Hoa Vàng Cố Hương

Chương 1: Q.3 - Chương 1: Lời Nói Đầu 1




Năm 1949

Công tác viên đến thôn.

Dân trong thôn chưa từng nhìn thấy công tác viên, không biết công tác viên cao thấp gầy béo thế nào nên cảm thấy rất thần bí. Trai làng Lộ Mã Trách (người anh thứ ba của tướng cướp Tiểu Thốc) khua chiêng giục dân làng đến Văn phòng thôn họp. Mọi người đều đi cả. Đến Văn phòng thôn, trời bắt đầu rơi tuyết. Một cơn gió bấc nhẹ thoảng qua, mọi người cảm thấy mình mặc áo sao mà ít. Trưởng thôn vẫn là Hứa Bố Đại (bây giờ đã hơn 60 tuổi, tóc lốm đốm bạc). Bố Đại mặc một chiếc áo bông da lộn đứng trên bục đếm xem đủ người chưa. Đếm mãi, chẳng buồn đếm. Trông thấy Mã Trách đang bò lên bục, liền đá cho hắn một phát:

- Mã Trách, đừng lên nữa. Vẫn chưa đủ người, mày đi gọi tiếp đi! Công tác viên nói rồi, không đủ người không họp!

Mã Trách lồm cồm bò dậy, lại xách chiêng đi gọi người đến họp, vừa đi vừa chửi:

- Họp hành vớ vẩn mà cũng đòi đủ mới chẳng đủ người!

Lại chửi:

- Điếc cả hay sao mà không nghe thấy ông mày gõ chiêng!

Rồi men theo đường làng đi đánh chiêng một lượt. Mọi người cơ bản đã đến đủ. Các hộ tá điền mỗi hộ một người. Các nhân vật có máu mặt trong thôn cũng đã đến nơi. Lão địa chủ Lý Văn Vũ, cùng cháu trai là Lý Thanh Dương và Lý Băng Dương (con trai thứ và con trai thứ ba của cố địa chủ Lý Văn Náo), nguyên tướng cướp Tiểu Thốc, con cháu cố phó trưởng thôn sau này là đại đội trưởng đội cảnh vệ Tôn Mao Đán, mẹ đẻ đương kim Bí thư huyện ủy Thỉ Căn là Tôn Kinh Thị, vợ của trưởng thôn đương nhiệm Bố Đại là Oa Tiểu Xảo... đều đã có mặt đông đủ. Mã Trách thấy mọi người đã đến đông đủ, lại leo lên bục. Lên đến bục, đứng cạnh trưởng thôn Bố Đại nhìn xuống phía dưới. Lúc này, Bố Đại nói với mọi người ở dưới:

- Cuộc họp bắt đầu. Xin mời công tác viên lên nói chuyện cùng bà con dân làng!

Công tác viên leo lên bục. Nếu công tác viên không leo lên bục, mọi người mới cảm thấy “công tác viên” rất thần bí. Nhưng khi tận mắt nhìn thấy công tác viên leo lên bục, mọi người có phần thất vọng:

- Công tác viên cái khỉ gì. Cái tay Lão Giả chứ ai!

Công tác viên quả nhiên là Lão Giả. Mọi người đều biết anh ta. Năm năm trước, Lão Giả còn ở trong thôn, nuôi gia súc thuê cho nhà địa chủ họ Lý. Sau đó, chỉ vì một chiếc áo chẽn của vợ Thanh Dương, Lão Giả đành phải bỏ nhà họ Lý ra đi. Chả là khi Lão Giả cho ngựa ăn trong chuồng ngựa, vợ Thanh Dương giặt một chiếc áo chẽn, rồi đem phơi trước chuồng ngựa. Sau đó, chiếc áo chẽn biến mất. Vợ Thanh Dương chửi đổng trong sân, có ý nghi ngờ Lão Giả lấy cắp. Lão Giả là người thật thà, chưa ăn cắp của ai bao giờ, thấy bị chửi thì ấm ức, cãi nhau với vợ Thanh Dương một trận. Sau đó, Văn Vũ xuất hiện, khuyên can hai người. Vợ Thanh Dương đi khỏi, Văn Vũ còn đến tận chuồng ngựa khuyên Lão Giả:

- Lão Giả, bỏ qua đi. Tao biết mày không bao giờ ăn trộm!

