Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương 133: Chương 133: Chương 131




Ông Quốc đang làm việc với Tấn, trưởng Ty Nông nghiệp và Sản, trưởng Ty Lương thực thì ông Kim đạp xe vào. Nhìn thấy mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt ông Kim, ông Quốc hỏi:

- Có chuyện gì mà trông anh đạp xe đạp có vẻ vội vàng vậy?

Ông Kim vừa dựng xe vừa trả lời:

- Có việc khẩn cấp cần bàn với ông đây.

- Sao anh không nói qua điện thoại mà đạp xe cho mệt?

- Chuyện tối mật. Không thể nói qua điện thoại được. Ba ông đang bàn việc gì đấy?

Ông Quốc đáp:

- Tôi đang bàn với hai ông này kế hoạch vụ xen canh sắp tới nên chỉ đạo trồng cây gì, giống má ra sao. Đến lúc nông dân thu hoạch phải thu mua cho nông dân như thế nào.

- Hay quá nhỉ. Cho tớ nghe có được không hay giữ bí mật?

- Bàn xong đường nào chẳng phải báo cáo với bí thư chứ có gì mà bí mật.

- Tớ đùa cho vui thôi. Bàn đến đâu rồi?

- Sắp xong rồi.

Ông Kim hỏi giọng quan tâm:

- Kế hoạch các ông thế nào?

Ông Quốc đáp:

- Theo đề nghị của trưởng Ty nông nghiệp thì vụ xen canh năm nay chỉ tập trung vào ba loại cây chủ yếu: Ngô, đậu tương và khoai tây.

Ông Kim hỏi:

- Sắn thì sao? Các huyện miền núi và vùng bán sơn địa cây khoai tây và đậu tương chắc gì đã đưa lại lợi ích hơn cây sắn.

Tấn đáp:

- Chúng tôi chỉ tính đến những loại cây có giá trị kinh tế cao thôi bí thư ạ.

- Cây sắn ăn tươi được, ăn khô được, chăn nuôi cũng tốt. Trong trường hợp cây lúa bị thất bát, nó là loại cây cứu đói rất hữu hiệu, thế mà cậu bảo giá trị kinh tế không cao thì lạ thật.

Tấn chống chế:

- Nhưng đất trồng sắn không nhiều bí thư ạ.

Ông Kim kêu lên:

- Chết, chết. Trưởng Ty Nông nghiệp mà nói một câu khó nghe quá đi mất. Có hàng ngàn héc-ta đất chân rừng, gò đồi mà bảo đất trồng sắn không nhiều thì tôi đến chịu ông.

Tấn cười:

- Em đầu hàng. Nhưng bí thư hỏi ông Sản có chịu nhập hàng ngàn tạ sắn của nông dân không đã. Nếu hắn từ chối thì khỏi phải đầu tư vào cây sắn cho mất công.

Ông Kim nói luôn:

- Tớ chẳng cần Ty Lượng thực tiêu thụ. Nhổ đến đâu thái đến đó, phơi khô cho vào bồ dùng cả năm.

Tấn hỏi:

- Coi như tự sản tự tiêu?

- Chứ sao nữa. Ty lương thực của cậu Sản không chịu nhập, tớ không tự sản tự tiêu thì vứt đi đâu.

Sản tưởng ông Kim nói thật nên thanh minh:

- Em đã nói em không nhập khi nào mà anh nói vậy?

Ông Quốc cười:

- Hai cậu mắc lừa ông Kim rồi.

Ông Kim cười xong bảo:

- Tớ rất hoan nghênh việc làm của các cậu là vừa tìm cây gì có giá trị kinh tế cao để chỉ đạo nông dân gieo trồng, vừa tìm cách tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra. Với hạt thóc, qua thay đổi phương thức quản lí lao động của mấy vụ chiêm và vụ mùa vừa rồi coi như tạm ổn. Vấn đề gay cấn hiện nay của nông dân là đang thiếu tiền mặt để mua sắm. Nếu đổ thóc ra để lấy tiền mặt thì hết sức thất sách. Vì vậy phải tạo điều kiện cho nông dân làm kinh tế phụ bán để lấy tiền mặt. Có lẽ tiến tới đây phải mở cửa cho nông dân trao đổi hàng hóa với nhau ông Quốc ạ. Ai cần bán con gà, con cá, củ khoai, củ sắn, cân thóc, cứ để cho người ta mang ra chợ bán. Kẻ thừa cần bán, kẻ thiếu cần mua mà ngăn sông cấm chợ thì vô lí quá.

