Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương 138: Chương 138: Chương 136




Tuyên và Hạnh, người yêu của Tuyên xách một túi hoa quả trong tay đi dọc hành lang của bệnh viện. Đi qua phòng nào cũng dừng lại nhìn vào rồi bỏ đi. Gặp một cô y tá bê một khay thuốc đi lại, Tuyên hỏi:

- Xin lỗi cô, phòng của ông Kim bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh nằm ở đâu nhờ cô chỉ giúp.

Cô y tá hỏi:

- Có phải cái ông bí thư tỉnh ủy chia ruộng cho nông dân cày cấy có phải không?

Tuyên hơi ngớ ra không hiểu cô y tá nói gì, nhưng sau đó lại gật đầu:

- Phải, phải.

Cô y tá chỉ về phía cuối hành lang:

- Nếu thế thì bác ấy nằm ở phòng số 24.

- Cám ơn cô.

Tuyên và Hạnh vừa đi vừa đưa mắt nhìn lên tấm biển treo trước cửa phòng. Thấy phòng 24, Tuyên dừng lại nhìn vào bên trong. Nhìn thấy bố đang vui vẻ nói chuyện, Tuyên mừng rỡ:

- Chào bố mẹ. Chào hai bác.

Hạnh chào theo. Bà Lê đứng lên rồi gần như lao về phía Tuyên:

- Con về khi nào?

- Con về hôm qua. Về đến nhà thấy cửa đóng kín mít, con chạy qua chỗ bác Thường hỏi mới biết bố đi bệnh viện, con liền xuống đây luôn. Đây là Hạnh, người yêu của con.

Ông Kim cười rưng rưng:

- Học hành xong chưa mà đã tính chuyện lấy vợ?

- Xong rồi bố ạ.

Ông Kim giới thiệu với ông Cư, ông Khải:

- Đây là anh con đầu của tôi. Cháu đang học ở Cộng hòa dân chủ Đức.

Ông Cư khen:

- Ăn cơm Tây có khác. Cháu không bớt cho bố cháu một ít.

- Cháu ở nhà đã to cao như thế rồi bác ạ - Bà Lê bảo.

Ông Kim tụt xuống giường:

- Mấy bố con mình đi ra ngoài kia ngồi nói chuyện, để đây cho hai bác nghỉ.

Ngồi xuống chiếc ghế băng kê dọc hành lang, ông Kim hỏi:

- Hai đứa cùng học với nhau à?

Tuyên đáp:

- Hạnh học ngành kiến trúc bố ạ.

Bà Lê hỏi:

- Quê cháu ở đâu?

- Thưa bác, cháu ở Hà Nội ạ.

Bà Lê hỏi tiếp:

- Bố mẹ cháu còn khỏe chứ?

- Vâng. Bố cháu ở bộ đội, còn mẹ cháu làm ở Cục thống kê.

Tuyên hỏi:

- Con nghe chú Đô bảo sở dĩ bố bị chảy máu dạ dày là do bác Chính bắt bố làm kiểm điểm có phải không bố?

- Cái thằng Đô này ăn nói lung tung thật. Không phải đâu con ạ. Con không nhớ bố đã bị chảy máu dạ dày hai lần rồi không. Con đừng nghe người ta nói lung tung rồi nghĩ không tốt về bác Chính. Bác ấy là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, tình nghĩa giữa bác ấy và bố vẫn như xưa. Không có chuyện gì xảy ra giữa bố và bác ấy đâu.

- Sức khỏe của bố thế nào rồi?

- Tốt rồi con ạ. Bác sĩ bảo tuần sau sẽ cho bố xuất viện. Con bảo con học xong rồi phải không?

- Vâng.

Bà Lê hỏi:

- Con về nước luôn hay còn qua lại bên đó?

Tuyên đáp:

- Con về thăm bố mẹ rồi quay sang bên đó.

- Bao giờ thì về hẳn? - Ông Kim hỏi.

- Con định ở lại bên Đức vài ba năm nữa mới về bố ạ.

Một thoáng thoáng nghi ngờ lướt qua, ông Kim hỏi:

- Học xong rồi không về còn ở lại bên ấy làm gì?

- Con định đi làm một vài năm kiếm một ít tiền rồi về bố ạ.

Ông Kim không tin ở tai mình, hỏi lại:

- Con vừa nói gì. Ở lại kiếm tiền à?

