Hoa Vàng Cố Hương

Chương 3: Q.4 - Chương 3: Lời Nói Đầu 3




Miệng dưa chuột gặp hạn nặng. Miệng dưa chuột họ Lã, tên Kim Ngọc. Nhưng vì miệng hắn trông như Thiên Lôi, nên từ nhỏ đã bị gọi là Miệng dưa chuột. Kể từ dạo hợp tác hóa đến nay, Miệng dưa chuột vẫn chỉ làm mỗi việc chăn nuôi gia súc. Thời Dân quốc trước giải phóng, người trong thôn có thói quen buôn gia súc. Ông nội và cha của Miệng dưa chuột đều là lái buôn gia súc. Thường đến vùng Trương Gia Khẩu, Nội Mông buôn lừa. Đến đời Miệng dưa chuột, không còn lừa để buôn, nên mới chuyển sang nuôi gia súc. Trong mấy đời nhà Miệng dưa chuột, ông nội anh ta thông minh, chỉ buôn lừa mà dẫn được cả một cô gái dân tộc Mông Cổ về, sau này là bà nội của Miệng dưa chuột (bây giờ đã thành người thiên cổ). Nhưng cha của Miệng dưa chuột lại ngu dốt. Buôn bán gia súc nhưng đếm số cũng không nên hồn. Đến đời mình, Miệng dưa chuột lại rất tinh ranh. Ba tuổi đã biết lấy đồ người khác mang về nhà mình. Thời Bố Đại làm trưởng thôn, trong thôn mở một lớp học công ích dài một tháng. Kết thúc lớp học, những đứa trẻ khác thì chẳng học được gì, nhưng Miệng dưa chuộtđã thuộc cả bảng cửu chương, sử dụng bàn tính cứ nhoay nhoáy. Sau giải phóng, Miệng dưa chuột lấy vợ. Đến khi hợp tác hóa, anh ta làm chân chăn nuôi gia súc. Hồi mới thực hiện hợp tác hóa, tất cả gia súc trong thôn tập trung vào một chỗ, nhưng ai cũng viện cớ đêm hôm phải thức giấc cho chúng ăn, ảnh hưởng đến giấc ngủ, không ai muốn chăn gia súc. Nhưng Miệng dưa chuột lại đồng ý, không nề hà chuyện thức giấc đêm hôm. Vì chuyện này, Bí thư chi bộ thôn là Thích Vị đã tặng hẳn Miệng dưa chuột tấm bằng khen “Dân quân gương mẫu”. Sau này, mọi người mới ớ ra, chăn nuôi gia súc là công việc nhàn nhã nhất. Cả ngày ở trong nhà, không phải ra đồng, nắng không đến mặt, mưa không đến đầu. Ban ngày, gia súc và người ra đồng làm việc, còn Miệng dưa chuột chỉ cầm một chiếc điếu cày quanh quẩn trong nhà, dần dà lại béo tốt mỡ màng ra. Một điều lạ là, đến năm 1960, không hiểu làm thế nào mà Miệng dưa chuột ngoài việc chăn nuôi gia súc lại được phân công làm cả kế toán cho nhà ăn tập thể. Có thể ăn bớt thức ăn gia súc, khoai lang của nhà ăn tập thể, năm ấy, trong thôn có nhiều người chết đói, nhưng nhà Miệng dưa chuột thì chẳng ai chết đói cả. Nhưng có một lần đang ăn trộm bột đậu thì bị Hòa Thượng lúc ấy là người phụ trách nhà ăn tập thể, bắt quả tang. Hòa Thượng cho dân quân trói Miệng dưa chuột lại rồi dùng thắt lưng đánh. Đến nửa đêm, lừa lúc dân quân ngủ say, Miệng dưa chuột cởi dây thừng bỏ trốn. Đêm hôm đó, Miệng dưa chuột dẫn cả nhà chạy đến Sơn Tây lánh nạn. Đến Sơn Tây, đứa con gái bé bỏng của anh bị chết đói. Mãi đến năm 1963, Miệng dưa chuột mới dẫn cả nhà quay về quê hương. Trong thời gian ở Sơn Tây, anh ta học được một nghề mới: Nghề mộc. Hồi mới về, Miệng dưa chuột ngày đi làm ruộng, tối tranh thủ thời gian đóng một chiếc bàn ăn gấp nhỏ đem biếu Thích Vị. Mấy tháng sau, anh ta lại được bố trí làm công việc chăn nuôi gia súc. Khi “Đại cách mạng văn hóa” bắt đầu, Miệng dưa chuột vẫn làm công việc chăn nuôi gia súc. Trong thôn thành lập đội chiến đấu, Miệng dưa chuột tham gia đội chiến đấu “Lưỡi kiếm sắc” của Thích Vị. Nhà của Miệng dưa chuột thuộc đội 4. Đội 3 và đội 4 là địa bàn của Hòa Thượng. Lẽ ra, sau khi Hòa Thượng thành lập “Đội chiến đấu tiến về núi Hổ”, Miệng dưa chuột nên tham gia đội chiến đấu này mới phải, nhưng anh ta vẫn nhớ chuyện Hòa Thượng bắt trói anh ta đánh vào năm 1960, ép anh ta phải chạy đến Sơn Tây lánh nạn, làm con gái anh chết đói, nên không chịu tham gia đội của Hòa Thượng, mà vẫn ở trong đội “Lưỡi kiếm sắc”. Nếu là người bình thường, chuyện Miệng dưa chuột tham gia đội “Lưỡi kiếm sắc” hay đội “Tiến về núi Hổ”, Thích Vị và Hòa Thượng đều không thèm để ý. Nhưng Miệng dưa chuột là người thông minh, nên việc anh ta tham gia đội “Lưỡi kiếm sắc” giúp ích rất nhiều cho Thích Vị. Anh biết nghề mộc, có thể làm tấm biển ngữ lục, dán báo tường. Mặc dù ngày bé chỉ học có một tháng, không biết nhiều chữ, nhưng gần đây lại biết dùng thước mộc kẻ vẽ chữ nghệ thuật. Thích Vị khoái lắm, có hôm ăn đêm, còn cho người đi gọi Miệng dưa chuột đến ăn cùng. Hòa Thượng rất căm Miệng dưa chuột, chửi:

