Hoa Vàng Cố Hương

Chương 5: Q.4 - Chương 5: Chương 1




Thầy giáo tiểu học Mạnh Khánh Thụy viết đầy biểu ngữ trong thôn. Thân cây, bờ tường, chuồng bò, chuồng lợn đâu đâu cũng chằng chịt biểu ngữ. Hòa Thượng cấp cho thầy ba thùng mực tầu. Hết mực, Khánh Thụy lại đi tìm Hòa Thượng, bảo mực hết rồi, biểu ngữ viết xong rồi, anh có thể về trước được chưa? Hòa Thượng trợn mắt hỏi:

- Chưa đầy hai ngày mà đã viết hết cả ba thùng mực rồi?

- Viết xong rồi, trên đường, trên tường đều viết cả.

- Anh vẫn chưa được về!

- Mực viết hết rồi, tôi còn ở đây làm gì?

- Tôi cấp tiếp cho anh năm thùng mực. Anh ở đây viết tiếp!

- Đường làng, tường làng đều đã viết chi chít cả. Anh đưa năm thùng mực nữa, tôi biết viết vào đâu?

- Tôi cóc cần biết. Tóm lại, anh phải viết hết năm thùng mực này trong vòng hai ngày!

Thấy Hòa Thượng nói thế, Khánh Thụy đành nán lại viết tiếp. Nhưng đường làng, tường làng đều đã kín chữ, không biết dùng năm thùng mực này vào đâu. Khánh Thụy đành thấy chỗ nào trống là viết cho thật dày, nét chữ to hơn. Cuối cùng, từ chiếc cọc dùng để cột gia súc, trục lăn lúa cho đến nhà vệ sinh, gian bếp của người dân đâu đâu cũng thấy biểu ngữ. Tổng cộng có bốn câu biểu ngữ, đều do Hòa Thượng nghĩ ra. Khánh Thụy không phải nhọc công nghĩ biểu ngữ, chỉ viết, nên khá dễ dàng. Bốn câu biểu ngữ này là:

- Đả đảo Triệu Thích Vị, phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản lớn nhất trong thôn!

- Đốt cháy móng vuốt của Lưu Thiếu Kỳ trong thôn là Triệu Thích Vị!

- Tội kiềm kẹp quần chúng cách mạng của Triệu Thích Vị không thể dung tha!

- Triệu Thích Vị là kẻ đại diện cho giai cấp địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu và hữu khuynh trong đảng!

Trong đó, riêng hai tên “Lưu Thiếu Kỳ” và “Triệu Thích Vị” đều viết lộn lại và vẽ dấu X đỏ lên trên.

Thích Vị gặp vận đen đã mấy tháng nay. Vận đen của ông ta không phải vì ông ta làm sai điều gì, cũng không phải “Đội chiến đấu Lưỡi kiếm sắc” của ông ta lại để xảy ra vấn đề gì. Thật ra, sau khi đấu tố Thực Căn, uy tín của “Đội chiến đấu Lưỡi kiếm sắc” được nâng lên trông thấy. Nhưng thời thế thay đổi, đã đến lúc đến lượt Thích Vị bị đen đủi. Phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản đã bị bắt hết ở huyện, ở công xã, bây giờ đến lượt cấp thôn. Trong thôn đã làm “Cách mạng đại văn hóa”, thì kiểu gì cũng phải tóm được một tên phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản, chứ không thể chỉ dừng lại ở giai đoạn học thuộc ngữ lục, đấu tố địa chủ, ôn nghèo kể khổ. Vậy ai là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản trong thôn? Trước đây ai nắm quyền thì người đó là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản. Trước đây thôn Mã chỉ có hai người có chức có quyền là Thích Vị và Hòa Thượng, một người là bí thư chi bộ, còn người kia là trưởng thôn. Thích Vị và Hòa Thượng đều lo lắng, chỉ có trưởng đoàn tạo phản Hồ Lô là vui mừng. Hồ Lô trước đây bán dầu, không thể nào là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản. Bởi vậy, vừa nghe nói phải tóm phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản, Hồ Lô giơ cả hai tay tán thành. Thích Vị và Hòa Thượng bị đánh đổ đến nơi. Lúc ấy thôn Mã sẽ là thế giới riêng của anh ta. Nhưng sau này lại nghe nói chỉ cần tóm một phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản là được, Hồ Lô rất thất vọng, còn Hòa Thượng lại thở phào. Trước đây Thích Vị là nhân vật số một trong thôn. Nếu chỉ cần bắt một người thì người đó sẽ là Thích Vị. Nhưng Thích Vị không chịu, khăng khăng mình không phải là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản. Hồi “Đại cách mạng văn hóa” mới bắt đầu, ông ta là người đầu tiên đứng lên tạo phản, thành lập đội chiến đấu, sao có thể là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản được? Hòa Thượng mới là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản. Hòa Thượng nghe Thích Vị nói vậy, không hề lo lắng, thủng thẳng:

- Đây không phải là chuyện ai tạo phản sớm hơn, mà là chuyện ai làm quan to hơn. Bí thư chi bộ đương nhiên to hơn trưởng thôn. Đi theo chủ nghĩa tư bản hồi trước “Đại cách mạng văn hóa” đều là ý kiến của anh cả. Tôi hỏi anh, bí thư chi bộ lãnh đạo trưởng thôn hay trưởng thôn lãnh đạo bí thư chi bộ?

- Đây không phải chuyện ai làm quan to hơn ai. Quan to chưa chắc đã là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản. Còn quan nhỏ cũng chưa chắc không phải là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản. Mao Chủ tịch to hơn Lưu Thiếu Kỳ, sao Lưu Thiếu Kỳ lại là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản? Lại Hòa Thượng mới là Lưu Thiếu Kỳ của thôn Mã!

Đương nhiên, đây chỉ là những lời nói sau lưng, chứ hai người không nói thẳng vào mặt nhau như vậy. Lúc này đã sang thu. Đội ba, đội bốn của “Tiến về núi Hổ” của Hòa Thượng trồng một ruộng dưa hấu. Hòa Thượng muốn làm rõ kẻ nào là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản trong thôn, liền bảo quần chúng đội ba, đội bốn hái dưa hấu chất đầy hai xe ngựa rồi đánh xe lên nơi làm việc của phe tạo phản công xã. Lúc này, phe tạo phản ở công xã cũng đang đấu tranh rất hăng, mọi người đều khát khô cổ, thấy Hòa Thượng mang dưa đến, đều rất vui, lấy cạnh bàn tay chém vỡ dưa rồi ăn. Ăn xong, người đứng đầu phe tạo phản hỏi Hòa Thượng có chuyện gì. Hòa Thượng nói:

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, thưa các đồng chí, tôi muốn hỏi xem trong thôn tôi, rốt cuộc ai là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản! Thích Vị trước đây toàn làm bí thư chi bộ, rõ ràng là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản. Nhưng bây giờ ông ta khăng khăng không chịu nhận. Vậy ta nên xử trí trường hợp này như thế nào?

Người đứng đầu phe tạo phản chưa từng đến thôn Mã, không biết ai là Thích Vị, nhưng nghe Hòa Thượng nói xong cũng cảm thấy rất phẫn nộ:

- Cái gì? Ông ta không thừa nhận? Ông ta không thừa nhận thì không phải là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản chắc? Bọn phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản hỏi có mấy ai chịu thừa nhận? Lưu Thiếu Kỳ còn không thừa nhận ông ta là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản nữa là! Bây giờ không phải là chuyện ông ta thừa nhận hay không, mà là chuyện làm thế nào để đánh đổ ông ta!

Hòa Thượng vui như mở cờ trong bụng. Ngay hôm đó liền đánh xe ngựa về thôn truyền đạt cho quần chúng chỉ thị của công xã, rằng lãnh đạo công xã nói phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản trong thôn Mã không phải ai khác mà chính là cựu bí thư chi bộ Triệu Thích Vị. Rồi gọi thầy Khánh Thụy đến, bảo thầy viết biểu ngữ. Hòa Thượng bắt chước nội dung biểu ngữ đả đảo phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản viết trên công xã và huyện tự đặt ra bốn câu biểu ngữ. Khánh Thụy đọc bốn câu biểu ngữ, lúc đầu không dám viết, vì Thích Vị bây giờ vẫn chưa bị đánh đổ. Trong tay còn có hẳn một đội chiến đấu, bèn nói:

- Hòa Thượng, anh bảo tôi viết đả đảo Lưu Thiếu Kỳ, tôi còn viết. Chứ viết đả đảo Thích Vị thì tôi không dám đâu!

