đẩy tân triều, vốn cũng không phải vì gây dựng thành tựu trong cái thời buổi loạn lạc này. Chỉ là thời cuộc như vậy, tình thế ép người, nếu như Trường Trì đế mãi không tìm được chốn lập thân, thì một hoàng tử lưu lạc bên ngoài, sau này hoặc là bị đem ra là hoàng đế bù nhìn, hoặc đơn giản bị giết chết. Mà đám tùy tùng chẳng có giá trị như hắn, đương nhiên càng không có kết quả tốt đẹp gì.

Nghiêm Tiêu Hàn không muốn bị kẻ khác quản chế, càng không muốn vứt mạng mình ở Giang Nam.

Mấy ngày nay ở Giang Nam, có lúc hắn tỉnh giấc giữa đêm, chăn đơn gối chiếc, mưa thu lạnh lất phất ngoài cửa sổ, tay hắn với tới chiếc giường nhỏ trống trải đặt bên cạnh, nhưng lại chẳng bắt được gì, lại còn nhận lấy một trận khí lạnh ùa vào. Mỗi lần như thế, hắn lại cảm thấy mình như thể tái phát cơn nghiện, lòng tràn ngập tư vị khó chịu khô thể nói ra, tựa như có một con sâu cứ gặm nhấn trái tim hắn từng chút từng chút cho đến khi cạn hết, chỉ dư lại một cái xác trống rỗng biết đi.

Mong mà không được còn đáng sợ hơn cả đau đớn đơn thuần, Nghiêm Tiêu Hàn nằm mộng cũng muốn mình mọc ra hai cánh, một đêm bay qua ngàn sông vạn núi.

Nhưng Phó Thâm ở nơi nào?

Hắn biết kinh thành đã phá, biết Nguyên Thái đế chạy về phía Tây, cũng biết Bắc Yến thiết kỵ thành công phá vòng vây, nhưng hắn không biết Phó Thâm rốt cuộc đi nơi nào —— Ở lại Tây Nam sao? Hay là trở về Bắc Yến, rồi lại theo Bắc Yến quân đến những nơi khác?

Chẳng có một câu một lời, từ sau khi từ biệt ở Kinh Sở, bọn họ hoàn toàn mất liên lạc.

Nghiêm Tiêu Hàn đã hỏi rất nhiều quan chức tướng từ đến từ bến Nam kinh thành, cũng từng nỗ lực hỏi thăm tin tức từ Tây Nam, thậm chỉ bỏ nhiều tiền phái người từ đất Thục đi đến phía Bắc, muốn tìm kiếm tung tích Phó Thâm, nhưng đến nay vẫn không có bất kỳ hồi âm nào.

Giữa bọn họ cách đại địa Trung Nguyên đang rơi vào tay ngoại địch, mà như cách cả một thế giới.

Lao tâm lao lực và nỗi lòng dồn nén khiến hắn mắc chứng mất ngủ, Nghiêm Tiêu Hàn thường tỉnh giấc lúc nửa đêm, tỉnh rồi cũng không ngủ tiếp được, cứ trợn mắt đến tận hừng đông, sau đó lại gắng gượng bò dậy để vào tảo triều. Cũng may hắn còn trẻ, cơ thể chịu được khổ sở, có lúc thực sự vất vả không chịu được nữa, liền tìm hộp kẹo để sẵn trên bàn, ăn mấy viên kẹo hoa quế.

Biện pháp này kỳ thực chẳng có tác dụng gì, ngay cả an ủi tâm lý cũng ngày càng ít, bởi vì bọc kẹo ban đầu đã ăn hết từ lâu rồi, kẹo mới mua mặc dù ngọt ngào tinh trí, hương quế nức mũi, nhưng mùi vị lại không giống ban đầu.

Ngày ấy ngoài cửa quán trọ, giữa dòng người vội vã, Phó Thâm lén đưa cho hắn một bọc kẹo hoa quế, từ đó tới nay, hắn chẳng thể tìm được thứ kẹo ngọt như thế nữa.

Ngoại thành Cam Châu.