- Nó là người của đội bốn, nhưng lại làm phản. Biết thế, hồi nó ăn trộm bột năm 1960 mình đập nó chết luôn!

Sau này, trong thôn lại thành lập “Đoàn tạo phản bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông”. Đoàn phó Vệ Bưu cũng là người đội 4, thấy Miệng dưa chuột có tài, bèn bàn với Hồ Lô lôi kéo Miệng dưa chuột gia nhập “Đoàn tạo phản” của mình. Hồ Lô đương nhiên đồng ý. Một buổi tối, Vệ Bưu sang nhà Miệng dưa chuột, bảo:

- Anh này, hôm nay tôi sang đây, mục đích là để động viên anh tham gia “Đoàn tạo phản” của chúng tôi. Chẳng phải anh hận Hòa Thượng lắm sao? Đoàn của tôi thành lập chính là để chọi lại Hòa Thượng! Anh hãy theo bọn tôi đi. Thích Vị chỉ là con gián, chẳng làm nên trò chống gì đâu. Anh theo ông ta phỏng ích gì?

Lúc ấy, Miệng dưa chuột đang làm một chiếc ghế băng. Anh ta vừa bật dây mực đánh dấu trên gỗ, vừa trả lời:

- Có làm nên trò trống gì hay không không thể một chốc một lát mà thấy được. Đoàn của các anh đương nhiên cũng hay, tôi cũng muốn tham gia, nhưng Thích Vị đối đãi với tôi rất tử tế, ngày nào cũng kéo tôi đi ăn đêm, bây giờ tôi bỏ người ta đi thì bạc bẽo quá. Hơn nữa, đoàn của các anh chẳng phải đã có Hồ Lô làm trưởng đoàn rồi hay sao? Có anh ta là được rồi. Trước đây anh ta làm nghề bán dầu, đầu óc tinh nhanh lắm. Năm kia, tôi nợ anh ta tiền mua bốn lạng dầu mà ngày 30 Tết anh ta đến đòi nợ tôi cứ như địa chủ siết nợ ấy! Anh ta ghê gớm lắm, tôi không dám làm việc cùng đâu!

Nói xong, tiếp tục bật dây mực đánh dấu. Cuộc thương lượng bất thành. Vệ Bưu về báo cáo với Hồ Lô. Hồ Lô rất tức giận nói:

- Nó chẳng qua cũng chỉ là một thằng nuôi gia súc quèn, là cái thá gì mà ra oai! Nghe giọng nó, cứ như không có nó thì đoàn chúng ta không tồn tại được không bằng? Để rồi xem!