- Thích Vị chính là Lưu Thiếu Kỳ trong thôn. Sao anh không dám viết? Nếu anh không viết, coi như anh bênh vực ông ta. Ông ta sắp đổ đến nơi rồi, anh sợ gì mà không viết? Nói thật với anh, vấn đề Thích Vị là do lãnh đạo công xã quyết định đấy!

Nghe Hòa Thượng nói vậy, Khánh Thụy sợ toát mồ hôi, nói:

- Thế thì để tôi viết, để tôi viết.

Thế là viết biểu ngữ “Đả đảo Thích Vị” khắp hang cùng ngõ hẻm trong thôn, tốn mất tám thùng mực.

Thích Vị thấy biểu ngữ viết đầy đường. Lại nghe nói, Hòa Thượng đã bỏ ra hai xe dưa hấu lên tận công xã để có được chỉ thị của trên, khép anh ta vào diện phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản, trong lòng rất lo lắng. Mọi người trong “Đội chiến đấu Lưỡi kiếm sắc” cũng nơm nớp theo. Bốn ngày phe Hòa Thượng viết biểu ngữ thì liền bốn ngày Thích Vị không tài nào ngủ được. Ông ta cảm thấy mình phen này chắc mất hết. Mười mấy năm liền làm cán bộ trong thôn, bây giờ nghĩ đến chuyện sắp trắng tay, Thích Vị buồn vô kể. Ông ta vốn rất sợ vợ mình là Đại Bạch Nga. Nhưng đêm nay, Bạch Nga không làm vừa ý ông, bị ông dùng thắt lưng quất vào mông một trận rõ đau. Bạch Nga nằm vật trên sàn lò sưởi khóc, lại còn mắng chồng mình là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản, làm ông ta càng cáu tiết. Nhưng Phó đội trưởng Phùng rỗ và tổ trưởng tổ hai là Kim Bảo vẫn rất trung thành với ông. Bọn họ bàn với ông cử người của đội “Lưỡi kiếm sắc” xé hết biểu ngữ dán trên đường làng, giã cho tay Khánh Thụy một trận vì tội viết biểu ngữ. Thích Vị trước đây thấy cả Phùng rỗ lẫn Kim Bảo đều là những người đầu óc giản đơn, có vẻ xem thường. Không ngờ bọn đầu óc giản đơn cũng có cái hay của nó. Đến lúc khó khăn, bọn họ vẫn một dạ trung thành. Thích Vị rất cảm động. Nhưng Thích Vị không đồng ý phương án xé biểu ngữ, cũng không tán thành chuyện đánh thầy Khánh Thụy. Hơn mười năm làm bí thư chi bộ, Thích Vị cũng đúc kết được một số kinh nghiệm. Ông ta nói:

- Không được xé biểu ngữ, cũng không được đánh người. Càng những lúc như thế này, càng phải kiềm chế!

Phùng rỗ nói:

- Sắp bị đánh đổ đến nơi, còn kiềm chế cái con khỉ!

Kim Bảo cũng chớp mắt nói:

- Chẳng lẽ chúng cháu cứ khoanh tay nhìn chú bị đánh đổ chắc?

Thích Vị nói:

- Tao biết chúng mày đều có ý tốt, lo tao bị đánh đổ. Chúng ta không thể nhìn người mình bị kẻ khác đánh đổ, nhưng cũng không thể đánh người, xé biểu ngữ. Hơn nữa, việc tao bị đánh đổ hay không cũng chẳng có gì là ghê gớm cả. Tao đã ngót nghét năm mươi tuổi, già rồi. Bị đánh đổ cũng chẳng sao, cùng lắm thì tha một chiếc sọt đi hót phân. Tao lo là lo cho hai đứa chúng mày. Ngày xưa, tao rủ chúng mày thành lập đội chiến đấu là có ý đợi “Đại cách mạng văn hóa” kết thúc, sẽ để chúng mày kế nhiệm, người làm bí thư chi bộ, người làm trưởng thôn, còn tao rút lui về tuyến sau nghỉ ngơi cho khỏe. Nào ngờ gặp phải tên Hòa Thượng sinh lòng ghen ghét. Nếu tao bị đổ, thì thế nào chúng mày chẳng bị vạ lây? Đấy là chưa kể đến mấy trăm con người trong đội một, đội hai. Nếu để thôn này rơi vào tay bọn họ thì mấy trăm người chúng ta cũng coi như xong. Từ trước đến nay tao đều làm bí thư chi bộ. Hòa Thượng tìm cách chụp cho tao chiếc mũ phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản. Hòa Thượng đánh đổ tao là vì muốn thay tao làm bí thư chi bộ. Nhưng việc này không thể làm bừa. Nó muốn đánh đổ chúng ta, thì cứ để xem nó định đánh đổ chúng ta như thế nào. Đến lúc ấy đối phó với nó cũng chưa muộn!