Tây Bắc cuối thu quang đãng, trời cao vời vợi, dưới bầu trời xanh là đồng ruộng mênh mông bát ngát. Phó Thâm và Du Kiều Đình mỗi người bưng một bát canh thịt dê nóng hổi, ngồi xổm trên bờ ruộng nhìn mọi người thu hoạch lúa mì, chẳng giữ ý tẹo nào, nhìn từ đằng sau, trông rất giống hai tên chăn dê.

Du Kiều Đình lắp bắp: “Hầu gia, hai tướng quân to đùng như chúng ta, ngồi chồm hổm ở chỗ này có hơi khó coi nhỉ?”

Phó Thâm giễu cợt: “Nhập gia tùy tục, chỉ ngươi mới cần mặt mũi thôi.”

Du Kiều Đình: “Ngài thế này thật là tục quá…..”

Phó Thâm ngước mắt, liếc hắn một cái: “Canh thịt dê có ngon không?”

Du Kiều Đình: “Ngon.”

“Ngon mà còn không chặn nổi miệng ngươi à?” Phó Thâm nói, “Đừng có lải nhải nữa, phiền quá đi mất.”

Du Kiều Đình thoáng chốc hiểu ngay, hắn xấu xa cười hỏi: “Còn đang nhớ cái vị nhà ngài đấy à? Chẳng phải phía Nam mới có tin tức còn gì, tân đế đăng cơ, hắn là công thần, đang ở chốn Giang Nam yên bình làm thống lĩnh cấm quân, ngài có gì mà không yên lòng chứ?”

Phó Thâm thật muốn đạp cái tên Du Kiều Đình vô liêm sỉ cười trên nỗi đau của người khác này xuống bờ ruộng, nhưng bên cạnh y hiện tại không có ai khác để tâm sự chuyện tình yêu tình ái, cho nên đành phải bóp mũi nhẫn nhịn: “Một người phương Nam, một người phương Bắc, không biết đến bao giờ mới có thể gặp nhau, ngươi nghĩ ta có buồn hay không?”

Du Kiều Đình cười bảo: “Cái này cũng dễ thôi, đằng nào mùa xuân sang năm ngài cũng dự định xuất binh mà, đến lúc đó đánh thẳng đến Kim Lăng, không phải là gặp được sao?”

“Nói làm như chúng ta có thể đến được Kim Lăng ấy,” Phó Thâm uể oải nói, “Man di chiếm cứ khu vực Trung Nguyên từ sông Hoài đổ về phía Bắc, cách Kim Lăng mười vạn tám ngàn dặm, ngươi đánh thử cho ta xem nào.”

Du Kiều Đình thấp giọng nói: “Ta thấy tân hoàng dựng triều đình nhỏ ở Giang Nam cũng náo nhiệt lắm, chỉ sợ sau này chúng ta liều mạng ở phương Bắc, mà phương Nam thì chẳng gấp gáp chút nào đâu.”

Phó Thâm nghe xong lại càng rầu. Ở Võ Uy, y sắp xếp quân Cam Châu và tàn binh các nơi ở Tây Bắc vào Bắc Yến thiết kỵ, quân quyền nắm chắc, không hề thua kém Đại Chu triều ở Giang Nam. Nhưng Phó Thâm tuyệt đối không thể cầm binh tự lập, Bắc Yến quân cống hiến cho đất nước đã nhiều năm, cho nên xem chuyện khôi phục Trung Nguyên là lẽ đương nhiên.

Song bọn họ nghĩ như vậy, không có nghĩa là tiết độ sứ độc lập ở các nơi và triều đình Giang Nam cũng nghĩ như vậy.

Kinh sư được bảo vệ bởi ba tầng phòng tuyến Bắc Yến thiết kỵ, kinh doanh và cấm quân mà còn bị ngoại di đánh chạy tè ra quần, chỉ bằng lực lượng của Bắc Yến quân, phải cần đến bao nhiêu năm mới đoạt lại được Trung Nguyên từ tay ngoại tộc? Mà dù có đoạt lại được, thì Nam Bắc làm sao hợp hai lại làm một đây? Ai là chính thống? Lúc ấy Bắc Yến quân sẽ bị đặt ở vị trí nào?