Nói là “Để rồi xem”, nhưng bây giờ Miệng dưa chuột là cục cưng của “Lưỡi kiếm sắc”, mà thế lực của “Lưỡi kiếm sắc” bây giờ lại mạnh nhất, nên Hồ Lô và Vệ Bưu tạm thời không làm gì được anh ta.

Lúc này, trong thôn tổ chức đại hội ôn nghèo kể khổ. Vì là đại hội, nên mặc dù trong thôn đã chia làm ba phe, nhưng tất cả vẫn phải họp chung. Bởi thế, lãnh đạo ba phe cần phải gặp nhau trước đại hội. Địa điểm gặp gỡ tại quán bà Ngưu, thực phẩm do ba phe chia nhau mang đến rồi xúm lại ăn với nhau, vừa ăn vừa bàn chuyện. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên của lãnh đạo ba phe kể từ sau khi “Đại cách mạng văn hóa”. Đêm hôm đó, mọi người ăn bánh nướng cuốn trứng. Bánh ăn gần hết mà vẫn chưa thảo luận được việc chung. Lý do không phải vì các phe phái bất đồng quan điểm, mà vì coi khinh nhau. Thích Vị và Hòa Thượng thấy Hồ Lô vốn chỉ là một tên buôn dầu bây giờ cũng ngang nhiên trở thành lãnh đạo một phe phái, ngồi cùng chiếu ăn bánh với mình, trong lòng rất khó chịu. Nhưng, Hồ Lô gì thì gì cũng là thủ lĩnh một phe phái, không ngồi chung không được. Nghĩ thế, Thích Vị và Hòa Thượng càng hậm hực. Ngoài ra, Thích Vị cũng có phần coi thường Hòa Thượng. Cảm thấy thôn Mã đại loạn, phe phái nổi lên tùm lum như bây giờ, tất cả đều do Hòa Thượng khơi mào mà ra. Còn Hòa Thượng cũng lại xem thường Thích Vị, thấy đầu ông ta giống hệt chiếc đấu gạo, hai con mắt ti hí như mắt chuột, tướng mạo này chắc cũng chẳng làm nên công trạng gì. Phải làm việc cùng hắn ta mười mấy năm rõ xúi quẩy. Rồi sẽ có ngày mình phải hất cẳng hắn ta, thay thế hắn ta. Hồ Lô lần đầu tiên tham gia một cuộc họp như vậy, nên có phần lúng túng, ăn bánh nướng chậm rãi, ăn bánh xong lại húp canh trứng, rất tiết kiệm lời. Nhưng thấy Thích Vị và Hòa Thượng có phần xem thường mình, trong lòng có phần tức giận: Mẹ kiếp, chúng mày cũng chỉ hơn ông đây mấy tuổi, làm cán bộ hơn ông mấy năm, việc gì phải xem thường nhau thế? Đừng tưởng ông mày bây giờ lực lượng mỏng, chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào đâu. Sau khi đã ăn hết bánh nướng và canh trứng, cả bọn mới bắt đầu bàn bạc công việc. Thật ra, nội dung cần bàn rất đơn giản, chỉ là định ngày tổ chức đại hội, để địa chủ và phú ông trong thôn đều bị đưa ra đấu tố, sau đó cử một người đứng ra kể khổ, rồi lại giao cho Lão Thái đầu bếp làm một sọt bánh cám, thế là hội nghị kết thúc. Nhưng tất tật mọi việc, từ định ngày, thành phần bị đấu tố, người kể khổ đến ai làm bánh cám đều do Thích Vị và Hòa Thượng tự mình quyết định, cuối cùng mới hỏi ý kiến Hồ Lô:

- Hồ Lô, ý mày thế nào?

Hồ Lô tức lắm, nhưng cố kiềm chế:

- Cứ làm như vậy thôi!

Mọi người giải tán.