Tuyên đáp bình thản:

- Vâng. Ngành học của con có về nhà cũng chẳng có việc làm, trong khi đó ở bên Đức rất cần người mà lương cũng cao nên con định ở lại bên ấy làm việc vài ba năm vừa kiếm một ít tiền vừa củng cố thêm kiến thức thông qua lao động thực tế rồi mới về.

Ông Kim nhìn thẳng vào mặt Tuyên:

- Đảng cho con đi học để về phục vụ đất nước chứ không phải đi học để đi làm thuê cho nước ngoài. Con học xong rồi nếu về nước không có việc làm thì đi bộ đội. Mặt trận đang rất cần người cầm súng.

- Bố nghe con nói hết đã.

Ông Kim nói dứt khoát:

- Không phải nói gì nữa.

Bà Lê bảo chồng:

- Thì anh bình tĩnh để cho con nói hết xem sao.

Tuyên biết bố bị sốc vì câu nói thẳng của mình nên sửa lại:

- Thưa bố. Có lẽ nghe con nói hai tiếng kiếm tiền hơi khó nghe nên đã khiến bố tức giận. Thực ra ngành con học là một ngành rất khó. Trong mấy năm qua chủ yếu là học lí thuyết chứ chưa có điều kiện thực hành. Trong khi đó ở miền Bắc nước ta hiện nay chưa có điều kiện để nhập các thứ máy móc hiện đại về để ứng dụng trong sản xuất. Vì vậy con muốn ở lại bên Đức vài ba năm để lao động nhằm củng cố thêm kiến thức và kinh nghiệm trong thực tế. Nếu sau này miền Bắc có điều kiện ứng dụng ngành con học vào trong sản xuất và trang bị máy móc, lúc ấy con có một tay nghề vững vàng thì sức cống hiến của con cho đất nước càng cao bố ạ.

Ông Kim ngồi lặng yên.

Hạnh nói rụt rè:

- Thưa hai bác, anh Tuyên nói đúng đấy ạ. Ngành anh Tuyên học có lẽ là để dành cho đất nước sau khi hết chiến tranh. Nếu anh Tuyên về mà không làm đúng ngành mình học thì coi như mấy năm học vừa qua chẳng ích gì hai bác ạ.

Ông Kim đã thấy nguôi nguôi nên quay sang hỏi Hạnh:

- Cháu học đã xong chưa?

- Thưa bác, cháu còn hai năm nữa ạ.

- Vậy là hai đứa về cùng?

Hạnh cười kín đáo:

- Bác nghĩ anh Tuyên ở lại vì cháu có phải không?

Ông Kim cười:

- Càng tốt chứ sao.

Hạnh nói:

- Ngành cháu học về nước là có việc làm ngay. Hiện nay ở Hà Nội cũng có một trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp. Cháu định sau khi về nước sẽ xin vào làm giảng viên ở đó.

Bà Lê hỏi:

- Cháu đã nói với bố mẹ cháu về mối quan hệ giữa cháu và thằng Tuyên nhà bác chưa?

- Cháu viết thư nói cho bố mẹ cháu biết từ lâu rồi ạ.

Ông Kim đùa:

- Vậy mà thằng Tuyên nhà bác giấu tiệt.

Tuyên cười:

- Con về nước đã đến trình diện với mẹ vợ ngay. Hôm nay chúng con trình diện bố mẹ rồi còn gì nữa.

Ông Kim hỏi:

- Bố cháu hiện nay ở Hà Nội hay ở đâu?

Hạnh đáp:

- Bố cháu đang ở Lào bác ạ. Nghe anh Tuyên bảo bác cũng có một thời gian ở trong quân đội có phải không?

- Bác ở bảy, tám năm gì đó, bác không nhớ nữa.

- Hôm nào bác ra viện, cháu xin mời hai bác đến nhà cháu chơi.

Ông Kim vui vẻ nói:

- Nhất định hai bác sẽ đến. Cháu và thằng Tuyên nhà bác định khi nào thì đi?

- Chúng cháu định về nghỉ khoảng ba tuần bác ạ.

Một cô y tá đi lại chỗ ông Kim:

- Cháu mời bác vào tiêm thuốc ạ.

- Cháu vào đi, bác vào ngay đây.

Nói xong ông Kim đứng lên đi theo cô y tá.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.