- Biết là vô lí đấy nhưng nếu chúng ta làm thế thì lại vi phạm chính sách quản lí thị trường của Nhà nước.

- Nông dân tự bán tự mua với nhau, không cho phép tư thương gom sản phẩm của nông dân rồi đem bán lại cho nông dân bằng cái giá cắt cổ thì sao?

Tấn tỏ ra đồng tình:

- Tôi thấy ý kiến của bí thư hay đấy. Thực tế hiện nay các chợ ở nông thôn người ta vẫn lén lút mang sản phẩm ra chợ để bán chứ có ngăn cản được người ta đâu.

Ông Kim nhớ ra mục đích mình qua gặp ông Quốc nên hỏi:

- Các cậu đã trao đổi việc đầu tư cho vụ xen canh xong chưa?

Ông Quốc đáp:

- Mới tàm tạm thôi. Đang vướng chỗ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như thế nào.

- Vậy tạm thời dẹp lại đó rồi bàn tiếp. Bây giờ tớ đang có chuyện quan trọng cần bàn với ông Quốc đây.

Tấn nói:

- Vậy chúng tôi xin rút lui để bí thư và chủ tịch làm việc.

Khi Tấn và Sản ra rồi, ông Quốc hỏi ông Kim:

- Có việc gì thế anh?

- Ban bí thư vừa điện lên báo ngày mồng sáu anh Trung Chính sẽ lên làm việc với Ban thường vụ. Ngày mồng bảy sẽ có cuộc nói chuyện từ bí thư huyện ủy trở lên và các cán bộ đầu ngành của tỉnh. Tớ đã giao cho văn phòng lo chuyện ăn ở và triệu tập các thành phần về dự vào sáng mồng bảy rồi. Tớ qua đây báo cho ông biết để gọi tay Thạch đến bàn việc bảo vệ trong những ngày anh Trung Chính làm việc ở tỉnh.

Ông Quốc tỏ vẻ lo lắng:

- Chắc sấm sét sắp đánh xuống đầu anh em mình đây.

- Có thể như thế. Còn năm hôm nữa thôi nên lát nữa ông cho gọi tay Thạch qua để bàn mới kịp. Bảo với tay Thạch ngay từ chiều mồng năm anh em bảo vệ đã có mặt ở trong khu cơ quan tỉnh ủy để triển khai công tác bảo vệ. Cũng không cần thông báo cho tay Thạch là ai sẽ lên làm việc với tỉnh ủy.

Ông Quốc hỏi:

- Anh có dự đoán anh Trung Chính sẽ đề cập vấn đề gì với tỉnh ủy không?

- Không ngoài Nghị quyết 68.

Ông Quốc thắc mắc:

- Nhưng Nghị quyết 68 đã được thực hiện gần hai năm nay rồi kia mà.

- Tính của anh Trung Chính là rất thận trọng. Chắc anh ấy chờ thu thập được đầy đủ những việc làm của các Hợp tác xã nông nghiệp để làm chứng cứ rồi mới làm việc với chúng ta. Nghe đâu ở Hải Phòng, Hải Hưng và cả Phú Thịnh cũng đang bung ra đủ các loại khoán nên có thể anh Trung Chính muốn dập tắt nơi xuất phát của phong trào để làm gương cho các nơi.

Ông Quốc thở dài chán nản:

- Không biết chuyện gì sẽ đến đây.

- Nắng chiều nào che chiều ấy, chẳng có gì mà lo. Ông cho gọi tay Thạch qua bàn ngay đi nhé. Tớ về đây.

Ông Kim vội vàng đi ra dắt xe đạp nhảy lên đi. Ông Quốc nhìn theo cái dáng cao lêu nghêu gò lưng đạp xe của ông Kim buông tiếng thở dài thương cảm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.