Đến ngày mùng 7 tháng 7, thôn Mã tổ chức Đại hội ôn nghèo kể khổ. Trước khi đại hội bắt đầu, Hỉ Nhi “con em có thể giáo dục” của “Đội chiến đấu tiến về núi Hổ”” bắt nhịp hát bài “Bầu trời giăng đầy sao”. Sau đó là phần kể khổ, đấu tố địa chủ và cuối cùng là ăn bánh cám. Đến phần kể khổ, phe Thích Vị cử Miệng dưa chuột, phe Hòa Thượng cử bà Chu, còn phe Hồ Lô cử cha Hồ Lô là Lý Thủ Thành. Lúc này, Miệng dưa chuột mới có dịp thi thố tài năng. Hôm ấy, sau khi cuộc gặp giữa lãnh đạo ba phe trong thôn kết thúc, Thích Vị tìm Miệng dưa chuột, bảo anh ta tố khổ. Miệng dưa chuột nói:

- Chú bảo cháu làm bảng ngữ lục, vẽ chữ còn được. Chứ kể tội địa chủ, cháu e không được đâu ạ. Dưới chế độ cũ, ông nội và bố cháu đều làm nghề buôn bán gia súc, chẳng mấy khi tiếp xúc với địa chủ cả!

- Cái gì mà tiếp xúc nhiều với chẳng ít. Chẳng có ai ở suốt ngày trong nhà địa chủ cả. Mày nói năng được, mày cứ nhận đi. Nếu chọn người khác, mặc dù có nỗi khổ thật đấy, nhưng chắc gì đã rặn ra được. Thế thì cũng vô ích. Ba phe, mỗi phe cử ra một người. Nếu phe mình kể khổ không bằng người ta, thì còn mặt mũi nào!

Miệng dưa chuột đành nhận nhiệm vụ. Trước khi đại hội bắt đầu, Thích Vị lại hỏi ý kiến Miệng dưa chuột, xem anh thích tố khổ trước hay sau. Miệng dưa chuột nói:

- Để cháu tố cuối cùng. Phải xem bên họ nói năng thế nào, mình mới nói. Như vậy, mới nói hay hơn được. Chứ nếu nói trước, chẳng biết người ta nói năng thế nào, mình làm sao chọi được?

Thích Vị gật đầu lia lịa:

- Đúng, đúng, đúng. Thằng này khá. Kiểu gì mày cũng sẽ ăn đứt bọn họ!