Lo xa và buồn gần cứ chồng chất tầng tầng lớp lớp trong tim y, mà tim Phó Thâm thì có hạn, nhất thời bị đè cho không thở nổi. Y thở dài thườn thượt, ngẩng đầu nhìn trời, trùng hợp trên trời có một cặp chim nhạn sóng đôi bay qua.

Phó Thâm nheo mắt lại, áng chừng khoảng cách, nhét cái bát không vào tay Du Kiều Đình, đứng dậy lấy trường cung trên lưng xuống, lùi về sau mấy bước, rút tên căng dây, giương cung ngắm bắn.

Mũi tên bay vút lên trời cao, mấy giây sau không trung truyền đến tiếng gào thét, một con chim nhạn từ trên trời rớt thẳng xuống, rơi cách chỗ bọn họ không xa.

Không đợi Phó Thâm tự mình đi nhặt, người nông dân bên kia đã thay y mang chim nhạn tới. Con chim bị thương vẫn còn sống, một bên cánh bị tên cắm xuyên, không ngừng giãy dụa trong tay Phó Thâm. Du Kiều Đình ngó đầu nhìn, cất lời khen: “Không tệ, rất béo tốt.”

“Không phải để ngươi ăn đâu,” Phó Thâm một tay xách cung, một tay xách nhạn, quay người đi về, “Bảo Đỗ Lãnh đến chỗ ta một chuyến, mang thuốc trị thương theo.”

“Hả?” Du Kiêu Đình ngơ ngác, “Để làm gì?”

Phó Thâm không buồn quay đầu lại: “Bảo Đỗ Lãnh trị thương cho nó. Chẳng phải nó muốn bay về phương Nam sao? Tiện thể giúp ta một việc luôn.”

Du Kiều Đình: “Cái gì?”

“Từng nghe đến ngư nhạn truyền thư bao giờ chưa? Đáng tiếc bản hầu không có dung nhan trầm ngư lạc nhạn, đành phải động võ vậy.” Nói rồi, Phó Thâm suy tư một chút, cảm thấy mình muốn nhờ vả chim nhạn mà còn đả thương nó, thế này có hơi quá đáng, vì thế y bèn giơ con chim nhạn trong tay lên, thành khẩn nói với nó: “Nhạn huynh, xin lỗi nhé.”

(Ngư nhạn truyền thư: Người xưa viết thư cho nhau lên tơ lụa, gấp thành hình cá chép. Cũng có người buộc thư vào chim nhạn để nó gửi cho người ở xa. Cho nên từ “Ngư nhạn”, “Hồng nhạn” hay “Nhạn túc” được dùng để chỉ thư tín.)

Chim nhạn: “……”

Du Kiều Đình bị bỏ ở chỗ cũ, tay còn bưng hai cái bát: “……”

Tĩnh Ninh hầu bị tẩu hỏa nhập ma hả, cuối cùng cũng điên rồi sao?

Đông chí, Kim Lăng.

Hôm nay tan tầm hơi muộn, lúc chạng vạng Nghiêm Tiêu Hàn mới đi ra khỏi cung. Hôm nay là đông chí, sau khi nghị sự ở Duyên Anh điện, bệ hạ dựa theo phong tục kinh thành, đặc biệt bảo Ngự Thiện phòng làm canh thịt dê sủi cảo, ban thưởng cho chúng thần. Mấy lão thần từ phương Bắc nâng bát mà nước mắt tèm nhem, Trường Trì đế tức cảnh sinh tình, cũng không kìm được mà rơi mất giọt nước mắt. Quân thần bắt tay khóc lóc, bốn vị học sĩ xuất thân từ Giang Nam đứng bên cạnh làm bộ an ủi vài câu, đến tận khi Trường Trì đế thu nước mắt thì mọi người mới giải tán.

Nghiêm Tiêu Hàn như bị nước nóng dội bỏng phế phủ, bước đi trên con đường dài ẩm lạnh, cảm thấy đau vô cùng mà cũng lạnh vô cùng. Hắn không muốn hồi phủ, cứ đi lang thang không mục đích ở trên đường, lững thững đi một hồi lâu, chẳng biết sao lại đi đến khu chợ còn chưa tan, vai bỗng bị người nào va phải.

Một người chạy lướt qua bên cạnh hắn, hô lớn: “Cho ta xem! Cho ta xem với!”