Phùng rỗ và Kim Bảo thấy Thích Vị nói có lý. Biết Thích Vị chỉ lo cho hai người bọn họ và mấy trăm con người trong đội, bọn họ lại càng cảm động. Thấy Thích Vị đủng đỉnh như không, chẳng giống người sắp bị đánh đổ, lại có phần khâm phục, nói:

- Vậy thì cứ chờ xem. Chúng ta có những mấy trăm con người, chặt đầu máu cũng chảy đầy mấy vại nước, chẳng lẽ chịu khoanh tay nhìn kẻ khác đánh đổ sao!

Đợi mấy ngày. Quả nhiên, đúng như lời Thích Vị nói, biểu ngữ trong thôn đã bạc màu, nhưng Thích Vị vẫn không bị đánh đổ. “Đội chiến đấu Lưỡi kiếm sắc” vẫn tồn tại. Con dấu của chi bộ Đảng trong thôn vẫn nằm trong tay Thích Vị. Hòa Thượng thấy hơi nhột. Đúng lúc này, Thích Vị cũng lại cho hai xe ngựa chở dưa hấu lên công xã. Phe tạo phản ở công xã cũng có những mấy phe. Phe tạo phản Hòa Thượng tìm đến lần trước là phe A. Còn lần này Thích Vị lại tìm đến phe B. Người đứng đầu phe B là một tay to béo. Ăn dưa hấu và nghe Thích Vị trình bày xong, ông ta vỗ vỗ vào dây thắt lưng da trong tay nói:

- Đừng có nghe phe A nói nhăng nói cuội. Rốt cuộc ai là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản, ai là phe cách mạng, ai là phe bảo hoàng, đến giờ vẫn chưa có kết luận rõ ràng! Điều quan trọng nhất là xem xem cuối cùng ai đánh bại ai. Người chiến thắng sẽ thuộc phe tạo phản cách mạng!

Nghe xong, Thích Vị mới vỡ ra, vội nói:

- Đúng đúng đúng. Đúng là lãnh đạo có khác, lập luận đâu ra đấy!

Về đến thôn, Thích Vị lập tức truyền đạt lại lời của vị lãnh đạo phe tạo phản B cho mọi người trong đội “Lưỡi kiếm sắc” nghe. Mọi người bắt đầu hiểu ra. Quần chúng trước đây có phần chán nản, bây giờ đã hăng hái trở lại. Lúc này, Phùng rỗ và Kim Bảo nói:

- Nếu đã chưa xác định được ai là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản, tại sao lần trước Hòa Thượng lại viết biểu ngữ công kích chúng ta? Đ. mẹ nó chứ, chúng ta cũng phải tìm thầy Khánh Thụy, bảo thầy viết biểu ngữ công kích Hòa Thượng!

Thích Vị lúc này bạo gan hơn, nói:

- Được, phe cách mạng nào cũng có thể viết biểu ngữ. Không thể để cho Hòa Thượng độc chiếm những bức tường trong thôn!

Tối hôm đó, Phùng rỗ và Kim Bảo cho người đi tìm thầy Khánh Thụy đến, bảo ông ta viết lại biểu ngữ. Khánh Thụy vừa bước vào văn phòng của “Đội chiến đấu Lưỡi kiếm sắc”, đã thấy trên mặt đất đặt 8 thùng mực nước và một sợi dây thừng, Phùng rỗ và Kim Bảo mỗi người cầm một nhành liễu. Khánh Thụy biết ngay có chuyện không hay. Trước đây, mỗi khi thầy Khánh Thụy gặp Phùng rỗ và Kim Bảo, hai bên đều nói chuyện hỏi han nhau, có lúc còn nói đùa vài câu, nhưng xem chừng hôm nay không phải chuyện đùa! Khánh Thụy đứng trân trân giữa nhà. Dưới ánh đèn, Phùng rỗ và Kim Bảo đang hút thuốc trên lò sưởi, cười cười nói nói, không để ý đến thầy. Mãi đến khi Phùng rỗ đánh hai phát rắm, Kim Bảo chọc nhành liễu vào Phùng rỗ trêu. Phùng rỗ muốn chữa ngượng, quay sang thầy Khánh Thụy hỏi:

- Thầy Thụy, hôm nay thầy có biết vì sao chúng tôi gọi thầy đến không?