Thích Vị chủ trì đại hội, nên xếp Miệng dưa chuột tố khổ cuối cùng. Hòa Thượng, Hồ Lô thấy Thích Vị xếp người tố khổ của phe mình lên trước, mừng thầm trong bụng. Nhưng khi buổi tố khổ bắt đầu, bọn họ mới biết bị mắc bẫy. Người kể khổ đầu tiên là bà Chu. Bà khổ thật. Đúng 30 Tết, địa chủ Văn Náo ép chồng bà nộp địa tô rồi treo cổ ông. Bà khổ nhưng không nói ra được thành lời, vừa lên đến bục là khóc. Thấy bên dưới nhiều người quá, bà hơi hoảng, cứ khóc mãi, khóc mãi, quên cả kể nỗi khổ của chồng, của mình, rằng năm 1960 bà suýt nữa bị chết đói. Mọi người ở dưới sợ quá, mặt tái mét. Hòa Thượng vội bảo Vệ Đông lên bục lôi bà xuống. Người kể khổ tiếp theo là Lý Thủ Thành. Thủ Thành trải qua khá nhiều chuyện trong chế độ cũ, nhưng lại nói lạc đề. Ông ta ít nói đến nỗi khổ của người nghèo, chỉ sa đà vào chuyện bọn địa chủ ra oai thế nào, bọn Văn Náo, Điện Nguyên, Mao Đán ức hiếp con gái trong thôn ra sao. Nói mãi, nói mãi, thấy mọi người phía dưới đều chăm chú lắng nghe, ông ta có phần đắc ý, cuối cùng lại đem kể cả chuyện Văn Náo quan hệ với mẹ Thích Vị như thế nào. Mọi người bên dưới cười ồ cả lên. Thích Vị tức quá chỉ muốn lao lên đánh ông ta. Bọn Hồ Lô, Vệ Bưu ở dưới cũng sốt ruột theo. Người tố khổ cuối cùng là Miệng dưa chuột. Sau khi lên bục, khác với bà Chu, Thủ Thành,Miệng dưa chuột không khóc, cũng không làm ầm ĩ, mà vái tay chào khán giả ở dưới. Chiêu này rất mới lạ, ngay lập tức thu hút sự chú ý của mọi người. Lúc này, Miệng dưa chuột mới bắt đầu tố khổ. Rất chậm rãi, anh kể chuyện ông anh, cha anh bị địa chủ ức hiếp thế nào. Nghe nói, ông nội anh và bố anh năm đó chủ yếu làm nghề buôn bán gia súc, nên không có nhiều dịp tiếp xúc với địa chủ trong thôn. Nhưng anh ta tránh kể lể những chi tiết vụn vặt, chỉ tập trung vào ý chính, rằng bọn địa chủ ở đâu cũng thế cả. Ra ngoài buôn bán gia súc cũng bị bọn địa chủ ở nơi khác đè đầu cưỡi cổ. Một lần, ông nội anh ở nhờ nhà một địa chủ ở phía bắc Trường Thành. Đêm hôm đó, nhà địa chủ mất một con dao cầu. Địa chủ khăng khăng đổ cho ông nội anh lấy trộm con dao cầu, bắt ông nội anh phải làm công mười ngày ở nhà ông ta để trả nợ. Một lần, cha anh đến Nội Mông buôn lừa. Địa chủ ở Nội Mông cũng rất xấu bụng. Thấy cha anh thật thà, bắt cha anh phải trả tiền trước lấy lừa sau. Nhưng lại trả thiếu hai con lừa. Mất mười ngày mười đêm, cha anh mới lùa được đàn lừa về nhà. Lúc đếm lại thấy thiếu hai con. Chuyến buôn ấy coi như mất trắng. Quá uất ức, cha anh tí nữa thì nhảy xuống giếng tự vẫn... Kể chuyện địa chủ ở nơi khác xong, Miệng dưa chuột lại quay về kể tội địa chủ trong thôn. Mặc dù nhà anh không bị địa chủ trong thôn áp bức nhiều, nhưng năm đó, những nhà khác đều bị nhà họ Lý, họ Tôn, họ Hứa, họ Lộ chèn ép. Miệng dưa chuột lại nói đến chuyện người nghèo khắp nơi trên dưới một lòng, chuyện người nghèo khác bị địa chủ áp bức như thế nào. Có nhà rơi vào cảnh tan đàn xẻ nghé, chồng xa vợ, mẹ xa con, có nhà lâm vào cảnh khuynh gia bại sản. Ai ngờ, cách kể khổ hộ người khác này hiệu quả hơn cả việc tự kể khổ cho mình. Rất nhiều người là con cháu của những nạn nhân đượcMiệng dưa chuột kể tên đều đang ngồi ở dưới, biết cha ông mình cực khổ như thế, đều không cầm được nước mắt. Miệng dưa chuột kể thêm mấy gia đình bị địa chủ áp bức, tiếng sụt sịt ở phía dưới lan rộng hơn. Không khí của buổi tố khổ như thế kể là rất tuyệt vời. Thích Vị chớp thời cơ, đứng lên giơ cao cánh tay hô khẩu hiệu:

- Không quên nỗi khổ giai cấp!

- Nhớ mãi mối thù máu và nước mắt!

Mọi người ở bên dưới đều hô theo.

Buổi tố khổ kết thúc. Miệng dưa chuột trở nên nổi tiếng. Hòa Thượng, Hồ Lô ỉu xìu như bánh đa ngâm nước, còn Thích Vị lại rất khoái trí. Đêm hôm đó, Thích Vị rủ Miệng dưa chuột ra quán bà Ngô ăn đêm. Hôm ấy, cả bọn ăn món gà tơ hầm, uống rượu trắng. Thích Vị luôn tay gắp thịt cho Miệng dưa chuột và chúc rượu anh ta:

- Tao đã bảo để mày tố khổ, mày cứ không chịu. Mày thấy hôm nay thế nào? Từ rày trở đi, thiên hạ sẽ nhìn mày bằng một con mắt khác!. Mày sắp nổi tiếng như cái thằng Hồ Lô thuộc năm ba câu ngữ lục kia rồi! Bọn Hòa Thượng và Hồ Lô đừng vội đắc ý, chúng ta sẽ thừa thắng làm tiếp một số việc tương tự thế này, đảm bảo chúng nó sẽ tự tan rã! Một lũ ngựa non háu đá. Chưa chi đã đòi đọ sức với chúng ta. Nói về độ từng trải và dày dạn, bọn chúng cứ phải gọi tao là cụ! Thằng Hồ Lô có lớn mà không có khôn, thuộc mỗi dăm ba câu ngữ lực cũng đòi làm ông tướng! Thằng Hòa Thượng là phường vong ân bội nghĩa, ngày xưa nếu không có tao đưa lên làm cán bộ thì bây giờ nó cũng vẫn chỉ là cái thằng chăn bò quèn, chứ là cái thá gì?