Phía trước cách đó không xa có một nhóm người tụ tập, vây quanh một sạp hàng, không biết đang xem chuyện gì náo nhiệt. Nghiêm Tiêu Hàn thính tai, nghe được nam nhân to giọng nhất trong đám người đó nói: “……Ta săn được chim nhạn ở ngoài thành, không ngờ trên chân nó còn buộc một miếng lụa có chữ viết, đây có khi nào là ‘Ngư nhạn truyền thư’ mà người xưa hay nói không!”

Trong đầu như có sợi dây đàn bị gảy vang, lòng Nghiêm Tiêu Hàn xao động, bỗng sinh ra mấy phần hiếu kỳ, kìm lòng không đặng đi lên phía trước nhìn kỹ. Hắn cao lớn, đứng ở ngoài đám người vẫn nhìn thấy trên thớt đặt một con nhạn chết, trong tay nam tử cầm một miếng lụa được gập làm bốn, khoa khoang với mọi người: “Ai cũng biết nhạn Bắc bay về phương Nam, bây giờ tin tức Nam Bắc không thông, có lẽ là người ở phương Bắc cố ý dùng nó để truyền tin chăng?”

Có người ồn ào nói: “Trên đó viết cái gì? Mở ra cho mọi người xem đi!”

Nam tử kia nói: “Không được! Không được! Đây là vật hiếm…..”

“Con nhạn này bao nhiêu tiền?” Nghiêm Tiêu Hàn bỗng lên tiếng, “Tính cả miếng lụa này nữa, ta mua.”

Đám người xem náo nhiệt lập tức nhường đường cho hắn, nam tử kia thấy hắn mặc quần áo hoa quý, khí độ bất phàm, biết mình gặp được kẻ lắm tiền rồi nên bèn nói: “Năm lượng bạc!”

Nghiêm Tiêu Hàn lấy ra một túi tiền, nhìn cũng chẳng thèm nhìn, trực tiếp ném vào ngực nam tử nọ. Người kia áng chừng một chút liền biết giá trị không nhỏ, lập tức hớn hở mặt mày, luôn miệng nói tạ ơn, cung kính dùng hai tay dâng miếng lụa cho hắn. Nghiêm Tiêu Hàn nhận lấy, không mở ra xem mà bỏ vào trong tay áo. Đám người vây xem thấy hắn không định để lộ thì vô cùng tiếc nuối, đành ai về nhà nấy. Nghiêm Tiêu Hàn quay người rời khỏi sạp hàng, phía sau có người hầu xách con nhạn kia theo.

Đi thẳng một mạch đến chỗ không người, bàn tay nắm chặt miếng lụa mới buông lỏng ra, lòng bàn tay hắn toàn là mồ hôi lạnh. Nghiêm Tiêu Hàn một lần nữa nhắc nhở mình đừng ôm vọng tưởng, “Bắc nhạn” và “Bắc Yến” hài âm với nhau chỉ là trùng hợp thôi, hồng nhạn đưa thư chẳng qua là điển cố bị lạm dụng, nhất định hắn điên rồi nên mới xao động nhất thời, mua cái thứ không có ý nghĩa này. (“Nhạn” và “Yến” đều đọc là yàn.)

Nhưng hắn quá cần một vật xưa chốn cũ để gửi gắm tương tư, cho dù đó chỉ là một hình ảnh giả tạo.

Yên tĩnh một hồi lâu, nhịp tim của hắn dần chậm lại. Nghiêm Tiêu Hàn do dự mãi, dựa theo tâm thái đâm lao phải theo lao, hắn cắn răng nhắm mắt, cuối cùng run rẩy rút miếng lụa trắng ra khỏi tay áo, cẩn thận mở theo nếp gấp.

Từ Bắc đến Nam, con nhạn kia không biết đã bay bao lâu, lụa trắng buộc trên chân đã nhuốm bẩn, chữ bị thấm ướt, trên mặt lụa loang lổ vết mực đã khô.

Dù mơ hồ, nhưng hắn vẫn có thể nhận ra mấy chữ viết không hợp quy chỉnh này, bởi vì trên mặt lụa chỉ có sáu chữ ——

“Vợ ta có bình an không”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.