Lão Giả dẩu mỏ:

- Con chẳng làm tiếp nữa đâu. Sớm tối phục vụ nhà chủ, vậy mà bây giờ lại bị coi là kẻ trộm!

- Tao biết mày là người ngay thẳng. Nể mặt tao, mày đừng giận nữa!

Sự việc chấm dứt ở đây.

Gia đình Lão Giả sống ở một ngôi làng ở huyện Phong Khâu cách đấy khá xa. Sau này, Lão Giả làm bạn với Ngưu Đại Cá, một người làm thuê khác ở nhà họ Lý, rồi rủ nhau cùng về nhà. Đến nhà Lão Giả, thấy chiếc áo chẽn của vợ Thanh Dương đang phơi trên dây trong sân nhà Lão Giả. Thì ra, hôm đó vợ Lão Giả đến nhà họ Lý thăm chồng, rồi ăn trộm luôn chiếc áo chẽn, giấu vào trong quần mang về. Đại Cá trông thấy chiếc áo không nói gì, nhưng Lão Giả mặt tím bầm. Đại Cá đi khỏi, Lão Giả nện cho vợ một trận, nhưng cũng chẳng còn mặt mũi nào quay về nhà họ Lý. Chiếc chăn anh để ở nhà họ Lý phải nhờ Đại Cá mang về hộ. Văn Vũ biết chuyện còn nhờ Đại Cá chuyển lời tới Lão Giả rằng:

- Mày bảo Lão Giả quay lại làm đi. Mỗi cái áo chứ nhiều nhặn gì đâu. Tao biết không phải nó ăn trộm. Đàn bà con gái đứa nào chẳng tắt mắt.

Lão Giả nói:

- Đành rằng vợ tôi lấy trộm, nhưng tôi vẫn cứ há miệng mắc quai. Sau này nhà người ta lỡ mất mát gì, thì tôi biết ăn nói thế nào? Tôi không thể làm việc tiếp cho nhà họ nữa đâu!