Miệng dưa chuột uống một tí rượu, đầu hơi váng vất, nghe Thích Vị nói thế đắc ý lắm, nhưng vẫn ra vẻ khiêm tốn, nói:

- Buổi tố khổ hôm nay kể ra cháu vẫn chưa ưng ý lắm đâu. Cái chính là vì ông nội và bốn cháu trước đây không bị địa chủ trong thôn chèn ép mấy. Chứ nếu bị khổ, chịu nhục như bà Chu và ông Thủ Thành, thì còn hiệu quả hơn nhiều!

- Thì thế! Thì thế!

Sau buổi tố khổ, uy tín của Miệng dưa chuột trong thôn tăng lên không ít. Mọi người bỗng thấy Miệng dưa chuột cũng là một nhân vật đáng nể trọng. Thích Vị cũng khách sáo với Miệng dưa chuột hơn, có việc gì cũng bàn bạc với anh ta. Ngày nào cũng lôi anh ta đi ăn đêm, lại còn dự định đề bạt anh ta làm tổ trưởng trong “Đội chiến đấu Lưỡi kiếm sắc”, vì năng lực của tổ trưởng tổ 2 là Kim Bảo quá kém, ăn không nên đọi, nói không nên lời, làm Thích Vị rất bực mình. Không chỉ Thích Vị khách sáo với Miệng dưa chuột, mà ngay cả Hòa Thượng và Hồ Lô cũng bắt đầu thầm thừa nhận Miệng dưa chuộtkhông phải là một nhân vật bình thường. Tức thì tức, nhưng vẫn thừa nhận đối thủ, điều này không phải chuyện dễ. Nếu cứ phát triển theo đà này, Miệng dưa chuột sớm muộn cũng sẽ trở thành một nhân vật máu mặt khác trong thôn, sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nhiều việc của thôn. Miệng dưa chuột cũng lờ mờ cảm nhận được điều đó, nên đi đứng trong thôn bắt đầu ra dáng khệnh khạng chắp tay sau đít. Tiếp đó, anh ta còn đòi Thích Vị tăng cường thêm một nhân lực cho trại chăn nuôi gia súc để làm phụ tá cho anh ta. Miệng dưa chuột nêu đích danh người đó là Tạng Lục, một thanh niên ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Nửa đêm, Miệng dưa chuột bảo Tạng Lục dậy cho gia súc ăn, còn mình thì chỉ huy. Cứ thế, lâu dần, người ta càng ngày càng cảm thấy Miệng dưa chuột là một nhân vật lớn. Thích Vị đã chuẩn bị cách chức tổ trưởng của Kim Bảo để thế Miệng dưa chuột vào chỗ đó. Tiếc thay, đúng lúc này, Miệng dưa chuột bỗng để xảy ra một chuyện. Đang ở trên cao, Miệng dưa chuột bị rơi đánh uỵch một cái xuống đất.