- Không ạ!

- Không biết! Mới có ti toe vài chữ bọ, mà đã kênh kiệu! Mấy hôm trước, ông viết biểu ngữ khắp thôn, đòi đánh đổ Thích Vị. Hôm nay, chúng ta phải tính sổ thôi!

- Không phải tôi muốn đánh đổ Thích Vị, mà là Hòa Thượng bảo tôi viết. Ông ta có trong tay cả một đội chiến đấu, sao tôi dám không viết?

- Được. Ông ta bảo ông viết, nên ông phải viết. Trong tay tôi cũng có một đội chiến đấu, tôi bảo ông viết, ông có viết không?

Khánh Thụy dán mắt vào nhành liễu trên tay Phùng rỗ và Kim Bảo nói:

- Có ạ!

- Tốt. Đã vậy, tôi nói cho ông biết, hôm nay chúng tôi gọi ông đến đây là muốn hỏi ông lần trước đã viết biểu ngữ cho Hòa Thượng thế nào, thì bây giờ viết biểu ngữ cho chúng tôi như thế! Lần trước, ông viết biểu ngữ mất mấy thùng mực?

- Tám thùng!

Phùng rỗ chỉ xuống đất:

- Tốt. Hôm nay tôi cũng đưa cho ông tám thùng mực. Ông phải viết hết chỗ mực này cho tôi!

- Anh Phùng, trước đây tôi với anh có đến nỗi nào, sao bây giờ anh lại gây khó cho tôi. Tôi vừa mới viết cho Hòa Thượng, bây giờ lại viết cho các anh, Hòa Thượng biết được thế nào cũng đánh tôi!

Phùng rỗ nhảy dựng lên, nói:

- Á à, mẹ kiếp cái thằng này, nói đi nói lại chẳng qua là mày sợ cái thằng Hòa Thượng! Mày sợ nó đánh mày, còn không sợ tao đánh mày chắc. Bây giờ tao sẽ treo ngược mày lên, dần cho mày một trận. Đồ khốn kiếp!

Nói rồi bảo Kim Bảo lấy sợi dây thừng treo Khánh Thụy lên. Khánh Thụy thấy bọn họ định treo mình lên để đánh thật, hoảng quá, cuống quýt:

- Đừng đừng. Để tôi viết, tôi viết!

Phùng rỗ giơ tay ngăn Kim Bảo, chỉ nhành liễu vào Khánh Thụy nói:

- Mày định viết cái gì?

Khánh Thụy sợ toát mồ hôi hột, nói:

- Anh bảo viết gì, tôi viết nấy!

- Tốt. Lần trước mày viết đả đảo Thích Vị thế nào, thì bây giờ viết đả đảo Hòa Thượng như thế!

- Nhưng hết chỗ để viết rồi. Lần trước biểu ngữ chống Thích Vị đã viết đầy trong thôn!

- Hết chỗ thì mày phải tìm chỗ mà viết. Lần trước viết cho Hòa Thượng thì có chỗ, còn bây giờ viết cho tao thì lại bảo không có chỗ? Mày hãy xóa những biểu ngữ viết trước đây rồi viết biểu ngữ mới đè lên!

Khánh Thụy xòe tay phân bua:

- Việc này, nếu Hòa Thượng biết được, thế nào cũng đánh tôi!

Phùng rỗ lại bảo Kim Bảo treo Khánh Thụy lên để đánh. Hắn ta hỏi Khánh Thụy:

- Tóm lại, mày sợ bị bên nào đánh?

Khánh Thụy thổn thức:

- Tôi sợ cả hai!

- Mày đã sợ bên kia một lần rồi. Bây giờ đến lượt sợ bọn tao. Thế nào, ngày mai mày có xóa không? Có viết không? Nếu không xóa, không viết, bọn tao cứ treo mày một đêm cái đã!