Thế là cương quyết không đến nhà họ Lý nuôi ngựa thuê nữa, mà ở nhà làm đậu phụ. Đêm nào cũng làm một gánh đậu phụ, sáng sớm mang đi bán. Người ta ăn đậu phụ, còn vợ chồng Lão Giả thì ăn bã đậu, cuộc sống cũng tạm ổn. Nhưng cứ nghĩ đến chiếc áo chẽn là trong lòng Lão Giả lại ấm ức. Vì chiếc áo đó, không biết anh đã tẩn mụ vợ bao nhiêu trận. Sau này, Đảng cộng sản xây dựng huyện Khâu Phong thành căn cứ địa. Chính quyền huyện của Đảng cộng sản đặt ở làng Lão Giả. Chủ tịch huyện thấy nhà Lão Giả làm đậu phụ liền ở luôn nhà anh ta. Dần dà, chủ tịch huyện thấy Lão Giả thật thà, có ý bồi dưỡng anh tham gia cách mạng. Lão Giả thấy chủ tịch huyện còn trẻ mà đã được đeo súng, hiểu biết nhiều, nói năng rất có sức thuyết phục, trong bụng cũng rất khâm phục chủ tịch huyện. Ban đêm, Lão Giả không ngủ cùng vợ, mà nằm trên lò sưởi ngủ cùng chủ tịch huyện. Chủ tịch huyện giảng giải cho anh biết người nghèo vì sao nghèo, địa chủ vì sao giàu, Lão Giả tại sao phải sang huyện bên cạnh nuôi ngựa thuê cho nhà họ Lý. Cứ thế, Lão Giả thấy mình thiệt thòi quá. Đều là con người, sao nhà họ Lý lại được sung sướng, còn mình thì phải đi nuôi ngựa thuê cho người ta? Thế là đồng ý tham gia cách mạng. Chủ tịch huyện thấy Lão Giả tích cực, bèn không để cho anh làm đậu phụ nữa, mà cử anh lên huyện tham gia một khóa đào tạo. Tại đây, Lão Giả được học chữ, vào Đảng, từ đó trở thành nhà cách mạng cấp cơ sở. Lúc đầu, anh dẫn đội dân quân khiêng vác giúp giải phóng quân. Mấy năm sau, huyện quản lý thôn Mã được giải phóng, cần một lượng lớn cán bộ. Lão Giả được cử đến huyện này công tác. Huyện vừa giải phóng là tiến hành cải cách ruộng đất luôn. Lão Giả trở thành công tác viên, xuống các thôn làm cải cách ruộng đất. Trên huyện biết Lão Giả từng có thời gian khá dài làm thuê ở thôn này, am hiểu tình hình địa phương, liền cử anh xuống thôn Mã. Nhưng người dân trong thôn không hề biết được sự đổi thay của Lão Giả trong mấy năm qua, vẫn tưởng anh là anh chàng Lão Giả trước đây. Thấy anh leo lên bục ở Văn phòng thôn, mọi người phía dưới phá lên cười. Đây chẳng phải là Lão Giả trước đây nuôi ngựa thuê cho nhà họ Lý sao? Khố rách áo ôm là thế sao bỗng dưng nay lại trở thành “công tác viên” đến nói chuyện với dân làng? Do biết gốc gác của Lão Giả, nên mọi người có vẻ khi dễ anh. Lão Giả chưa nói gì, một số người đã bỏ ra về, lấy cớ trời lạnh quá về nhà mặc thêm áo. Một tay thanh niên du thủ du thực tên là Triệu Thích Vị (con trai tá điền Triệu Tiểu Cẩu, người có vợ bị Văn Náo bức tử năm nào) nói:

- Thời thế thay đổi. Một anh Lão Giả khố rách áo ôm cũng trở thành người có máu mặt, đến giảng giải cho chúng ta! Trước đây, tôi muốn đá đít anh ta lúc nào là đá đít anh ta lúc ấy!

Mọi người phá lên cười. Nhưng khi Lão Giả vừa cất lời, những người vừa cười chế giễu anh bỗng giật mình, phát hiện Lão Giả bây giờ không còn là Lão Giả của ngày xưa nữa. Anh nói:

-Xin mọi người đừng bỏ đi! Lão Giả tôi lần này đến đây không phải là đến để nuôi ngựa thuê cho nhà địa chủ. Thực hiện chỉ thị của Đảng ta, tôi đến đây là để tịch thu ruộng đất và tài sản của địa chủ để chia cho bà con!

Vừa nói, Lão Giả vừa phanh áo để lộ một khẩu súng giắt bên trong.

Đúng lúc này, từ xa vẳng đến tiếng vó ngựa. Thoắt một cái, một chàng trai mặc quân phục giải phóng quân, đeo súng ngắn đi đến phía trước. Anh ta xuống ngựa, leo lên bục, giơ tay chào Lão Giả:

- Báo cáo công tác viên, có thư chủ tịch huyện gửi đồng chí!

Lão Giả giơ tay chào lại nói:

- Đồng chí đưa thư cho tôi-

Chiến sĩ giải phóng quân lấy từ trong chiếc túi da một bức thư đưa cho Lão Giả. Lão Giả mở thư, đọc luôn. Mọi người lại một phen sững sờ. Lão Giả bây giờ không phải là Lão Giả của ngày xưa nữa. Anh ấy làm quan to rồi. Lính đến phải chào. Anh ấy còn biết chữ, giở thư của “chủ tịch huyện” ra đọc luôn. Đến ngay như Mã Trách cũng tự cảm thấy kính nể Lão Giả, vội bưng một bát nước đến đặt trước mặt Lão Giả, đồng thời, cảm thấy mình không nên đứng tiếp trên bục, liền xách chiêng nhảy xuống, đứng lẫn vào đám đông, ngước mặt lên nhìn Lão Giả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.