Nguyên nhân do việc nuôi con lợn và gia súc có chữ “Trung” mà ra. Không lâu sau buổi tố khổ, công xã kêu gọi mọi người đeo huy hiệu Mao Chủ tịch, nuôi lợn có chữ “Trung”. Chuyện đeo huy hiệu Mao Chủ tịch và nuôi lợn có chữ “Trung”, Miệng dưa chuột đều không để xảy ra việc gì. Anh ta luôn đeo Huy hiệu Mao Trạch Đông trước ngực. Nuôi lợn có chữ “Trung” nghĩa là, người ta dùng dây thép nung đỏ đóng một chữ “Trung” trên đầu mỗi con lợn được nuôi tại từng hộ gia đình. Việc chỉ có thế, nhưng Miệng dưa chuột thế nào lại nảy ra sáng kiến, đã in chữ “Trung” vào lợn được, sao không in cả vào lừa, vào ngựa? Thế là đề nghị Thích Vị cho in chữ “Trung” lên toàn bộ đầu gia súc của đội. Thích Vị nghe vậy rất vui, khen Miệng dưa chuột lanh lợi, làm việc gì cũng tinh nhanh hơn người khác. Nếu việc này thành công thì cũng sẽ giống như buổi tố khổ làm cho bọn Hòa Thượng và Hồ Lô phải thất kinh, nhụt chí. Nghĩ vậy, Thích Vị đồng ý để Miệng dưa chuột in chữ “Trung” lên lừa ngựa, phấn đấu nuôi toàn gia súc trên mình có chữ “Trung”. Về đến trại chăn nuôi, Miệng dưa chuột bắt tay vào việc luôn. Anh ta nung đỏ một sợi dây thép, bảo Tạng Lục ôm chặt đầu gia súc để anh ta in chữ. Nhưng bọn lừa, ngựa không hiền như lợn, lại khỏe hơn lợn, thấy sợi dây thép nung đỏ, hoảng quá, hí một tiếng rồi co chân trước lên toan vùng khỏi dây cương. Mất hai tiếng đồng hồ, mãi vẫn không in được một chữ nào. Được một lát, dây thép nguội, lại phải cho vào lò nung tiếp. Cuối cùng, Tạng Lục không chịu được, nói:

- Sao cứ phải in vào đầu, in vào mông cũng được chứ sao?

Miệng dưa chuột thấy có lý, dù sao cũng chỉ là chữ “Trung”, in vào đâu chẳng được? Thế là bảo Tạng Lục che mắt gia súc lại, rồi in chữ “Trung” vào sau mông chúng. Cách này rất hiệu quả. Gia súc bị che mắt tỏ ra rất ngoan ngoãn. Trong vòng một tiếng, mười mấy con gia súc đều bị in chữ “Trung” vào sau mông. Miệng dưa chuột quẳng dây thép xuống đất, quệt vội mồ hôi trên trán, rồi lùi ra xa ngắm nghía, tỏ vẻ rất hài lòng. Dưới bàn tay của Miệng dưa chuột, chữ “Trung” nào cũng đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Miệng dưa chuột sướng quá quên cả trời đất, bảo Tạng Lục dắt mười mấy con gia súc này vào thôn để mọi người xem. Tạng Lục liền dắt gia súc có in chữ “Trung” ở mông vào trong thôn. Việc này ngay lập tức làm chấn động cả thôn Mã. Mọi người nghe nói Miệng dưa chuột có trò mới, liền đổ xô đến xem. Nào ngờ, vừa trông thấy, mọi người đã tròn xoe mắt kinh ngạc:

- Chết thật, nó dám in chữ “Trung” vào mông gia súc, xỏ lá quá!

Thích Vị nghe tiếng huyên náo cũng mừng rỡ chạy ra xem. Vừa trông thấy gia súc có chữ “Trung”, Thích Vị đã toát mồ hôi hột, tiến đến cho Miệng dưa chuột một cái bạt tai:

- Con mẹ mày chứ, sao không in chữ lên đầu, lại in ở mông? Mày làm thế thì...

Miệng dưa chuột bỗng cảm thấy đã xảy ra chuyện gì đó, sợ toát mồ hôi lạnh, vội tiến đến lấy tay xóa chữ trên mông gia súc. Nhưng chữ được in bằng thép nung đỏ, dùng tay xóa sao nổi?

Lúc này, Hòa Thượng và Hồ Lô nghe thấy tiếng huyên náo cũng chạy đến xem. Nghe mọi người bảo rằng có chuyện rồi, lúc đầu không hiểu gì, nhưng sau thì hiểu ra, sướng lắm. Hồ Lô khoanh tay nói với Vệ Bưu đứng bên cạnh:

- Tại lần trước tố khổ giỏi quá đấy mà. Để xem bây giờ nó xử lý thế nào?

Hòa Thượng càng hăng hơn. Ông ta là người thứ hai sau Thích Vị tiến đến giáng tiếp cho Miệng dưa chuột một cái bạt tai:

- Không ngờ thằng nhãi này cũng có ngày hôm nay. Mày biết mày đã phạm tội gì không? Tội phỉ báng vị lãnh tụ vĩ đại!

Rồi lệnh cho Vệ Đông ở bên cạnh:

- Dẫn dân quân đến, gô cổ nó lại, giải lên huyện!