- Tôi sẽ xóa, sẽ viết. Viết luôn trong ngày mai!

- Lần trước mày viết biểu ngữ mất mấy ngày?

- Bốn ngày ạ!

- Tao cũng hạn cho mày bốn ngày phải xong, phải viết hết 8 thùng mực. Đến ngày thứ tư mà vẫn chưa viết xong thì tao đổ cả tám thùng mực vào mồm mày!

Nói rồi, bảo Kim Bảo thả Khánh Thụy ra.

Nhưng bốn ngày đã qua, Khánh Thụy vẫn chưa xóa một chữ nào, chưa viết một chữ nào. Nguyên nhân không phải do anh ta không muốn xóa, muốn viết, mà vì đội chiến đấu của Hòa Thượng nhận được tin, phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản Thích Vị muốn phản công, đòi xóa biểu ngữ cũ viết biểu ngữ mới liền phái Vệ Đông dẫn một đám đội viên đội chiến đấu cầm gậy canh trên đường. Khánh Thụy thấy có người canh biểu ngữ, bây giờ mà lù lù ra xóa biểu ngữ cũ viết biểu ngữ mới thì có mà no đòn. Thế nên, anh ta chẳng xóa chữ nào, và đương nhiên cũng chẳng viết một chữ nào. Đến ngày thứ tư, Phùng rỗ và Kim Bảo rất giận dữ, dẫn một bọn lăm lăm cành liễu đến trường học bắt thầy Khánh Thụy. Bốn ngày rồi không viết chữ nào thì phải ép thầy uống bằng hết tám thùng mực. Nhưng đến khi bọn Phùng rỗ đến trường, đẩy cửa phòng thầy Khánh Thụy, thấy thầy đang chủ động bê thùng mực lên uống. Mặt mũi cổ đen ngòm toàn mực! Thầy Khánh Thụy vừa uống mực vừa tát vào mặt mình:

- Ai bảo mày biết chữ? Ai bảo mày biết chữ? Mày biết chữ nên phải chịu nhục, phải bị đánh cũng là đáng đời!

Thấy Khánh Thụy như thế, bọn Phùng rỗ cũng giật mình. Người ta đã chủ động uống mực, không lẽ lại viện lý do ép người ta. Nhưng Phùng rỗ vẫn cứ sấn đến đá thầy Khánh Thụy một cái:

- Mày đừng tưởng uống mực là xong. Hôm nay mày cứ uống đi. Ngày mai tao lại đến tính sổ với mày!

Nhưng hôm sau, khi bọn Phùng rỗ kéo người đến trường học, mới biết chẳng thể nào tính sổ với thầy Khánh Thụy được nữa. Bởi thầy đã nằm thẳng đơ trên giường, không động đậy. Thầy uống mực nhiều quá. Ngộ độc chết.

Cái chết của Khánh Thụy càng làm cho Phùng rỗ tức giận:

- Mẹ nó chứ, bảo nó viết biểu ngữ, nó lại uống mực chết mẹ nó rồi. Nó tưởng nó chết rồi thì ta không viết biểu ngữ chắc? Cả cái thôn này thành thiên hạ của thằng Hòa Thượng rồi chắc? Chúng ta vẫn cứ phải viết!

Ngày hôm sau, “Đội chiến đấu Lưỡi kiếm sắc” lại tìm đến thầy giáo tiểu học khác là thầy Tiểu Hồ, bảo thầy viết biểu ngữ. Vì biểu ngữ đều đã bị người của “Đội chiến đấu tiến về núi Hổ” cầm gậy canh gác, nên lần này “Đội chiến đấu Lưỡi kiếm sắc” cũng huy động một số đội viên cầm gậy mở đường, cưỡng chế viết lại biểu ngữ, bảo thầy Tiểu Hồ sửa câu “Đả đảo Triệu Thích Vị” thành “Đả đảo Lại Hòa Thượng”. Trong quá trình sửa lại biểu ngữ, người của hai bên xảy ra xung đột. Sửa được mười câu biểu ngữ, mỗi bên bị thương năm người. Trong đó, một thanh niên của đội “Lưỡi kiếm sắc” là Ngõa Tra bị gậy của đối phương đánh trúng đầu, hôn mê bất tỉnh, phải nằm liệt giường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.