Vệ Đông lập tức về nhà lấy dây thừng. Vệ Bưu cũng quên bẵng hiềm khích với Vệ Đông, chủ động bước tới giúp một tay. Miệng dưa chuột lúc này sợ đến dại cả người, thấy Vệ Đông, Vệ Bưu dẫn người mang dây thừng đến trói mình, vội rạp mình xuống đất lạy Hòa Thượng, Hồ Lô, Vệ Đông, Vệ Bưu. Anh ta ôm chặt Vệ Bưu nói:

- Anh Vệ Bưu, anh tha cho tôi lần này, không phải tôi cố ý! Anh tha cho tôi, tôi sẽ tham gia “Đoàn tạo phản” của anh!

Vệ Bưu cười nhạt:

- Bây giờ anh mới muốn tham gia “Đoàn tạo phản” của chúng tôi à? Nhưng bây giờ anh đã là tên phản cách mạng. Ai dám nhận anh?

Miệng dưa chuột lại bò đến chỗ Thích Vị dập đầu lạy:

- Bí thư, bí thư, xin chú hãy cứu cháu. Lúc cháu bảo in chữ vào gia súc, chú cũng đã đồng ý rồi còn gì!

Thích Vị phẩy tay nói:

- Tao đồng y mày in chữ vào đầu gia súc, chứ không phải là in vào mông! Mày nói thế, định lôi cả tao vào đấy à?

Buổi chiều hôm đó, Phòng quân quản của công an huyện cho một chiếc xe mô-tô xuống, bắt Miệng dưa chuột giải lên huyện. Trong số những người xuống bắt Miệng dưa chuột, có cả Lão Giả, công tác viên đầu tiên về thôn Mã làm cải cách ruộng đất năm 1949. Mặc dù trong thời kỳ cải cách ruộng đất, Lão Giả mắc lỗi hữu khuynh, nhưng sau này học tập, sửa được thói hữu khuynh, được phân về phòng công an huyện cho đến tận bây giờ. Thấy Lão Giả đến, Hòa Thượng và Hồ Lô đều gặp anh ta nói chuyện và báo cáo tình hình, rằng Miệng dưa chuột luôn bất mãn với Mao Chủ tịch, Đảng Cộng sản, “Đại cách mạng văn hóa”, hành vi nhạo báng của hắn rõ ràng là cố ý. Nhưng nếu chỉ bắt mỗi mình Miệng dưa chuột thì chưa được, vì việc làm của Miệng dưa chuột là do Thích Vị xúi giục. Thích Vị nghe phong thanh, cũng vội tìm đến Lão Giả nói chuyện, rằng ông ta thật sự không hề biết chuyện Miệng dưa chuột in chữ vào mông gia súc. Tạng Lục có thể làm chứng. May mà Thích Vị và Lão Giả là chỗ quen biết từ trước, từng có thời cùng tham gia cải cách ruộng đất với nhau. Sau này Thích Vị lên huyện họp hội nghị cán bộ ba cấp cũng thường gặp Lão Giả trên thị trấn. Lão Giả nói, chính sách của Đảng là ai làm người đấy chịu, không được đổ lỗi cho người khác, nên chỉ bắt mỗi mình Miệng dưa chuột.

Vì việc này, Thích Vị bị công kích không ít. Ăn không ngon ngủ không yên suốt nửa tháng liền. Trong thời gian này, đội chiến đấu “Lưỡi kiếm sắc” chẳng có hoạt động gì cả. Trong khi đó, Hòa Thượng và Hồ Lô rất phấn khởi, sắp xếp rất nhiều hoạt động cho đội chiến đấu và đoàn tạo phản của mình, hết diễn kịch lại múa hát.

Một tháng sau, có tin Miệng dưa chuột bị xử 15 năm tù. Mọi người cho đây là chuyện đương nhiên, chẳng lấy gì làm lạ. Chỉ có một mình vợ Miệng dưa chuột khóc lóc ở nhà, vừa khóc vừa chửi:

- Đ. mẹ cái thằng Miệng dưa chuột, số tao đen đủi mới lấy phải mày! Trước đây theo mày chăn nuôi gia súc không sao, bây giờ mày thành tù nhân, để lại cho tao một đống con! Mày bị tù 15 năm, tao làm sao đợi được mày?

Đêm hôm đó, chị ta về nhà mẹ đẻ tính chuyện ly dị Miệng dưa chuột.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.